Tất bật khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử
Hiện nay, khi nước lũ đã rút, các địa phương của tỉnh Hà Giang đang tất bật công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đào Thanh | 13:32 12/06/2024
Tất bật khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử
MC1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phòng chống thiên tai.
Thưa quý vị và bà con! Đến nay nước lũ trên địa bàn thành phố Hà Giang và các huyện lân cận đã rút, tuy nhiên thiệt hại do lũ lụt để lại rất nặng nề. Hiện nay các địa phương đang tất bật công tác khắc phục hậu quả sau thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp Radio.
MC2: Thưa quý vị và bà con! Trận mưa lớn kéo dài trong các ngày mùng 9, mùng 10 và 11/6 tại tỉnh Hà Giang đã khiến địa phương này thiệt hại nặng nề. Đã có 3 người tử vong, hơn 1.400 hộ dân bị thiệt hại ảnh hưởng; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch tại các huyện như Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Bắc Quang… bị chia chắt trong nhiều giờ đồng hồ do ngập úng cục bộ và sạt lở đất đá gây ra.
Ông Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên taivà Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp theo kế hoạch sơ tán người dân, giúp người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn; thăm hỏi, động viên gia đình có người tử vong và hỗ trợ thủ tục mai táng; cử lực lượng canh phòng tại các điểm ngập lụt để giảm thiểu người dân đi lại, hạn chế thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra.
Trích băng ông Giáp Mai Thùy 1
Cùng với thiệt hại về người và nhà cửa thì trận lũ lụt trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã gây ảnh hưởng nặng nề về nông nghiệp. Đã có 278ha lúa và rau màu bị thiệt hại, 46 con gia súc và hơn 1.000 con gia cầm bị chết… Đến ngày 12/6, trên địa bàn các huyện thành phố của tỉnh Hà Giang mưa đã tạnh, trời bắt đầu hửng nắng, các địa phương huy động tối đa lực lượng tại chỗ giúp người dân bị thiệt hại về nhà ở, hoa màu khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Ông Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết,
Trích băng ông Giáp Mai Thùy 2
Sau 4 năm kể từ trận lũ lịch sử năm 2020, nhiều tuyến phố, nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Giang đã bị ngập trong nước. Hiện nay tuy nước đã rút nhưng do nước, bùn đất ngập vào nhà khiến tài sản của nhiều hộ dân bị hư hỏng. Trong đó các phường Minh Khai, Ngọc Hà, Nguyễn Trãi… bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngay sau khi nước rút, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở tổ 2, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang đã huy động tất cả các thành viên trong gia đình cùng nạo vét bùn đất, dọn dẹp nhà cửa để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Trích băng chị Nguyễn Thị Hà
Thưa quý vị và bà con! Trận lũ lụt kéo dài trong nhiều ngày qua tại tỉnh Hà Giang đã khiến địa phương này bị thiệt hại lên tới 61 tỷ đồng. Sau khi nước rút, UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện thành phố huy động tổng lực gồm lực lượng vũ trang, thanh niên, các tổ chức hội đoàn thể sát cánh cùng nhân dân, sớm khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trước hết là khắc phục nhanh sự cố về giao thông, thủy lợi, ưu tiên các công trình cấp thiết; bảo đảm lương thực cho nhân dân.
MC 2: Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng đến với một số tin vắn về lĩnh vực phòng chống thiên tai.
MC 1: tin 1
Thưa quý vị và bà con,
Cũng như Hà Giang, liên tục trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Cao Bằng xảy ra nhiều đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Mưa kéo dài làm đất ngấm "no" nước, kết cấu yếu dẫn đến sạt lở tại nhiều địa phương. Hàng chục tuyến đường giao thông do huyện, xã quản lý bị sụt, sạt, hư hỏng. Đơn cử như tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, địa phương có 3 tuyến với 6 điểm sạt ta-luy dương tại xã Bản Liền; thị xã Sa Pa có 3 điểm sạt lở thuộc. Hiện nay, các điểm sạt lở trên đã được khắc phục tạm thời, các phương tiện có thể lưu thông. Tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, mưa lớn cũng khiến cho nước lũ về nhiều, mực nước sông Gâm dâng cao đã làm 41 nhà dân bị ngập lụt. Ngoài ra, mưa lũ đã cuốn trôi 5 lồng cá của người dân trên sông Gâm, gây ngập úng hơn 16 ha lúa, hoa màu tại huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình. Nhiều đoạn giao thông qua thị trấn Bảo Lâm bị tắc nghẽn do ngập lụt, một số điểm trên tuyến Quốc lộ 34 và nhiều tuyến giao thông nông thôn khác bị sạt lở…
MC 2: tin 2
Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn diễn ra trong những ngày qua khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Để mực nước hồ không vượt quá cao trình 120m, đồng thời tránh xả cấp tập khi lưu lượng nước về hồ tăng đột biến trong thời gian tới, hồ thủy điện Tuyên Quang đã thực hiện mở hoàn toàn 1 cửa xả đáy vào ngày 11/6. Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả đáy hồ thủy điện, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó xả lũ. UBND tỉnh cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình sạt lở đất tại huyện Chiêm Hóa. Yêu cầu địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ; sử dụng nguồn ngân sách dự phòng khẩn trương xây dựng công trình kè bảo vệ tài sản, tính mạng của các hộ dân.
MC 1: tin 3
Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn luôn là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Là một trong những lực lượng nòng cốt, từ năm 2014 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn đã huy động 11.250 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Năm nay, lực lượng vũ trang tỉnh được trang bị 38 xuồng, thuyền các loại và nhiều vật dụng, trang thiết bị khác bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trước dự báo mùa mưa năm nay ở miền Bắc sẽ nhiều hơn, đặc biệt tháng 9, 10, 11, bão, áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lũ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn đã thành lập các tổ lái xuồng cơ động, tổ chức tập huấn nghiệp vụ lái xuống, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng lái xuồng cao tốc và lực lượng kiêm nhiệm, bảo đảm sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phòng chống thiên tai của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Tất bật khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử
Hiện nay, khi nước lũ đã rút, các địa phương của tỉnh Hà Giang đang tất bật công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Đào Thanh
Tin liên quan
Các chương trình
Với truyền thống hàng trăm năm tuổi, sản xuất tăm hương và làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã chuyển từ nghề phụ thành sinh kế chính, có những đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh những hình thức quảng bá truyền thống, hoa xuân Mê Linh hiện còn có mặt ở các phiên chợ, lễ hội và đặc biệt là những phiên livestream trên mạng xã hội.