Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em
Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em; Tập huấn 5 mô hình điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Sầu riêng Đắk Lắk rụng vì 'sốc nhiệt'.
Quỳnh Anh | 08:17 20/05/2024
Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đang theo dõi bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em
- Tập huấn 5 mô hình điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
- Nguồn nước ở Đông Nam Bộ có thể đáp ứng 100% cho vụ hè thu
- Sầu riêng Đắk Lắk rụng vì 'sốc nhiệt'
- Nhiều diện tích ngô không có hạt vì hạn nặng
- Một số xã phải công bố dịch tả lợn châu Phi lần 2
- Hà Nội dành hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp
- Xuất khẩu nông sản của Tiền Giang tăng khá ngay từ đầu năm
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chốngthiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ quốc gia PCTT năm 2024 với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”. Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hành động sớm là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai được Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em. Thông tin thêm về nội về nội dung này Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- Tập huấn 5 mô hình điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Từ này 17 đến ngày 23/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai chương trình tập huấn cho bà con nông dân, HTX, cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại 5 địa phương đang triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Chương trình tập huấn đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, chia thành 2 lớp với 80 người tham gia. Các nội dung tập huấn bao gồm: Quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp; Vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp; Giới thiệu tổng quan về giải pháp công nghệ và quy trình MRV và giải pháp ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác.
- Nguồn nước ở Đông Nam Bộ có thể đáp ứng 100% cho vụ hè thu
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, khu vực Đông Nam bộ đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Trong tuần qua, phổ biến có mưa vừa trên diện rộng, lượng mưa bổ sung nguồn nước kịp thời và cơ bản kết thúc tình trạng hạn hán kéo dài gần 5 tháng trên toàn vùng. Tổng diện tích sản xuất trong công trình thủy lợi vụ hè thu năm 2024 trên các lưu vực sông vùng Đông Nam bộ khoảng hơn 91.200ha. Nguồn nước hiện tại ở 48/48 hồ chứa trên lưu vực vùng Đông Nam bộ có khả năng đáp ứng đủ 100% cho sản xuất nông nghiệp vụ hè thu và cấp nước theo nhiệm vụ thiết kế.
- Sầu riêng Đắk Lắk rụng vì 'sốc nhiệt'
Thời gian qua, Đắk Lắk có nắng nóng kéo dài khiến cho nhiều vườn sầu riêng tại địa phương bị sốc nhiệt, rụng trái la liệt. Đắk Lắk có hơn 30.000ha sầu riêng, hiện nay đang bước vào thời điểm đậu quả. Tuy nhiên, nhiều vườn bị rụng từ 30-70% số quả. Theo người dân, nguyên nhân rụng quả là do thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến vườn cây bị sốc nhiệt, sản lượng vụ tới sẽ bị giảm. Để giảm bớt thiệt hại, nhà vườn cho nhân công cột dây chống đổ cho vườn sầu riêng. Khi quả sầu riêng lớn hơn một chút, sẽ tiếp tục cho buộc quả, giảm bớt tình trạng bị rụng do tác nhân bên ngoài. Hiện cơ quan chức năng chưa thống kê diện tích sầu riêng bị rụng, song qua khảo sát nhận thấy hầu hết các vườn cây sầu riêng bị rụng, với tỷ lệ khác nhau theo từng vườn cây.
- Nhiều diện tích ngô không có hạt vì hạn nặng
Nguồn nước cạn kiệt cùng với nắng nóng kéo dài trong thời gian qua đã khiến nhiều diện tích ngô trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An bị cháy lá, ngô đã cho trổ bông nhưng đều chung tình trạng không có hạt. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ, toàn huyện hiện có 1.500ha ngô, tập trung tại các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng, Kỳ Tân, Tân Long, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Bình… Hiện nay, chưa có số liệu chính xác diện tích ngô bị thiệt hại do huyện đang cập nhật báo cáo từ các địa phương. Tuy nhiên, nhận định chung, vụ ngô năm nay sẽ bị giảm năng suất mạnh do hạn nặng, trúng vào thời điểm ngô trổ cờ phun râu - đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của cây ngô.
-
Một số xã phải công bố dịch tả lợn châu Phi lần 2
Sau một thời gian tạm lắng, đến nay, dịch tả lợn châu Philại bùng phát, có chiều hướng lây lan rộng, nhanh chóng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dịch bệnh đang gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 16/5, đã xuất hiện ở gần 500 hộ dân thuộc tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh, làm tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy hơn 1.800 con với trọng lượng tiêu hủy hơn 76 tấn. Một số xã trên địa bàn tỉnh đã để dịch tái phát trở lại và phải công bố dịch lần 2. Hiện, Bắc Kạn có 5 xã công bố hết dịch và 40 xã dịch chưa qua 21 ngày.
- Hà Nội dành hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện một số nội dung quy định cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024 - 2025. Theo đó, Hà Nội sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cụ thể, trong năm 2024, TP. Hà Nội dự kiến hỗ trợ: 28 cơ sở với tổng kinh phí gần 3,7 tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến có 49 cơ sở sẽ nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 6,6 tỷ đồng. UBND TP. Hà Nội giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
- Xuất khẩu nông sản của Tiền Giang tăng khá ngay từ đầu năm
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong 4 tháng năm nay, toàn tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 1,86 tỷ USD, tương đương hơn 37% kế hoạch, tăng 17% so cùng kỳ; trong đó, việc xuất khẩu nông sản tăng khá ngay từ đầu năm. Tiền Giang đã xuất khoảng 11.000 tấn rau quả các loại, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị xuất gần 21 triệu USD, tăng gần 87%. Về gạo, toàn tỉnh xuất được gần 44.000 tấn, thu về trên 28 triệu USD. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong năm 2024, Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, tại Việt Nam các loại hình thiên tai đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia, sinh kế của các gia đình, tương lai cộng đồng, sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, chúng ta phải ưu tiên việc lập kế hoạch Phòng chống thiên tai ngay từ bây giờ; tích cực chuẩn bị, hành động sớm, xây dựng khả năng chống chịu cho từng thành phần trong xã hội, trong đó có trẻ em. Tại Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai năm 2024 do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – UNICEF tại Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh:
Băng
Trung Quân
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em
Tăng cường khả năng ứng phó thiên tai cho trẻ em; Tập huấn 5 mô hình điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Sầu riêng Đắk Lắk rụng vì 'sốc nhiệt'.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Sản phẩm từ trồng trọt chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp; Gia Lai liên tục xảy ra vi phạm về lâm nghiệp; Hậu Giang vào mùa thu hoạch cá trên ruộng.
Từ đêm 27/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến phía Tây Bắc bộ, Trung Trung bộ.