Sức bật từ những công trình tránh lũ
Là địa phương có địa hình bị chia cắt, nhiều sông suối nên mỗi mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên bị ngập. Vì vậy, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp chủ động ứng phó với mưa bão và lũ lụt, tập trung vào xây dựng các công trình tránh lũ.
Tiến Thành | 15:31 24/10/2023
Sức bật từ những công trình tránh lũ
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.
MC1: Thưa quý vị và bà con, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có địa hình đồi núi, đất đai chia cắt, nhiều sông suối nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Chỉ vài năm về trước, nhiều đoạn đường trên tỉnh lộ 330 và chợ Ba Chẽ thường xuyên bị ngập lụt khi mùa mưa bão đến, đã trở thành mối lo thường trực của huyện và người dân.
Trăn trở trước thực trạng đó, thời gian qua,huyện Ba Chẽ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với mưa bão và lũ lụt. Trong đó, tập trung vào xây dựng các công trình tránh lũ nhằm giúp người dân trên địa bàn huyện yên tâm lao động sản xuất mỗi khi mùa mưa lũ đến.
MC2: Tỉnh lộ 330 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối trung tâm huyện Ba Chẽ với 5 xã vùng cao là Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đạp Thanh, Minh Cầm, Lương Mông và huyện Sơn Động của tỉnh Bắc Giang.
Vào những ngày mưa to, các ngầm tràn dọc tuyến thường xuyên bị ngập lụt, gây chia cắt giao thông. Đường 330 xuống cấp không những ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế ở địa phương.
Bởi đa phần người dân sinh sống tại các xã dọc theo con đường đều trồng rừng. Khi đường xuống cấp, chi phí vận chuyển tăng cao, giá bán các sản phẩm rừng trồng của bà con bị ép xuống thấp.
Đường xấu cũng ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện chương trình 135 và chương trình xây dựng nông thôn mới của các xã vì những năm trước, các hộ dân đều trong diện đặc biệt khó khăn.
Điển hình là đoạn đường dốc Bồ Đề cách ủy ban xã Thanh Sơn khoảng 1km. Đây là đoạn đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông vì có nhiều đoạn nhỏ hẹp, dốc cao.
Vào những ngày mưa, các phương tiện giao thông đã mang theo đất lên mặt đường khiến cho đường trơn trượt, người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn khi đi qua đoạn đường này. Chị Khúc Thị Yến giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú xã Thanh Sơn cho biết:
Băng: Tôi là giáo viên đã đi dạy nhiều trường ở Thanh Lâm, Lương Mông, Thanh Sơn, hiện nay đi qua con đường này tôi thấy thuận tiện hơn trước nhiều. Trước đây, tôi đi qua khu vực cầu chưa làm thì ngập lụt, đi lại khó khăn. Phải chèo bè, chèo mảng hoặc chờ có đàn ông đi qua để họ dắt xe sang cho. Hay là bị sạt lở bùn lầy xuống đường đi rất khó khăn.
Một trong những điểm đen có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông là đoạn dốc Thác Lào. Theo phản ánh của người dân ở khu vực này, khi thời tiết nắng thì đường rất bụi, còn khi trời mưa thì trơn trượt.
Nhớ lại đợt mưa lũ năm 2008, nước sông Ba Chẽ dâng cao đã gây ra 19 điểm ngập lụt cục bộ dọc theo tỉnh lộ 330, cô lập hoàn toàn 5 xã vùng cao của huyện là Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đạp Thanh, Minh Cầm, Lương Mông với thị trấn Ba Chẽ trong nhiều ngày. Đặc biệt có nhiều điểm ngập sâu trên 2 mét. Thuyền mủng, bè mảng tự chế là phương tiện duy nhất di chuyển được vào thời điểm ngập nước.
Năm 2020, từ nguồn ngân sách của tỉnh và địa phương, huyện Ba Chẽ đã thực hiện dự án nâng cấp 1 số ngầm tràn trên tỉnh lộ 330, tổng chiều dài các đoạn nâng cấp là 2,1 km.
Ông Phạm Thế Hiền Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ cho biết, để khắc phục những bất cập này, nhiều khu vực như Khe Tâm xã Thanh Sơn, Khe Bùn xã Nam Sơn được xây dựng cầu đảm bảo tránh ngập cao trên mực nước trận lụt lịch sử năm 2008.
Xã Thanh Sơn nằm trên tỉnh lộ 330, đoạn đường này trước kia thường xuyên xảy ra ngập lụt. Vừa qua được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp một số tuyến ngập lụt đã làm thay đổi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, giao thông đi lại của nhân dân trên địa bàn xã Thanh Sơn nói riêng và các xã lân cận nói chung. Được sự quan tâm như vậy, trong những năm tới đây, chúng tôi kỳ vọng điều kiện kinh tế xã hội của xã Thanh Sơn cũng như huyện Ba Chẽ ngày càng phát triển cao hơn nữa.
Đường được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Ba Chẽ đã có nhiều khởi sắc. Đời sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Người dân đã biết tận dụng phát huy thế mạnh của địa phương là rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nịnh Văn Bình, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ chia sẻ:
Sau khi được Đảng và nhà nước quan tâm, nâng cấp tuyến đường này lên thì thứ nhất đi lại đã thuận tiện và không còn bị ngập lụt nữa. Sau đó là vận chuyển hàng hóa, nông sản phẩm ở trên địa bàn lưu thông trên tuyến đường này được dễ dàng, giá cước hạ xuống và nâng cao giá trị của nông sản của bà con.
Theo ông Bùi Văn Lưu, Phó Bí thư huyện ủy Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ cũng đã hoàn thành việc cải tạo và đưa vào sử dụng tuyến đường tránh lũ ở thị trấn Ba Chẽ với tổng chiều dài 2,2km. Tuyến đường tránh lũ này đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn và tránh lũ của người dân trên địa bàn huyện.
Băng 4: Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh thì huyện Ba Chẽ đã triển khai các công trình. Trong đó, hiệu quả nhất là các công trình phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Huyện Ba Chẽ đã xây dựng đề án phòng chống ngập lụt, trên cơ sở đó, tỉnh đã quan tâm, nâng cấp tuyến đường 330 góp phần đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ và đóng góp một phần quan trọng trong việc giao thương, để nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn.
MC1: Vâng thưa quý vị và bà con, hiệu quả từ các công trình tránh lũ trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã rõ. Các công trình này không những giúp người dân trên địa bàn huyện ổn định cuộc sống và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mà còn mang lại diện mạo mới và thúc đẩy phát triển kinh tế của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Từng bước đưa Ba Chẽ lên vị thế mới, không còn là huyện nghèo như trước đây.
MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cả nước.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn vừa nhận định từ 21/10-20/11/2023, nước ta có khả năng đón từ 01-02 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền. Cụ thể từ 21/10-20/11/2023 nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Nam Bộ ở ngưỡng xấp xỉ trung bình nhiều năm. Về lượng mưa, trong thời kỳ dự báo, tổng lượng mưa trên khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-30%. Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ở mức cao hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm, khu vực từ Hà Tĩnh - Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ở ngưỡng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Riêng một số nơi ở Trung Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Không khí lạnh trong thời kỳ này tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng dần về tần suất và cường độ.
MC 2: tin 2
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi các Công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh yêu cầu hạ mực nước lòng hồ. Cụ thể theo dự báo, từ ngày 23 đến ngày 25/10, các địa phương trong tỉnh này có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Do đó, các đơn vị quản lý cần chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước cao nhất trước lũ và chuyển chế độ vận hành theo quy định. Tổ chức vận hành tăng lưu lượng xả nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 về cao trình 254m trước 11 giờ ngày 24/10. Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
MC 1: tin 3
Mỗi năm cứ đến mùa mưa lũ, hàng trăm hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế sống dọc bên bờ sông, ven biển lại thấp thỏm, nơm nớp nỗi lo sạt lở cuốn mất nhà cửa, đất đai vườn tược. Dù người dân đã thực hiện nhiều giải pháp gia cố bờ sông, bờ biển bằng kè tạm nhưng vẫn không thể nào ngăn chặn được đất đai, vườn tược bị sạt lở cuốn trôi. Những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, mưa lớn kéo dài cộng với lượng nước khổng lồ từ các hồ thủy điện, hồ chứa xả về khiến mực nước các con dâng cao, chảy cuồn cuộn. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đợt mưa lũ trong tháng 10 này không những làm 1.500 nhà dân trên toàn tỉnh bị ngập nước, còn khiến tuyến bờ sông Hương, sông Bạch Yến, Ô Lâu… đi qua các địa phương của tỉnh bị sạt lở với hơn 40 điểm, tổng chiều dài 21km.
MC 1:
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Sức bật từ những công trình tránh lũ
Là địa phương có địa hình bị chia cắt, nhiều sông suối nên mỗi mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên bị ngập. Vì vậy, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp chủ động ứng phó với mưa bão và lũ lụt, tập trung vào xây dựng các công trình tránh lũ.
Tiến Thành
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.