Tách thửa theo Luật Đất đai mới cần đảm bảo những yêu cầu gì?
Nông nghiệp Radio gửi đến quý vị những yêu cầu khi thực hiện tách thửa. Đây là những điểm mới được bổ sung trong Luật Đất đai 2024.
Huy Bình | 15:31 09/04/2024
Tách thửa theo Luật Đất đai mới cần đảm bảo những yêu cầu gì?
Trailer
Thưa quý vị
Chuyên mục Pháp luật với nhà nông hôm nay, Nông nghiệp Radio xin gửi đến quý vị những yêu cầu khi thực hiện tách thửa. Đây là một trong những điểm mới được bổ sung trong Luật Đất đai 2024.
Vâng thưa quý vị!
Luật Đất đai 2013 không quy định cụ thể về điều kiện tách thửa đất mà điều này được hướng dẫn bằng Nghị định số 43/2014. Theo đó, tại Điều 75, được bổ sung bởi khoản 23, Điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
Trước những nhu cầu của nền kinh tế thị trường, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 đã bổ sung quy định mới về điều kiện tách thửa đất. Theo đó, căn cứ Điều 220, Luật Đất đai 2024, việc tách thửa đất phải đáp ứng 07 điều kiện dưới đây:
Thứ nhất, Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Thứ 2, Thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;
Thứ 3, Đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất;
Thứ 4, Việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý.
Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
Thứ 5, Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;
Thứ 6, Trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng.
Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;
Thứ 7, Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.
Mặt khác, Trong trường hợp, thửa đất bé hơn diện tích tối thiểu, Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đối với trường hợp tự chia, tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp hợp thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 220 còn phải bảo đảm, thỏa mãn các điều kiện sau:
Một là, Việc hợp các thửa đất phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất trừ trường hợp hợp toàn bộ hoặc một phần thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với nhau và trường hợp hợp thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất với thửa đất ở;
Hai là, Trường hợp hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức trả tiền thuê đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất, một hình thức trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 220, quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chuyên mục Pháp luật với nhà nông hôm nay. Mọi thông tin hỏi đáp về pháp luật, quý vị có thể bình luận dưới của trang này. Nong nghiep radio xin cảm ơn sự để tâm theo dõi của quý vị và bà con!
Tách thửa theo Luật Đất đai mới cần đảm bảo những yêu cầu gì?
Nông nghiệp Radio gửi đến quý vị những yêu cầu khi thực hiện tách thửa. Đây là những điểm mới được bổ sung trong Luật Đất đai 2024.
Huy Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Người dân khi trồng rừng gỗ lớn được hưởng một số hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật để yên tâm sản xuất.
Đã có nhiều nỗ lực để đo đếm lượng carbon lưu giữ trong các cánh rừng tại Việt Nam, trong đó có dự án thí điểm tại rừng ngập mặn Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.