Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (TTDBKTTVQG) cho biết, năm 2024, cũng giống như nhiều nơi trên thế giới, hệ thống khí tượng của Việt Nam đang phải đối mặt với 2 hình thái thời tiết trái ngược nhau. Cụ thể, đầu năm là hiện tượng El Nino, gắn liền với nắng nóng và hạn hán, còn cuối năm, nhiều khả năng sẽ là La Nina, gây mưa nhiều, bão lũ nhiều.
Theo thông tin của TTDBKTTVQG, năm 2024 có thể đánh giá là năm có những hình thái thời tiết bất thường, khó chịu. Từ đầu năm đến nay, do tác động của El Nino, nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, với những giá trị đo đếm được cao hơn nhiều so với cùng kỳ.
"Ví dụ, thời gian nắng nóng kéo dài ở Tây Nguyên là trên 30 ngày liên tục, trong khi đó ở Đông Nam bộ cũng liên tục nắng nóng trong hơn 60 ngày. Đây là những hiện tượng thời tiết biến động, ít khi xảy ra ở Việt Nam", ông Mai Văn Khiêm nói.
Bên cạnh đó, nhiều nơi cũng hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục, không chỉ của tháng 4 mà còn trong cả năm với giá trị cao như tại Đông Hà, Quảng Trị nhiệt độ cao thứ 3 trong suốt lịch sử quan trắc tại Việt Nam. Ở phía Bắc, từ đầu năm đến nay hứng chịu nhiều trận mưa dông, lốc, thậm chí là mưa đá gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội.
Nửa cuối năm nay, dự báo cuối mùa hè và mùa thu sẽ bắt đầu xuất hiện các hiện tượng thiên tai do tác động của La Nina, mưa nhiều, lũ lớn như đã xảy ra trong quá khứ, gần đây nhất là năm 2020, với những trận mưa bão gây ngập lụt ở miền Trung.
Theo đánh giá của TTDBKTTVQG, năm nay có khoảng từ 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn có thể tác động trực tiếp vào đất liền.
Đặc biệt, năm nay, do ảnh hưởng của La Nina, các cơn bão và áp thấp có thể dễ hình thành ngay trên Biển Đông nên có thời gian đổ bộ nhanh hơn so với loại bão hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương, bên ngoài Philippines. Điều này yêu cầu thời gian chuẩn bị, ứng phó phải khẩn trương, gấp gáp hơn.
"Việc La Nina xuất hiện vào cuối năm sẽ trùng với thời điểm mùa mưa bão ở khu vực Trung bộ. Do đó TTDBKTTVQG đã theo dõi và có những cảnh báo ban đầu về những khả năng xuất hiện mưa lũ nhiều ở khu vực miền Trung vào giai đoạn cuối năm, đặc biệt là các tháng 9, 10, 11", Giám đốc Trung tâm cho biết thêm.
Hiện nay, Trung tâm vẫn tiếp tục theo dõi và cảnh báo, thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn cũng như chính quyền các địa phương để chuẩn bị các giải pháp ứng phó kịp thời.
Trong những năm vừa qua, công tác phòng chống thiên tai đã có sự chỉ đạo sát sao từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, qua đó giảm được rất nhiều thiệt hại trong các tình huống thiên tai về cả người và tài sản.
Sắp tới, trước những dự báo về tình hình thiên tai như chia sẻ ở trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã yêu cầu các cơ quan, các địa phương xây dựng các kế hoạch để ứng phó trước mùa mưa lũ và trước mỗi đợt thiên tai.
Đối với TTDBKTTVQG là tập trung theo dõi sát tình hình, diễn biến của thiên tai, tùy từng tình huống cụ thể để tăng cường hệ thống quan trắc, tăng cường phương án theo dõi.
Ngoài ra là phối hợp với các cơ quan khí tượng quốc tế, của các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc… theo dõi diễn biến thiên tai, đặc biệt là diễn biến của các cơn bão hình thành ở Biển Đông hay ngoài khơi Philippines.
"Một vấn đề nữa cũng được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai rất quan tâm, đó là rà soát các điểm nghẽn, điểm nóng về thiên tai có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng đối phó với các sự cố tiềm tàng", lãnh đạo TTDBKTTVQG chia sẻ thêm.
Ông Khiêm cũng nói, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mưa lớn không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà có thể cả trong mùa khô. Như những năm vừa qua, xuất hiện nhiều trận mưa lớn cục bộ, xảy ra trong một phạm vi rất hẹp, thời gian ngắn nhưng lượng mưa rất lớn, gây ra nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Chính vì vậy, các đội xung kích tại chỗ đã được thành lập để hỗ trợ đến từng thôn, bản để rà soát các điểm nghẽn, các điểm nguy cơ cao ở sông, suối có thể xuất hiện lũ quét, sạt lở đất. Từ đó, dự báo kịp thời cho bà con nhân dân đề phòng, ứng phó, đặc biệt là các tình huống có thể xảy ra vào ban đêm.