Cà Mau - vùng đất cực Nam của Tổ quốc, là một trong những địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong tổng số 254km bờ biển của tỉnh, có đến 188km bị sạt lở.
Từ năm 2011 đến nay, hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn đã biến mất. Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện Cà Mau còn 83km bờ biển đang đứng trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Báo động hơn, mỗi năm địa phương mất khoảng 300ha đất và rừng, tương đương với một xã lớn ở các tỉnh phía Bắc.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Viện Quy hoạch Thủy lợi, tỉnh Cà Mau liên tục triển khai các công trình đê biển.
Tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, hệ thống đê biển Tây chạy qua địa bàn xã đang được gấp rút triển khai, hoàn thiện trước ngày 31/12/2024. Công trình có tổng chiều dài 475m, được áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới kè lát mái rọ đá do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chuyển giao từ năm 2016 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Vãng, một cư dân sống hơn 40 năm tại vùng ven biển xã Khánh Bình Tây nhớ lại, thời điểm khi công trình chưa được xây dựng, sau mỗi đợt sóng biển đánh vào bờ, ông phải đánh dấu lại từng vị trí, mỗi năm đất lở cũng tầm 7 – 8m. Người dân sống mà lúc nào cũng chuẩn bị tư thế để “chạy”. Nhiều vị trí bị sạt lở, chính quyền địa phương phải phối hợp với lực lượng bảo vệ đê điều thường xuyên điều động lực lượng để hỗ trợ khắc phục.
“Từ sau khi tuyến đê biển Tây được nâng cấp, bà con rất yên tâm, nhất là trong năm 2024, dù tình hình thiên tai có những diễn biến phức tạp, nhưng cuộc sống của người dân trong xã vẫn được đảm bảo, chưa ghi nhận ảnh hưởng”, ông Vãng bộc bạch.
Nhờ được đầu tư hệ thống đê bao và kè bảo vệ bờ biển, từ năm 2014 trở lại đây, việc trồng lúa 2 vụ của người dân xã Khánh Bình Tây trở nên hiệu quả hơn. Toàn xã hiện có hơn 7km đê biển, toàn bộ đã được cứng hóa.
Không chỉ riêng tuyến đê này, đến nay, tỉnh Cà Mau đã được đã đầu tư 78km kè ven biển, với tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng.
Được biết năm 2010, tỉnh Cà Mau đã triển khai nâng cấp hệ thống đê biển Tây theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, bảo vệ khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển, với gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng công tác phòng chống thiên tai ở tỉnh Cà Mau vẫn còn đối diện với nhiều thách thức trong việc nâng cao năng lực cộng đồng; tài chính hạn hẹp khiến một số khu vực chưa có công trình bảo vệ hiệu quả…
Chia sẻ bên lề Diễn đàn Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL ngày 29/11 do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau khẳng định, bên cạnh nguồn lực và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, sự hợp tác giữa chính quyền, người dân là yếu tố then chốt.
Bởi khi người dân nâng cao được ý thức, công tác phòng chống thiên tai của các cấp trên sẽ nhẹ nhàng hơn. Khi nhận được các thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai, bà con sẽ chủ động triển khai các giải pháp gia cố, bảo vệ bờ bao, tránh thiệt hại đến sản xuất và đời sống.
Trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Cà Mau cũng chủ động triển khai các giải pháp sát thực tiễn để nâng cao nhận thức cộng đồng. Mới đây các ngành chuyên môn trong tỉnh đã tiến hành huấn luyện kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân. Thông qua việc xây dựng tình huống diễn tập gắn với thực tế khi có thiên tai xảy ra sẽ giúp người dân trang bị kỹ năng ứng phó hiệu quả.