Tháng 4/2024, là thời điểm người dân ở thủ đô Manila, Philippines phải hứng chịu thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt. Theo báo cáo của Cơ quan Dự báo thời tiết Philippines, chỉ số nhiệt độ dự kiến đạt mức độ nguy hiểm từ 42 độ C, có nơi lên tới 47 độ C. Nắng nóng cực đoan khiến nhiều vùng khác thiếu nước, chịu hạn hán, mất mùa, thậm chí gây tử vong.
Philippines được xếp hạng là trong số các quốc gia ở châu Á dễ bị chịu tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu, ngoài ra có Myanmar, Bangladesh, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Các đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài buộc hàng triệu trẻ em ở Philippines và các quốc gia lân cận ở Châu Á phải nghỉ học. Các chuyên gia cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan gây tác động nghiêm trọng tới trẻ em, người cao tuổi, người có thu nhập thấp.
Người dân ở Gaza cũng đang phải gồng mình chống chọi với thời tiết cực đoan trong các trại tị nạn vốn đã thiếu hụt nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, nguồn nước ngọt, dịch vụ y tế từ khủng hoảng nhân đạo do xung đột ở dải Gaza.
Tình trạng tử vong do nắng nóng xảy ra chủ yếu ở các nhóm đối tượng là người dân có thu nhập thấp, không có khả năng chi trả cho các hệ thống làm mát. Trong suốt 20 năm qua, số người tử vong vì nắng nóng ở châu Á đã tăng lên hàng triệu người. Còn tại châu Âu, trong 10 năm trở lại đây, số người tử vong vì nắng nóng lên tới 25%.
Tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng trầm trọng do hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, hiện tượng El Nino đã khiến các nước ở khu vực Đông Nam Á phải vật lộn với nhiệt độ cao kỷ lục, trong đó có Philippines, Việt Nam, Thái Lan… Bên cạnh đó, tác động của con người lên thiên nhiên cũng khiến cho thời tiết ngày càng cực đoan.
Tình trạng nóng lên toàn cầu đang ở mức cảnh báo cao nhất không chỉ riêng khu vực Châu Á. Đại học Hoàng gia Luân Đôn khẩn thiết đưa ra lời kêu gọi phải thực hiện các cuộc cách mạng xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực tới trái đất, nếu không thảm họa khí hậu do con người gây ra sẽ ngày càng thảm khốc. Nếu các nước lớn cứ tiếp tục sử dụng nguồn nhiên liệu như khí đốt, dầu mỏ, than đá sẽ khiến cho nhiệt độ có thể tăng lên tới 2.5 độ C trong vài năm tới.