Tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, quan trọng nhất phải tận dụng tốt nguồn tài nguyên tái tạo khổng lồ từ nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Minh Sáng | 10:35 01/05/2023
Tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp
MC1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã theo dõi Chương trình Nông nghiệp hữu cơ của kênh Nông nghiệp Radio.
Trước tiên mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vừa diễn ra trên cả nước.
MC 2
Thưa quý vị và bà con, mở đầu chương trình hôm nay, Nông nghiệp Radio mời quý vị và bà con cùng đến với tỉnh Thái Nguyên để tìm hiểu về nghề trồng và chế biến chè Tân Cương đã bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX. Thưa quý vị, vùng Tân Cương thuộc TP. Thái Nguyên vốn có những điều kiện tự nhiên đặc trưng thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè nhưng qua quá trình canh tác lâu dài, đất đai đã có phần suy thoái và nhiều vùng trồng bị giảm chất lượng, sản lượng. Do đó, nhiều hợp tác xã trồng và chế biến chè tại đây đã chuyển hình thức canh tác sang hướng hữu cơ từ nhiều năm nay, thành quả thu được lớn hơn mong đợi. Các nhà vườn khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn của năm đầu tiên thì đến năm thứ 2 đã thu lợi nhuận gấp đôi. Đặc biệt, hiện nay bà con còn được sống giữa vùng chè Tân Cương trong lành, không còn mùi khó chịu của thuốc trừ sâu hóa học, nguồn nước giờ cũng an toàn cho sinh hoạt, sản xuất.
MC 1
Không chỉ có chè Tân Cương trứ danh hiện nay đã được ứng dụng phương thức sản xuất hữu cơ mà hướng canh tác này còn được lan rộng áp dụng tới cả những vườn trồng hoa hồng ở tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, Quỳnh Anh được biết đến mô hình trồng hoa hồng và các loài thảo dược dùng làm nguyên liệu chế biến trà, tinh dầu thực hiện theo quy trình nông nghiệp an toàn, hướng hữu cơ của gia đình chị Triệu Thị Loan ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Mô hình được chị Loan triển khai từ năm 2019, sau 4 năm kiên trì với các quy trình ngặt nghèo của nông nghiệp hữu cơ, vườn hoa và cây thảo dược của gia đình chị đã có được sự cân bằng hệ sinh thái, cây khoẻ mạnh, phát triển ổn định. Hiện nay, chủ vườn cho ra đời các sản phẩm như trà hoa hồng hữu cơ, tinh dầu hoa hồng, bột hoa hồng, trà cỏ ngọt, tinh dầu sả chanh, hương thảo… đều được bán với giá cao.
MC 2
Còn tại vùng Tây Nguyên nước ta,
tháng 3 tháng 4 này, dưới cái nắng như thiêu như đốt, mọi cây cối đều trở nên héo úa, mất sức sống. Thế nhưng, vườn cây trồng của nhà ông Nguyễn Tấn Lục, thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai lại đàng hoàng vươn lá, đón nắng gió. Ông Lục làm nông ở huyện Chư Sê, nơi vốn được xem là “thủ phủ” hồ tiêu một thời. Thế rồi, cũng chính cây hồ tiêu đã làm cả “thủ phủ” điêu đứng khi hoàng loạt vườn tiêu chết dần, chết mòn. Cũng may, nhờ bạn bè tư vấn, giới thiệu ông đã kịp thời chuyển sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ sớm, vì vậy cây hồ tiêu và các cây trồng khác trong vườn vẫn phát triển rất bền vững. Với 2ha đất của gia đình, ông trồng xen 3 loại cây chủ lực là tiêu, cà phê và sầu riêng, nhờ đó có thể thu hoạch quanh năm, kinh tế của gia đình cũng khá giả hơn.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Nông nghiệp hữu cơ với việc không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất được coi là giải pháp tốt nhất để đảm bảo cho sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp với sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Và nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của Việt Nam cũng như nền nông nghiệp toàn cầu để phát triển bền vững, kiến tạo những giá trị cho tương lai. Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ lan tỏa ngày càng rộng, được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt, các sản phẩm hữu cơ có thị trường rộng lớn, giá trị cao, đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.
MC 2:
Thưa quý vị, trong hành trình tiến tới hình thành nền nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, thực hiện những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường, TP. HCM là một trong những địa phương đón đầu và đi đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhiều năm qua, Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào tiến trình sản xuất tuần hoàn để tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp và đạt nhiều thành quả đáng tự hào.
Ông Đinh Minh Hiệp- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
Băng 3 : Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tiến trình gắn kết giữa cái hoạt động của ngành công nghiệp, ngành dịch vụ. Hiện nay phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp và cũng như là phế phụ phẩm của ngành chế biến khá là nhiều và cái việc đó nó quay trở lại trong quá trình mà chúng ta xử lý đó để mà tận dụng thành cái nguồn gọi là làm thức ăn gia súc hoặc là cái nguồn để làm phân bón hữu cơ, đang là một cái hướng rất là tốt để chúng ta hướng tới cái việc là phát triển một cái nền gọi là nông nghiệp hữu cơ hoặc rộng hơn đó chính là một cái nền nông nghiệp sinh thái.
MC 2:
Có thể nói, để tiến tới nền nông nghiệp tuần hoàn, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm của quá trình sản xuất. Được biết, tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam hiện nay ước tính gần 160 triệu tấn. Song, thực tế cho thấy dù là nguồn tài nguyên tái tạo rất có giá trị nhưng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn đang bị lãng phí.
Theo Bà Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vũ Hưng Trường thì hiện nay nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đi thu gom các phế phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để xử lý làm phân bón hữu cơ trong trồng trọt và tận dụng làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, cũng như ủ làm thức ăn cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý còn nhiều khó khăn về phương thức, công nghệ.
Băng 2: Là một hợp tác xã thu gom rác phế phụ phẩm nông nghiệp, nhưng để mà tạo điều kiện để thu gom phế, phụ phẩm, rác hữu cơ thì sẽ làm cho giá thành tạo ra phân bón hữu cơ, giá thành nó sẽ hạ xuống và khi hạ xuống thì người tiêu dùng có thu nhập thấp cũng có thể là một khách hàng rất thân thiện với cái sản phẩm hữu cơ và cũng rất mong được tạo điều kiện để hợp tác xã chúng tôi vừa thu gom phế, phụ phẩm về ngành nông nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm cho các thành viên hợp tác xã, vừa bảo vệ được môi trường và nguồn tài nguyên của Thành phố Hồ Chí Minh phát triển. Cái giá trị sản phẩm của nông nghiệp nó được nâng lên rất cao.
MC 2:
Nhận thấy những khó khăn của người dân, HTX và doanh nghiệp trong việc thu gom, xử lý, tận dụng nguồn tài nguyên phế phụ phẩm trong sản xuất, TP. HCM đã tìm kiếm, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người sản xuất. Trong đó, nổi bật có việc kết hợp với Hiệp hội kỹ thuật nông nghiệp Đông Nam Á phát triển Hệ thống đánh giá nông nghiệp hữu cơ. Bà Lê Thị Thúy Ái- Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Thành phố Hồ Chia Minh đánh giá về lợi ích và sự lan tỏa của mô hình này.
Băng 1: Đây là một điểm rất sáng trong hỗ trợ có sự chuyển dịch từ không sử dụng hóa chất đến chuyển dần sang nông nghiệp hữu cơ, đó là thuận lợi để đưa dần sản phẩm có giá trị cao hơn, dần dần sau đi khi tiệm cận để được chứng nhận hữu cơ hoàn chỉnh, đồng thời thông qua trao đổi của chuyên gia, đây là dịp cho người nông dân thành phố cũng như các tỉnh trong khu vực tham khảo nhằm có thể kết nối vào cái chuỗi cung ứng của khu vực thông qua các cái kỹ thuật thực hành mà chuyên gia họ sẽ hướng dẫn.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là điều kiện tất yếu để Việt Nam có thể hòa nhập với nền kinh tế thế giới, đi theo xu thế chung của toàn cầu, khẳng định là đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm. Song, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, quan trọng nhất là chúng ta phải tận dụng tốt nguồn tài nguyên tái tạo khổng lồ là nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp – tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, thân thiện với môi trường. Dù vậy, hành trình này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, tìm ra những giải pháp, liên kết phát triển và đưa vào ứng dụng những mô hình công nghệ như TP.HCM đã thực hiện sẽ hỗ trợ người sản xuất trong quá trình tái sử dụng chất thải nông nghiệp cũng như đánh giá sản phẩm hữu cơ.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Nông nghiệp hữu cơ của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin kính chào và hẹn gặp lại trong những chương trình lần sau.
Tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, quan trọng nhất phải tận dụng tốt nguồn tài nguyên tái tạo khổng lồ từ nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Minh Sáng
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.