Tập trung cao độ bảo vệ mùa vụ sản xuất
Tập trung cao độ bảo vệ mùa vụ sản xuất; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; Thẻ vàng IUU ảnh hưởng tới vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; Tây Ninh có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không được phép hoạt động; Nắng nóng kéo dài đặt nhiều áp lực cho sản xuất.
Xuân Hào | 08:28 05/06/2023
Tập trung cao độ bảo vệ mùa vụ sản xuất
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Thưa quý vị và bà con, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, phát triển khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế là chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể. Do đó, khu vực kinh tế này phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới.
Quỳnh Anh
-
Thẻ vàng IUU ảnh hưởng tới vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam
Tại Cuộc họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định –IUU diễn ra trong tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ việc bị cảnh báo thẻ vàng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình ngư dân mà còn làm suy giảm vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Quan trọng hơn, toàn ngành thủy sản nước ta đứng trước thách thức nghiêm trọng là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nếu thời hạn áp dụng thẻ vàng kéo dài, thậm chí là thẻ đỏ nếu vẫn tiếp tục có vi phạm. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến ngày 15/6, Bộ NN&PTNT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, cần tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể trong 4 tháng tới.
Bảo Thắng
- Tây Ninh có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao
UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023”. Dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá Tây Ninh có điều kiện tự nhiên đặc thù thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp. Đây là những điều kiện để tỉnh này phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát huy được các thế mạnh sẵn có, địa phương phải chú trọng vào các nhóm giải pháp như: phát triển khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường và các dịch vụ hỗ trợ; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cải cách thủ tục hành chính.
Lê Bình
- Trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không được cho phép hoạt động
Cả nước vẫn có trên 24.600 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, trong đó có trên 70% cơ sở không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Đây là thông tin được bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y đưa ra tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trong tuần qua.
Phạm Hiếu
- Nắng nóng kéo dài đặt nhiều áp lực cho sản xuất
Nghệ An vốn là “chảo lửa” khu vực Bắc Trung bộ với nền nhiệt luôn duy trì ở mức cao. Năm nay diễn biến thời tiết còn bất lợi hơn nhiều, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sinh hoạt thường nhật của người dân bị xáo trộn nặng nề, nhiều diện tích cây trồng cũng đối diện với nguy cơ “khô khát” trên diện rộng nếu tình hình không sớm giảm nhiệt. Đến cuối tháng 5, toàn tỉnh Nghệ An mới thu hoạch được hơn 60.000ha lúa xuân, chiếm khoảng 2/3 diện tích. Trong khi vụ hè thu mới gieo cấy được trên 500ha, đây là giai đoạn cao điểm về cấp nước để phục vụ gieo trồng cũng như tưới dưỡng cho lúa, do đó áp lực đặt ra hết sức nặng nề.
Việt Khánh
- Công trình thủy lợi bỏ hoang trong khi người dân thiếu nước trầm trọng
Gia Mô là xã miền núi đặc biệt khó khăn và là địa bàn thiếu nước trầm trọng của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Năm 2010, công trình nước sạch được đầu tư xây dựng tại xóm Trám, xã Gia Mô để cung cấp nước sạch phục vụ hơn 500 hộ dân của 5 xóm. Năm 2011, công trình hoàn thành, đưa vào hoạt động, cung cấp nguồn nước ổn định, giá thành hợp lý cho nhân dân. Đến tháng 5/2016, sự cố xảy ra, máy bơm nước bị cháy, công trình nước sạch dừng hoạt động từ đó đến nay. Hơn 6 năm nay, hàng trăm hộ dân xã Gia Mô rơi vào cảnh thiếu nước sạch triền miên. Để có nước sinh hoạt, người dân phải tự kéo nước từ các mó nước khan hiếm, cũng như không đảm bảo vệ sinh. Công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ đang bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng đòi hỏi chính quyền và người dân cần sớm tìm ra tiếng nói chung, bàn bạc để có biện pháp sửa chữa.
Hoàng Anh
- Chuỗi cung ứng nông sản an toàn còn nhiều hạn chế
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.050 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Thực tế cho thấy, số chuỗi cung ứng nông sản an toàn hiện nay còn hạn chế do khá nhiều người dân còn thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, việc thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng còn chưa chặt chẽ. Đối với mặt hàng nông sản, nhất là rau, quả, khâu bảo quản rất quan trọng mà hiện nay quá trình sơ chế, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống, chưa được chú trọng đầu tư nên tổn thất sau thu hoạch còn chiếm tỷ lệ cao.
Quốc Toản
- Nông dân trồng sầu riêng gặp khó do thời tiết cực đoan
Hiện tại tỉnh Đắk Lắk và một số địa phương đang bước vào mùa vụ sầu riêng. Tuy đang là thời điểm đậu trái nhưng nông dân trồng sầu riêng đang rất hoang mang khi sầu riêng non rụng hàng loạt, báo hiệu nguy cơ thất thu. Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian gần đây, cây sầu riêng bước vào giai đoạn ra hoa, đậu trái thì gặp thời tiết cực đoan. Ban ngày quá nóng, ban đêm lạnh, biên độ nhiệt quá lớn, có lúc lại gặp mưa thất thường khiến sầu riêng bị sốc nhiệt. Ngoài ra, vấn đề kỹ thuật chăm sóc, dinh dưỡng không phù hợp cũng gây rụng quả, gây thiệt hại cho nông dân.
Minh Quý
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, 5 tháng đầu năm, vượt qua nhiều thách thức, lĩnh vực nông lâm thủy sản của nước ta phát triển ổn định và được đánh giá là “vượt khó thành công”, có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 6, cả nước phải đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, thiên tai vẫn luôn rình rập và có diễn biến khó lường, đòi hỏi từ Chính phủ, các Bộ ngành tới từng địa phương và mỗi người dân phải luôn tập trung cao độ, sẵn sàng ứng phó với mọi sự cố có thể xảy ra để bảo vệ mùa vụ sản xuất. Dự báo tình hình thiên tai trong những tháng còn lại của năm nay sẽ diễn ra bất thường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ:
Băng
Quỳnh Anh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Tập trung cao độ bảo vệ mùa vụ sản xuất
Tập trung cao độ bảo vệ mùa vụ sản xuất; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; Thẻ vàng IUU ảnh hưởng tới vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; Tây Ninh có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Trên 70% cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không được phép hoạt động; Nắng nóng kéo dài đặt nhiều áp lực cho sản xuất.
Xuân Hào
Tin liên quan
Các chương trình
Việc kết hợp một thể loại nhạc rock với chất liệu truyền thống Việt Nam là hạt gạo, đã mở ra cho ta một nhận diện tươi trẻ về hình ảnh công dân toàn cầu.
Cần quy hoạch lại vùng nuôi cá nước lạnh; Nhà báo cùng kiến tạo ngành nông nghiệp phát triển rực rỡ hơn; Không xuống giống vụ đông xuân muộn ở vùng bị xâm nhập mặn.