Tín chỉ các bon rừng - nguồn tài nguyên cần đánh thức
Trong bối cảnh toàn thế giới đang tiến tới thực hiện các bước quản lý rừng bền vững và khi Việt Nam ta vẫn còn nhiều tiềm năng trên thị trường tín chỉ các bon rừng, hình thành và phát triển thị trường cho nguồn tài nguyên này là vấn đề đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Thanh Nga - Tâm Phùng | 13:23 25/05/2023
Tín chỉ carbon rừng – tài nguyên thiên nhiên vô tận
MC 1:
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Phát triển lâm nghiệp.
Thưa quý vị và bà con, theo Quyết định số 2860 của Bộ NN-PTNTvề công bố hiện trạng rừng năm 2021, nước ta hiện có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là diện tích rừng có chức năng cô lập và lưu giữ carbon rất lớn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều năm nay, Việt Nam sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán cho các tổ chức quốc tế, song những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Trong bối cảnh toàn thế giới đang tiến tới thực hiện các bước quản lý rừng bền vững và khi Việt Nam ta vẫn còn nhiều tiềm năng trên thị trường tín chỉ carbon, hình thành và phát triển thị trường cho nguồn tài nguyên này là vấn đề đang được Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Trong số phát sóng này, Nông nghiệp Radio mời quý vị và bà con cùng đến với Hà Tĩnh, tìm hiểu về hoạt động và định hướng của địa phương này với việc phát triển thị trường tín chỉ carbon.
MC 2
Thưa quý vị và bà con, theo đánh giá của ngành chuyên môn, với hơn 217 nghìn ha rừng tự nhiên, ước tính Hà Tĩnh có thể bán ra gần 2 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế, nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm Hà Tĩnh có thể thu về trên dưới 10 triệu USD.
Theo tìm hiểu của nongnghiep radio, các chủ rừng trên địa bàn hiện đang rất kỳ vọng vào nguồn tài nguyên mới nổi này. Hiện một số chủ rừng đã tính toán, ước lượng được sản lượng cô lập và lưu giữ carbon của diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, song cũng có một số chủ rừng, đơn vị quản lý đang khá mơ hồ và chưa nhìn thấy được giá trị vô hình cũng như hữu hình của việc sản xuất, phát triển tín chỉ carbon. Là người đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ về quá trình bán tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam và các nước trên Thế giới ông Trần Trung Anh, Trưởng phòng khoa học và hợp tác đầu tư - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn chia sẻ:
Trích băng ông Trần Trung Anh.
Đối với những người trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ rừng tại gốc thì việc Chính phủ bán tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế sẽ mở ra một trang mới, tạo nguồn lực đáng kể giúp chủ rừng tái thiết lại rừng, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
MC 2:
Thưa quý vị, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, về lâu dài nếu có thể khai thác hiệu quả tín chỉ carbon thì tài nguyên này sẽ đem lại cho nước ta nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng, trong đó phần lớn là đồng bào người dân tộc thiểu số sống ven rừng, dưới tán rừng. Đồng thời, đem tới nguồn kinh phí tốt hơn phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Và xa hơn là đóng góp vào hành trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giảm phát thải, từng bước tiến tới quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn Việt Nam và của Hội đồng quản trị rừng thế giới - FSC. Tham gia bảo vệ rừng nhiều năm, được biết và hiểu về những giá trị vô tận mà tín chỉ cacrbon rừng mang lại, ông Lê Đức Long, cán bộ bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn cho biết:
Trích băng anh Long.
MC 2:
Cùng chung quan điểm với ông Lê Đức Long, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn, ông Lê Ngọc Danh cho rằng, với những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn mà nhiều diện tích được giao cho các tổ cộng đồng, hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển rừng như huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh của Hà Tĩnh thì việc bán tín chỉ carbon sẽ tạo nguồn lực không nhỏ giúp người dân sống gần rừng có điều kiện ổn định cuộc sống, hạn chế tác động tiêu cực đến rừng.
Trích băng ông Lê Ngọc Danh.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 107 về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính đối với 6 tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó có Hà Tĩnh. Việc làm này đã đưa Việt Nam nói chung và vùng Bắc Trung bộ nói riêng bước đầu tiếp cận, tham gia cùng xu hướng chung của thế giới trong trao đổi, chuyển nhượng, thương mại tín chỉ lượng giảm phát thải carbon rừng. Đây là nguồn tài chính có ý nghĩa đối với công tác quản lý, bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, góp phần tăng thu nhập cho gần 70.000 hộ gia đình và khoảng 950 cộng đồng dân cư, trong đó có các hộ dân tộc thiểu số khó khăn.
Thanh Nga – Tâm Phùng
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp vừa diễn ra trong cả nước.
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, cũng tại Hà Tĩnh, trước tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài gây nguy cơ cháy rừng rất cao, địa phương đã thành lập 345 tổ đội với hơn 7.000 người tham gia sẵn sàng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có trên 130.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu với các loài cây trồng như thông, keo, bạch đàn và rừng tự nhiên nghèo kiệt hỗn giao tre nứa - gỗ. Để chủ động kiểm soát tình hình và kịp thời phát hiện, khống chế các đám cháy rừng, từ đầu tháng 5, tất cả các địa phương và chủ rừng trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành kế hoạch triển khai kế hoạch Phòng cháy chữa cháy rừng năm 2023.
Quỳnh Anh
MC 2
Nhân Ngày Quốc tế bảo vệ đa dạng sinh học, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai vừa khởi động chương trình trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên Đồng Nai 2023. Để làm giàu rừng nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn nguồn gen, hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia tuyển chọn cây giống là các loài gỗ lớn bản địa để trồng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai sẽ chăm sóc, giám sát các khu trong vòng 4 năm nhằm bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và đạt tỷ lệ sống 70 - 85%. Báo cáo giám sát khu rừng với số liệu và hình ảnh giám sát cụ thể sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị tài trợ khu rừng.
Nguyễn Thủy
MC 1
Tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 254km. Trước biến đổi thất thường của thiên nhiên, từ ưu thế biển, giờ đây Cà Mau đang là địa phương gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, sạt lở. Nguy hại hơn, lá chắn tự nhiên rừng phòng hộ nơi đây bị phá hủy từng giờ. Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, chỉ trong 10 năm gần đây, tỉnh mất đi 5.200ha rừng ven biển,. Do đó, cùng với việc xây dựng các công trình đê và bờ kè, tỉnh Cà Mau đang tập trung tổ chức trồng và tái sinh lại những tuyến rừng phòng hộ.
Trọng Linh
MC 1
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin kính chào và hẹn gặp lại.
Tín chỉ các bon rừng - nguồn tài nguyên cần đánh thức
Trong bối cảnh toàn thế giới đang tiến tới thực hiện các bước quản lý rừng bền vững và khi Việt Nam ta vẫn còn nhiều tiềm năng trên thị trường tín chỉ các bon rừng, hình thành và phát triển thị trường cho nguồn tài nguyên này là vấn đề đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Thanh Nga - Tâm Phùng
Tin liên quan
Các chương trình
Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon trong lâm nghiệp; Thịt bò Việt chiếm chưa đến 1% sản lượng toàn cầu; Quảng Ngãi cấm khai thác thủy sản có thời hạn 2 khu vực.
Không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày hôm nay ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng.