Tân Tiến là xã biên giới của huyện Bù Đốp, dù có diện tích đất bưng, bàu tương đối lớn, nhưng nhờ nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, sự đồng hành của chính quyền địa phương, những vườn sầu riêng dần hình thành, diện mạo nông thôn nơi đây dần thay da đổi thịt.
Theo chân cán bộ giao thông thủy lợi xã Tân Tiến đến thăm khu vực Bàu Sình thuộc ấp Tân Thuận, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi nơi đây. Hai bên các tuyến kênh thủy lợi là những ngôi nhà mái Thái khang trang, nổi bật giữa vườn sầu riêng xanh mướt. Khung cảnh yên bình và trù phú này là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất trước đây từng được coi là hoang hóa đã hồi sinh nhờ hệ thống thủy lợi.
Đón chúng tôi trong căn nhà vừa được khánh thành với chi phí xây dựng lên đến gần 3 tỷ đồng, ông Hồ Văn Bạn (còn gọi là ông Chín Bạn) không khỏi phấn khởi cho biết, do đất trũng thấp, trước đây, gia đình ông cũng như nhiều người dân nơi đây từng thử nghiệm nhiều loại cây trồng, trong đó có lúa nước nhưng hiệu quả không cao. Từ khi nhà nước đầu tư kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Cần Đơn về, ai cũng mừng ra mặt và sầu riêng là loại cây được nhiều bà con lựa chọn để canh tác.
Theo ông Chín Bạn, để giải quyết vấn nạn thiếu nước mùa khô, dư nước mùa mưa, ông đã dày công thuê xe đào mương, lên liếp rồi trồng toàn bộ giống sầu riêng Ri6. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng đổi lại đất tạo liếp có độ tơi xốp và thoát nước tốt, dưới chân liếp được điều tiết từ nước thủy lợi nên duy trì ẩm độ cao, chỉ cần tưới khi cần thiết.
Song song đó, để tối ưu hóa chi phí sản xuất, ông Chín Bạn đã tận dụng các mương nước sẵn có để thả cá, từ nguồn cá này ông ủ với các chế phẩm sinh học tạo ra đạm cá hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cao thay thế một phần cho phân bón hóa học.
“Trồng sầu riêng cần nhất là cung cấp đủ nước tưới. Nhờ kênh dẫn nước về 3 lần/tuần, sau 5 năm dày công chăm sóc, trái ngọt đã đến với gia đình khi niên vụ vừa qua, dù thu bói nhưng vườn cây đã cho thu hoạch hơn 7 tấn trái, dự kiến vụ này sẽ đem lại không dưới 20 tấn, trong khi chi phí đầu tư hiện tại không tới 20 triệu đồng/vụ”, ông Chính Bạn phấn khởi nói.
Ông Dương Văn Gân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết thêm, hồ Cần Đơn là nguồn cung cấp nước tưới cho gần 5.000ha đất canh tác nông nghiệp từ cây ngắn ngày cho đến dài ngày trên địa bàn huyện Bù Đốp. Xã Tân Tiến hiện có gần 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Xác định kênh mương thủy lợi có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, đến nay, toàn xã đã có hệ thông thủy lợi tương đối hoàn chỉnh phục vụ trên 85% diện tích cây trồng chủ lực bằng phương pháp tưới tiêu chủ động.
Ông Dương Văn Gân chia sẻ: “Ngày trước, đất đai địa phương khá cằn cỗi, đơn cử như tại khu vực Bàu Sình. Từ khi địa phương được đầu tư hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Cần Đơn, giờ đây Bàu Sình đã trở nên trù phú. Trong những năm gần đây, nhiều bà con tại địa phương trở nên khá giả, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đây là minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ khi nhà nước quan tâm đầu tư vào hạ tầng thủy lợi”.
“Xã Tân Tiến tiếp tục tuyên truyền để người dân chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng và tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi nhằm xây dựng nông thôn mới bền vững”, ông Dương Văn Gân.