Quyết tâm trồng rừng, để rừng vươn ra thế giới

Xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn là địa phương điển hình của Tuyên Quang về phát triển kinh tế rừng. Đây cũng là xã đầu tiên của tỉnh có diện tích rừng FSC.

Đào Thanh  | 09:20 01/07/2024

Quyết tâm trồng rừng, để rừng vươn ra thế giới

Tự động

Quyết tâm trồng rừng, để rừng vươn ra thế giới

MC 1: xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển lâm nghiệp.

Thưa quý vị và bà con! Xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn là địa phương điển hình của tỉnh Tuyên Quang về phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Đây cũng là xã đầu tiên của tỉnh có diện tích rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Nhờ phát triển kinh tế rừng, những khó khăn, đói nghèo dần được đẩy lùi, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp Radio.

MC 2:

Đến xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, đâu đâu chúng tôi cũng chỉ thấy rừng. Rừng ngập tràn đồi thấp, núi cao, sóng rừng lớp lớp xanh như sóng biển. Tiến Bộ cũng là một trong những địa phương có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lớn nhất tỉnh Tuyên Quang, nhờ đó sản phẩm từ rừng đã được chu du khắp thế giới.

Ông Vũ Văn Hòe, thôn Đèo Tượng, là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với rừng nhất nhì ở Tiến Bộ. Ông Hòe bảo rằng, trước những năm 2000, núi đồi nơi đây chỉ thấy một màu đen thẫm vì rừng bị người ta đốt ngày đốt đêm âm ỷ cháy. Người dân đốt rừng để trồng sắn. Nhiều nhà trồng sắn khi thấy những mảnh nương đất đã bạc màu, năng suất thấp lại chuyển sang đốt ngọn đồi khác. Bởi vậy ngày ấy, rừng bị người dân cạo trọc loang lổ.

Nhìn những ngọn núi đồi cứ trọc mãi, đất đai ngày một cằn cỗi, chính quyền địa phương xót xa. UBND huyện chỉ đạo xuống xã, xã lại hỏi dân: Ai có thể trồng rừng? Dòng dã các cuộc họp đưa ra cùng 1 câu hỏi và luôn nhận được câu trả lời là sự im lặng. Người ta im lặng bởi ngày ấy 1ha rừng hiệu quả kinh tế bằng 1/2 giá trị 1ha sắn, đã thế việc bán rừng cũng rất khó khăn.

Trích băng ông Vũ Văn Hòe 1

Một ngày cuối năm 2006, trong cuộc họp tại thôn Đèo Tượng, câu hỏi: Ai có thể trồng rừng? được ông Vũ Văn Hòe, khi ấy là Bí thư chi bộ thôn trả lời: Tôi có thể trồng rừng! Ông tâm sự rằng: Việc trồng rừng nếu dễ như ăn cỗ thì người ta thi nhau đi trước rồi, giờ khó nếu mình không lội nước đi trước thì ai sẽ đi? Là người đảng viên, lại là Bí thư Chi bộ thôn, ông càng phải nêu gương.

Sau câu trả lời ấy là những tháng ngày ông Hòe cùng vợ vất vả ròng rã khai sơn phá thạch, để gần 20ha đất trống, đồi trọc trở thành rừng. Đến khoảng năm 2017, những cánh rừng ấy cho thu hoạch, ông Hòe thu về tiền tỷ. Sau đó ông tiếp tục trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Noi gương ông Hòe, giờ thì cả xã Tiến Bộ người dân đã tích cực trồng rừng, núi đồi đã không còn đất trống, đời sống của người dân cũng khấm khá từ rừng.

Trích băng ông Vũ Văn Hòe 2

  Hiện nay toàn xã Tiến Bộ có 3.600ha rừng, việc trồng rừng đã giúp Tiến Bộ có khoảng 20 hộ thu về tiền tỷ. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm.

  Ông Vũ Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết, nhiều năm có kinh nghiệm trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, người dân nơi đây hiểu được lợi ích của rừng mang lại. Nhiều hộ yên tâm gắn bó với rừng và phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC để gia tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Trích băng ông Vũ Quang Đảm

MC 1:

Thưa quý vị và bà con! Với quy cách làm rừng ngày càng chuyên nghiệp, bài bản nên trong khoảng mười năm trở lại đây núi đồi ở xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang rừng ngày một trù phú, xanh tươi. Rừng giúp người dân nơi gỡ được mối lo túng thiếu cơm, áo, gạo tiền cứ thắt chặt lấy làng bao năm qua. Rừng giúp các hộ dân nhân lên trăm ngàn niềm vui. Rừng là điểm tựa cho lớp trẻ nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, khát vọng tri thức, được vươn ra khỏi làng… giống như cây rừng đã vươn ra thế giới.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực lâm nghiệp.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, tại Khu lưu niệm công trình khai thác Dầu khí đầu tiên tại Việt Nam, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam đã tổ chức tọa đàm “Triển khai chương trình trồng 3 triệu cây xanh, giai đoạn 2022-2025”. Tại chương trình, bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp Tập đoàn cho biết, năm 2022, PetroVietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 - 2025. Trong 2 năm qua các đơn vị đã trồng mới và chăm sóc hơn 615.100 cây xanh.

MC 2: tin 2

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có trên 82.000 ha quế và được coi là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn của cả nước. Với vùng nguyên liệu dồi dào, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, nhu cầu về tinh dầu quế cũng tăng lên đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành này với nguyên liệu là cành nhỏ, lá quế tận thu, nông dân trồng quế có thể tận dụng mọi sản phẩm từ cây quế.  Trên địa bàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất là 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Thời kỳ hoàng kim, giá một tấn tinh dầu quế lên đến 600 - 700 triệu đồng, các cơ sở chế biến ăn nên làm ra thu được lợi nhuận đáng kể.  Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm sâu, thị trường tiêu thụ giảm sút.

MC 1: tin 3

Trong 6 tháng đầu năm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền gần 600 lượt với gần 31.700 người tham gia và vận động trên 25.000 người ký cam kết bảo vệ rừng.  Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, bằng cách thức truyền tải ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, lực lượng kiểm lâm đã phổ biến các chính sách về lâm nghiệp, tập trung giao khoán bảo vệ rừng, đăng ký trồng rừng, trồng cây đa mục đích, các quy định, chỉ đạo về chống chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; giải thích cho bà con hiểu thế nào là các hành vi xâm hại, phát phá rừng trái pháp luật, phân biệt 3 loại rừng, diện tích nào là được phép trồng rừng… Những buổi tuyên truyền các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các thôn, bản do cán bộ kiểm lâm truyền tải đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Quyết tâm trồng rừng, để rừng vươn ra thế giới

Xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn là địa phương điển hình của Tuyên Quang về phát triển kinh tế rừng. Đây cũng là xã đầu tiên của tỉnh có diện tích rừng FSC.

Đào Thanh

Tin liên quan

Các chương trình

Đê bao: 'Thành trì' vững chắc bảo vệ vùng sản xuất ven sông
Phóng sự

Toàn tỉnh Tây Ninh đã có 24 tuyến đê bao với tổng chiều dài 82,844 km, bảo vệ khoảng 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Đê bao: 'Thành trì' vững chắc bảo vệ vùng sản xuất ven sông
Đốt thực bì sau khai thác rừng: Lợi bất cập hại
Phóng sự

Lựa chọn phương thức trồng rừng không đốt thực bì để giảm thiểu quá trình rửa trôi có ý nghĩa hết sức quan trọng với năng suất cây trồng.

Đốt thực bì sau khai thác rừng: Lợi bất cập hại