Những thành quả đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Những thành quả đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Nỗ lực khôi phục đời sống, sản xuất sau bão; Bảo đảm an toàn đê điều khi lũ rút.
Quỳnh Anh | 14:44 16/09/2024
Những thành quả đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh
Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO
Đồ họa: Khánh Thiện
MC1: Tùng Sơn
MC2: Anh Quỳnh
Nhạc hiệu (25 giây)
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Nỗ lực khôi phục đời sống, sản xuất sau bão số 3
- Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, tuyệt đối không chủ quan khi lũ rút
- Tập trung dập dịch sâu đầu đen gây hại dừa
- Phòng bệnh khô ngọn trên cây cà phê
- Kom Tum ngăn chặn tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh
- Tỉnh đầu tiên bán được tín chỉ carbon lúa với giá 20 USD
- Cây bồn bồn – sinh kế mới của người dân Sóc Trăng
- Huyện vùng cao sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Nỗ lực khắc phục khôi phục đời sống, sản xuất sau bão số 3
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, bão số 3 và hoàn lưu sau bão tàn phá nhiều địa phương của miền Bắc nước ta, để lại thiệt hại vô cùng to lớn. Đến 17 giờ 30 ngày 15/9, tổng số người chết, mất tích do đợt thiên tai này là 330 người. Mưa lũ cũng làm khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết. Bão lũ, sạt lở đất đã để lại những những khung cảnh tàn khốc, ngổn ngang, tài sản bị cuốn trôi, nhiều gia đình mất đi người thân, nhiều địa phương bị cô lập trong biển nước, thậm chí có những bản làng bị xóa sổ… Đến nay, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khôi phục hoạt động sản xuất, đời sống dân sinh cũng như các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục hậu quả thiên tai vẫn đang được Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân nỗ lực thực hiện.
- Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, tuyệt đối không chủ quan khi lũ rút
Bộ NN-PTNT mới đây đã có Văn bản hỏa tốc gửi Sở NN-PTNT 18 tỉnh, thành phố về việc bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ. Văn bản nêu rõ, do ảnh hưởng của đợt mưa rất lớn kéo dài trên diện rộng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra đợt lũ lớn trên hệ thống các sông lớn. Hệ thống đê điều đã xảy ra trên 300 sự cố, uy hiếp đến an toàn đê. Hiện lũ trên hệ thống sông đang xuống, tuy nhiên, mực nước vẫn còn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ, bãi sông… Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi lũ rút, tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến đê. Tiếp tục duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu.
- Tập trung dập dịch sâu đầu đen gây hại dừa
Thời gian qua, dịch bệnh sâu đầu đen đã xuất hiện nhiều trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chủ yếu tập trung tại huyện Chợ Gạo với tổng diện tích hơn 270 ha dừa bị nhiễm bệnh. Sau khi dịch bệnh bùng phát, ngành Nông nghiệp tỉnh đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Chợ Gạo, các ngành, tổ chức 18 cuộc tập huấn cho nông dân các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Giải pháp để phòng trừ sâu đầu đen trước mắt là phải phun thuốc. Những cây dừa lão, không còn hiệu quả phải vận động nông dân đốn, đốt tiêu hủy để tiêu diệt mầm bệnh. Về lâu dài và căn cơ nhất vẫn là sử dụng thiên địch. Hiện Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã tập huấn cho nông dân về các loại thiên địch để tiêu diệt sâu đầu đen.
- Phòng bệnh khô ngọn trên cây cà phê
Tại Lâm Đồng, trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng hiện có khoảng 2 ha cà phê canh tác theo kỹ thuật “đa thân không hãm ngọn” bị nhiễm bệnh chết khô ngọn, tỷ lệ hại khoảng 20 - 30% cây, mỗi cây bị khoảng 1 - 2 “thân con”. Để chủ động các biện pháp phòng trừ đối tượng gây hại trên cây cà phê, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng khuyến cáo bà con trồng cà phê cần tăng cường công tác thăm vườn để nắm bắt tình hình gây hại. Đồng thời, cắt bỏ và thu gom toàn bộ thân, cành, lá, quả nhiễm để đốt, tiêu huỷ, tuyệt đối không để lại trên vườn hoặc xung quanh vườn dễ làm nguồn bệnh lây lan sang các vùng lân cận. Thường xuyên phát dọn cỏ dại, tỉa bỏ chồi vượt, cành vô hiệu, cành khuất bên trong tán giúp cho vườn thông thoáng, giảm ẩm độ vườn cây.
- Kom Tum ngăn chặn tình trạng mất trộm cây sâm
Trước những thông tin phản ánh về tình trạng nhiều vụ trộm sâm Ngọc Linh xảy ra trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, gây thiệt hại lớn cho người dân, UBND tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi UBND các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và các sở ngành liên quan về việc tăng cường kiểm soát vườn sâm Ngọc Linh. Trong đó, đề nghị Sở NN-PTNT, UBND các huyện theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai các giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Giao Sở NN-PTNT chủ trì, liên hệ và phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, nắm bắt tình hình các vụ việc mất trộm cây sâm Ngọc Linh trong thời gian gần đây, đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng mất trộm cây sâm.
- Tỉnh đầu tiên bán được tín chỉ carbon lúa với giá lên tới 20 USD
Mới đây, Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Lắk tổ chức tổng kết mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023–2024". Tại hội nghị tổng kết này, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon mua gần 17 tấn CO2 tương đương đã giảm được từ mô hình trồng lúa của nông dân ở xã Bình Hoà, huyện Krông Ana. Mỗi tín chỉ carbon lúa này được mua với giá 20 USD. Đây là số tín chỉ carbon đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất tại Đắk Lắk. Mức giá này cũng cao gấp 2 lần giá tín chỉ carbon mà Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả cho đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.
- Cây bồn bồn – sinh kế mới của người dân Sóc Trăng
Tại một số vùng đất lúa hay đất nuôi tôm không hiệu quả ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng bồn bồn, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đơn cử như tại huyện Mỹ Tú, trên địa bàn hiện có khoảng 80ha đất chuyên canh bồn bồn, chủ yếu được chuyển đổi từ đất trồng lúa hay nuôi tôm kém hiệu quả. Ngoài bán bồn bồn với giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg, bà con còn có thể sản xuất và bán dưa chua bồn bồn với giá 40.000 đồng/kg. Bồn bồn vào vụ còn giúp cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm nghề nhổ bồn bồn thuê. Bình quân một lao động có thể nhổ được từ 20-30kg, thu nhập từ 140.000-280.000 đồng/ngày. Ðịa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác bồn bồn ở xã Mỹ Tú và đưa bồn bồn trở thành sản phẩm tiềm năng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
-
Huyện vùng cao sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia
Trong giai đoạn 2021 – 2025, Huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang có tổng nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên 1 tỷ 300 triệu đồng. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, huyện Bắc Mê huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất các giải pháp, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương. Từ năm 2022 đến tháng 6 năm nay, huyện đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, HTX tiến hành xây dựng phê duyệt được trên 10 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; thực hiện hơn 50 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thực hiện 210 công trình cơ sở hạ tầng. Các nội dung hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ lồng ghép đều mang lại hiệu quả và những chuyển biến rõ rệt.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, để triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đã xây dựng 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Đây là những địa phương đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái thượng, giữa, hạ và các vùng đất khác nhau như phèn, mặn phèn, phù sa ngọt… của ĐBSCL. Đến nay, các mô hình đều cho kết quả tích cực khi giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho bà con. Đặc biệt, mô hình đã thu hút nhiều nông dân, HTX chủ động tham gia, bước đầu hình thành các mối liên kết sản xuất và có sự đồng hành tích cực của chính quyền các địa phương. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá:
Băng
Kim Anh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Những thành quả đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Những thành quả đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Nỗ lực khôi phục đời sống, sản xuất sau bão; Bảo đảm an toàn đê điều khi lũ rút.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm; Hơn 2 ngày khống chế cháy rừng ở Sin Suối Hồ; Hồ chứa 'no nước' khi bước vào mùa khô.
Trước khi đợt rét đậm, rét hại quay trở lại, miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi gió Đông Nam mang nhiều hơi ẩm, gây nên hiện tượng sương mù vào sáng sớm.