Thủy lợi đa mục tiêu - Giải pháp an sinh bền vững cho ĐBSCL

Trước yêu cầu thực tế, thủy lợi đa mục tiêu là giải pháp giúp vùng ĐBSCL vừa đảm bảo ngăn mặn, thoát lũ, vừa góp phần chống sụt lún, sạt lở, bảo vệ dân sinh.

Bảo Thắng - Quỳnh Anh  | 09:58 03/12/2024

Thủy lợi đa mục tiêu - Giải pháp an sinh bền vững cho ĐBSCL

Tự động

Thủy lợi đa mục tiêu – Giải pháp an sinh bền vững cho ĐBSCL

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp radio trong chương trình thủy lợi và phát triển.

Thưa quý vị và bà con, một thời gian dài trước đây, các hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL tập trung vào mục tiêu chính là thau chua rửa phèn, ngăn mặn giữ ngọt, cải tạo đất và thoát lũ nhanh ra biển... Nhờ vậy mà hàng nghìn km kênh được thành hình. Tuy nhiên, Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ đã xác định “lấy nước làm trung tâm cho các quy hoạch khác”. Từ đó, hình thành nên những quan quan điểm, tư duy rất mới, khác biệt so với trước đây, trong đó đặc biệt là việc coi nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên phải sử dụng bền vững, tiết kiệm. Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL, cũng vì thế, mà phải đa mục tiêu hơn, phục vụ cho yêu cầu giai đoạn mới.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước nhưng ĐBSCL lại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước. Để bảo vệ sự phát triển bền vững của cùng, thời gian qua, một loạt các công trình lớn đã được khánh thành như cống Cái Lớn - Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Bông Bót, Nguyễn Tấn Thành… ngoài nhiệm vụ ngăn mặn, thoát lũ nhanh, còn phải góp phần chống sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Là đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác 5 hạng mục công trình tại ĐBSCL, Ông Lê Tự Do, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, các công trình mà công ty đang quản lý đã kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, mở rộng đối tượng cây trồng. Đặc biệt, với vai trò của mình, để các công trình thủy lợi đáp ứng được yêu cầu thủy lợi đa mục tiêu, công ty cũng chú trọng phối hợp với các địa phương để vận hành hiệu quả.

Băng 1 - ông Lê Tự Do, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam

MC 2:

Có thể thấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực phát triển các công trình thủy lợi đa mục tiêu. Dù vậy khi đưa vào thực tiễn khai thác vẫn còn những không ít hạn chế.

Tại Bạc Liêu, Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, địa phương vẫn tồn tại những mâu thuẫn nhất định trong việc vận hành công trình cống ngăn mặn. Cụ thể, khi triều cường lên, cống đóng ngăn hiện tượng xâm nhập mặn, nhưng điều này vô hình trung đã làm hạn chế nguồn nước nuôi tôm của các hộ dân. Ngoài ra, do các công trình thủy lợi có tác dụng liên vùng, nhưng việc chỉ đạo sản xuất hiện vẫn chủ yếu do mỗi địa phương chủ động, nên lịch thời vụ, khai thác hiệu quả của nguồn nước chưa thật đồng bộ, thông suốt. Có thời điểm, bên này cống đã sạ xong thì bên kia mới bắt đầu làm đất. Việc mở rộng, kết nối các công trình thủy lợi với nhau cũng gặp những rào cản. Ông Phạm Thanh Hải, Phó chi cục trởng Chi cục thủy lợi Bạc Liêu cho biết:

Băng 2 - Ông Phạm Thanh Hải, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu

MC 2:

Dựa trên quy hoạch thủy lợi ĐBSCL, ngành nông nghiệp và PTNT xác định 5 vấn đề lớn cần giải quyết, gồm sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún. Với nguồn ngân sách còn hạn chế, các giải pháp đưa ra bắt buộc phải tối ưu hóa lợi ích và giải quyết được nhiều vấn đề cùng lúc.

PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi đa mục tiêu, cần lấy người dân làm trung tâm. Ngoài bảo đảm an ninh nguồn nước, còn cần giúp bà con ổn định sinh kế, thích ứng với điều kiện môi trường ngày một biến động.

Băng 3 - PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

MC 1:

Thưa quý vị và bà con, không chỉ là vựa lúa chính của cả nước, ĐBSCL còn là vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn quả, cũng như nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao khác như sầu riêng, hạt điều… Giá trị của nước với vùng đất Chín rồng, cũng vì thế, mà trở thành yếu tố sống còn. Các công trình thủy lợi từ đó mà trở nên đa nhiệm hơn. Từ chỗ xây dựng những cống theo hình thức bao trong, với mục đích ngăn mặn, thì nay đa số các hệ thống thủy lợi trong vùng đã xây theo kiểu bao ngoài. Nguồn nước sẽ được điều tiết, tính toán hợp lý để lúc cần sẽ đưa nước ngọt vào trồng lúa, khi khác lại đưa nước mặn, nước lợ vào nuôi tôm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng nhiều lần nhấn mạnh tới ý nghĩa “đầu tư không hối tiếc” cho các công trình ĐBSCL nói chung và công trình thủy lợi nói riêng. Bởi đó không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà lâu dài còn đem tới an sinh xã hội, ổn định dân cư cho vùng đất rộng 4 triệu ha.

MC 2:

Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực thủy lợi.

MC 1

Thưa quý vị và bà con,

Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT, tháng 12/2024, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 15 - 20 km, nhưng thấp hơn từ 7 - 10 km so với trung bình nhiều năm. Theo Cục Thủy lợi, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023 - 2024, năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Để phòng chống triều cường dâng cao từ nay đến cuối mùa lũ năm 2024 và nguy cơ hạn hán xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm sau, các tỉnh vùng giữa và ven biển ĐBSCL cần đề phòng triều cường dâng cao vào các tháng cuối năm, chủ động gia cố hệ thống đê bao bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất. Các tỉnh xây dựng kế hoạch xuống giống sớm ở những khu vực lũ đã rút, nhằm tránh lấy nước tập trung vào thời kỳ nắng nóng hạn hán gay gắt.

MC 2:

Rút kinh nghiệm từ mùa khô hạn các năm trước, tại tỉnh Tiền Giang, năm nay chính quyền và người dân vùng trồng cây sầu riêng đã chủ động phòng, chống hạn mặn. Ngay từ mùa mưa, địa phương đã triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng, nạo vét các tuyến kênh nhỏ, bồi lắng, gia cố hệ thống cống, bọng đảm bảo chức năng ngăn, trữ nước. Vụ nghịch hiện nay, hơn 60% vườn cây sầu riêng ở Tiền Giang mất mùa, trong đó có nguyên nhân do nắng nóng, hạn mặn từ các năm trước. Thế nên, ngoài các công trình, hạ tầng mà nhà nước đã đầu tư trước đây, nhà vườn cũng không ngại bỏ ra kinh phí để tiếp tục thực hiện các phần việc, công trình trữ nước. Với những biện pháp chủ động, nếu như hạn mặn xâm nhập ở mức trung bình nhiều năm và tương đương mùa khô năm 2023-2024 thì tình hình nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ được đảm bảo, đặc biệt vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang sẽ an toàn, xanh tốt.

MC 1:

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết và căn cứ vào thực tiễn sản xuất, ngành NN-PTNT, các huyện, thành phố của tỉnh Nam Định đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch làm thuỷ lợi nội đồng, giải tỏa, nạo vét các kênh mương, bể hút, trạm bơm bảo đảm tưới, tiêu thoát nước tốt phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Hiện nay, địa phương đang bước vào đợt cao điểm làm thủy lợi nội đồng. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đào đắp gần 4.200 bờ vùng, kênh mương, kiên cố 60 kênh với tổng khối lượng đào, đắp hơn 1 triệu 300 nghìn m3 đất, làm mới hơn 800 cống đập cấp III; sửa chữa 75 công trình đầu mối, hơn 100 công trình cống đập cấp I, cấp II và gần 1.800 công trình cống đập cấp III, duy tu bảo dưỡng tất cả máy bơm, thiết bị tại các trạm bơm. Đồng thời xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Thủy lợi và phát triển của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Thủy lợi đa mục tiêu - Giải pháp an sinh bền vững cho ĐBSCL

Trước yêu cầu thực tế, thủy lợi đa mục tiêu là giải pháp giúp vùng ĐBSCL vừa đảm bảo ngăn mặn, thoát lũ, vừa góp phần chống sụt lún, sạt lở, bảo vệ dân sinh.

Bảo Thắng - Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Nhộn nhịp mùa năn bộp
Phóng sự

Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.

Nhộn nhịp mùa năn bộp
Bắc Giang: Huyện Tân Yên dồn lực cho vụ đông
Phóng sự

Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.

Bắc Giang: Huyện Tân Yên dồn lực cho vụ đông