| Hotline: 0983.970.780

1 triệu ha lúa mùa có nguy cơ ảnh hưởng do bão số 3

Thứ Năm 05/09/2024 , 16:16 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sáng 6/9, Bộ NN-PTNT sẽ 'xuất quân' đi các địa phương để theo dõi tình hình bão số 3 và đưa ra phương án ứng phó cụ thể.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan điều hành cuộc họp về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 8, 8 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2024. Ảnh: Đức Bình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan điều hành cuộc họp về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 8, 8 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2024. Ảnh: Đức Bình.

Sáng 5/9, Bộ NN-PTNT tổ chức họp kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 8, 8 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2024.

Đề án 1 triệu ha lúa bước đầu có tín hiệu tích cực

Trong 8 tháng đầu năm, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa đảm bảo thời vụ. Công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch bệnh động vật được triển khai hiệu quả và kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án); tổ chức Hội nghị về IUU do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; đẩy mạnh thực hiện Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản Việt Nam tại các địa phương…

Thông tin tại cuộc họp sáng 5/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Đề án bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Chi phí sản xuất giảm từ 20-30%, năng suất lúa tăng thêm 300-500kg/ha, lợi nhuận nông dân tăng 40-50%, đồng thời hệ số phát thải bình quân giảm 5 tấn CO2/ha.

Đặc biệt, thay vì chỉ vận động người dân tham gia như trước đây, hiện nay người dân đã chủ động đăng ký tham gia vào mô hình, thể hiện niềm tin vào Đề án. Đây là minh chứng cho sự thành công trong việc thuyết phục nông dân tin tưởng vào các phương thức sản xuất bền vững và có lợi ích kinh tế cao hơn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết đề án 1 triệu ha lúa bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Chi phí sản xuất giảm từ 20-30%, năng suất lúa tăng thêm 300-500kg/ha. Ảnh: Thanh Sơn. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết đề án 1 triệu ha lúa bước đầu mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Chi phí sản xuất giảm từ 20-30%, năng suất lúa tăng thêm 300-500kg/ha. Ảnh: Thanh Sơn. 

Ngoài ra, 160.000ha vùng nguyên liệu cho cà phê, trái cây, lúa gạo, rừng đang phát huy mạnh mẽ. Các tập đoàn, doanh nghiệp muốn kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu, gắn với mô hình nguyên liệu với HTX. Đây là cơ hội tập trung đầu tư, mở rộng, nâng giá trị vùng nguyên liệu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các cơ quan liên quan như Cục Trồng trọt và Lâm nghiệp cần quan tâm đến việc này.

Cùng kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, lĩnh vực lâm nghiệp đã có nhiều chỉ số tích cực, với các chỉ tiêu đạt và vượt. Ngành lâm nghiệp thực hiện 2 vai là quản lý nhà nước - tham mưu xây dựng cơ chế chính sách và trực tiếp quản lý 300.000ha rừng của 19 chủ rừng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Kiểm lâm hỗ trợ cho 19 chủ rừng thuộc Bộ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, đã được ban hành nhưng địa phương còn lúng túng, dè chừng trong triển khai. Đề nghị Cục nắm bắt tình hình và yêu cầu của các địa phương, cung cấp thông tin sớm để triển khai.

Ngành lâm nghiệp đề nghị sau khi phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần bàn giao tài liệu, bản đồ cho địa phương theo kế hoạch.

Trong thời gian qua, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngành lâm nghiệp đã bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng của 6 tỉnh Bắc Trung bộ với đơn giá 5 USD/tấn. Thứ trưởng đề nghị xây dựng bộ hồ sơ báo cáo Bộ trưởng để trình Chính phủ về việc bán tiếp 1 triệu tín chỉ carbon đo đếm thêm được tại khu vực này cho Ngân hàng Thế giới.

1 triệu ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng do bão

Trước tình hình cơn bão số 3 có cường độ dự báo cấp cuồng phong, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất trong suốt 20 năm qua đổ bộ vịnh Bắc bộ. Dự báo khi vào đến bờ, bão giảm cấp 12 với rủi ro thiên tai cấp 4. Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tham mưu.

Sáng 6/9, Bộ NN-PTNT sẽ có các đoàn đi đến các địa phương để theo dõi và chỉ đạo tình hình khi cơn bão dự kiến sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Trên tinh thần các biện pháp hành chính đều quyết liệt, tuyên tuyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa và bảo vệ tài sản là quan trọng. Bên cạnh đó, cần tính toán rút nước và vận hành các hồ chứa.

Dự báo đường đi của bão số 3 khi tiến vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Dự báo đường đi của bão số 3 khi tiến vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nếu cơn bão diễn ra đúng theo dự báo, khu vực Đồng bằng Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, có khoảng 1 triệu ha lúa ở khu vực đang trong giai đoạn đứng đòng và trỗ, dễ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu ảnh hưởng mưa bão lớn. Khu vực Bắc Trung bộ cũng có khoảng 15.000ha lúa đang vào giai đoạn thu hoạch, làm tăng nguy cơ tổn thất mùa màng. Ngoài ra, các loại rau màu, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái khác cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu mưa bão kéo dài.

Trước tình hình bão lớn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, các ngành nghề khác có biện pháp linh động, nhưng riêng ngành trồng trọt “phải tại chỗ”. Cục Trồng trọt đã có văn bản chi tiết chỉ đạo các địa phương xử lý lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả trước và sau khi bão đổ bộ.

Thứ trưởng cho rằng, nếu không bảo vệ tốt khoảng 1 triệu ha lúa vụ mùa (dự kiến cho sản lượng 6 triệu tấn), việc hoàn thành mục tiêu sản xuất 43 triệu tấn lúa cả nước năm 2024 sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, khoảng 63.000ha rau màu và cây ăn quả khác cũng cần theo dõi, tính toán.

Rau màu và lúa là hai đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng. Như vậy, cần bám sát tình hình cụ thể, việc triển khai các đoàn kiểm tra đến địa phương giúp công tác chỉ đạo linh hoạt và sâu sát, tăng khả năng ứng phó ở địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Đối với việc tiêu nước do ngập úng trong và sau bão, Thứ trưởng cho biết, cần căn cứ vào thời gian bị ngập. Khi vừa sạ xong, nước ngập duy trì khoảng 3 - 4 ngày, cần phải tiêu nước toàn bộ. Song với 1 triệu ha lúa hiện nay, phải có phương án tiêu nước triệt để, sau đó vẫn cần tính toán ngập úng do hoàn lưu sau bão và xả lũ của các hồ thủy điện. Thứ trưởng chỉ đạo đơn vị liên quan bám sát tình hình, đặc biệt là 5 tỉnh Đồng bằng sông Hồng là: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình.

Đối với vấn đề sản xuất 8 tháng qua, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết lĩnh vực sản xuất trồng trọt phát triển theo kế hoạch, sản lượng tốt.

Vừa qua, ngành nông nghiệp đã ký 2 Nghị định liên quan đến xuất khẩu sản phẩm trồng trọt gồm dừa tươi và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, giúp bổ sung vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, người dân mong chờ xúc tiến xuất khẩu hai sản phẩm này. Thứ trưởng đề nghị cục BVTV có kế hoạch triển khai cụ thể để người dân, doanh nghiệp nắm được và xuất khẩu sản phẩm thành công.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc gấp cần làm là chuẩn bị cho việc ứng phó kịp thời với cơn bão số 3. Sáng 6/9, Bộ NN-PTNT sẽ “xuất quân” đi các địa phương để theo dõi tình hình và đưa ra phương án ứng phó cụ thể. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra và xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân trước rủi ro do bão, lấy kinh nghiệm từ đợt mưa kéo dài gần đây, huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ cũng tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, với các nghị định, thông tư mới, Bộ trưởng yêu cầu các cục, vụ lưu ý xây dựng kịch bản truyền thông sớm.

Về vấn đề IUU, Bộ trưởng đề nghị lắp đặt các màn hình lớn theo dõi tại các cảng cá để nâng cao ý thức của ngư dân mỗi khi xuất và cập bến. Vấn đề EUDR, cần lưu ý đến việc đàm phán với tổ kỹ thuật EU của 3 ngành hàng cà phê, cao su, gỗ và lâm sản để triển khai áp dụng từ đầu năm 2025 đối với mặt hàng xuất khẩu sang EU.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, còn dự thảo Nghị định về nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt hỗ trợ để xây dựng mã số vùng trồng cho các cây dược liệu đặc sản như sâm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất phục vụ xuất khẩu và phát triển bền vững dưới tán rừng.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất