Tổ chức quốc tế cùng đồng hành chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL
Chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên là giải pháp quan trọng để cải thiện sinh kế cho nông dân và tăng khả năng phục hồi của nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kim Anh - Trọng Linh | 13:52 25/03/2024
Tổ chức quốc tế cùng đồng hành chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL
MC 1: Thưa quý vị, sản xuất nông nghiệp thuận thiên là canh tác thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên, có kiểm soát và đem lại lợi ích cho người dân, bảo vệ hệ sinh thái.
Vừa qua, tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế bà con nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp. Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng. Đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thời gian qua, với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, các mô hình nông nghiệp thuận thiên đã và đang chứng minh được hiệu quả cả về kinh tế và tái tạo, phục hồi hệ sinh thái tự thiên. Sau đây, nông nghiệp radio mời quý vị cùng theo chân phóng viên chương trình đến thăm mô hình tôm-rừng tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
MC 2:
Theo chân đoàn khảo sát của Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), từ TP Cà Mau chúng tôi vượt quãng đường hơn 75km đến với xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển.
Trước đây, Ngọc Hiển vốn là vùng đất bãi bồi trù phú, đa dạng nguồn lợi thủy sản. Theo lãnh đạo UBND huyện, trước năm 1990, người dân nơi đây chủ yếu khoanh vùng mặt nước để các loài thủy sản tự nhiên phát triển và khai thác giá trị kinh tế mang lại.
Một thời gian sau đó, dịch bệnh trên tôm bùng phát mạnh, tôm gần như chết trắng, sau đó nguồn lợi thủy sản cũng bị cạn kiệt dần.
Trước thực tế đó, công cuộc chuyển đổi bắt đầu được đẩy mạnh. Trên địa bàn huyện hình thành và phát triển 2 hình thức nuôi nuôi tôm là nuôi tôm sinh thái, 2 giai đoạn và nuôi tôm công nghiệp, thâm canh, thậm chí là siêu thâm canh. Từ đây, các cơ sở sản xuất giống cũng phát triển theo nhu cầu. Ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bộc bạch:
[Băng TIET MINH THANH]: “Chủ trương từng bước huyện Ngọc Hiển sẽ xóa diện tích nuôi tôm công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh. Dần dần lấp dần lại nuôi tôm sinh thái. Những năm gần đây tình hình nuôi tôm của huyện có chiều hướng phát triển theo chúng tôi nhận định mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm 2 giai đoạn có chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên đối với các mô hinifh phối hợp với công ty, các chương trình chúng tôi cũng chỉ đạo lựa chọn theo vùng quy hoạch nuôi tôm sinh thái. Hai là những hộ có điều kiện có quyết tâm cao”.
Hiện nay, WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực ĐBSCL như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh… cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Riêng ở huyện Ngọc Hiển, vừa qua WWF Việt Nam đã triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau”.
4 mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đã được hỗ trợ cho nông dân các xã: Tân Ân, Tam Giang Tây, Viên An Đông và Viên An, với tổng diện tích 67ha và phấn đấu đến năm 2025 diện tích sẽ được mở rộng lên ít nhất 100ha. Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng WWF Việt Nam bày tỏ:
[Băng PHAM THI CAM NHUNG]: “Để nhân rộng những kết quả cũng như lan tỏa những kết quả thành công này, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cũng như kết nối với các bên để huy động sự hỗ trợ nguồn tài chính từ khối tư nhân”.
Một trong những thành công lớn của WWF trong việc triển khai các giải pháp dựa vào tự nhiên (NBS) là mô hình thí điểm trồng lúa - tôm luân canh ở Cà Mau. Mô hình đã đạt được Chứng chỉ ASC đầu tiên cho nhóm hộ sản xuất tôm - lúa vào tháng 10/2022. Phương pháp canh tác này không chỉ mang đến cho người dân thu nhập gấp 3 lần so với các hộ không tham gia dự án, mà còn giúp tăng mức bồi đắp trầm tích ở các khu vực dự án 10 - 40% so với các địa điểm thông thường khác. Ông Trần Quốc Toản ở xã Viên An Đông, một trong những hộ dân đang nhận được sự hỗ trợ từ dự án để triển khai mô hình tôm - rừng trên quy mô 5,5ha bộc bạch:
[Băng TRAN QUOC TOAN]: “Tổng trên 5,5ha vừa tôm vừa cua luôn khoảng 200 triệu/năm, mình khoanh nhỏ ở đây nuôi cá mú, cá nâu chưa tính vô trong đó. Chỗ mô hình hỗ trợ con giống cũng như các loại vi sinh, phân, các thiết bị máy móc để thực hiện vườn tôm. Diện tích trong rừng hiện nay mình quản lý khoảng 60%”.
Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, vài năm trở lại đây mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được người dân địa phương phát triển mạnh. Từ cuối 7 – 8 âm lịch, hộ nuôi bắt đầu cải tạo, phơi đất, sau đó lấy nước vào, tạt vi sinh để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm. Đến đầu tháng 9 âm lịch bà con bắt đầu thả giống. Trung bình từ 3,5 – 4 tháng tôm nuôi có thể thu hoạch. Nếu muốn tôm đạt kích cỡ lớn hơn từ 14 – 15 con/kg hộ nuôi có thể nuôi kéo dài thời gian nuôi từ 4 – 5 tháng. Với giá tôm dao động từ 220.000 – 310.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ), mô hình này mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm cho bà con.
Ngoài ra, người dân có liên kết sản xuất tôm sinh thái với Tập đoàn thủy sản Minh Phú, ngoài được hỗ trợ về con giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, doanh nghiệp thu mua với mức giá cao hơn thị trường khoảng 5%, đảm bảo thu nhập bền vững và ổn định cho hộ nuôi.
MC 1: Thưa quý vị, sản xuất nông nghiệp thuận thiên như một lời khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Định hướng này được các đối tác quốc tế, quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên. Qua đó góp phần chia sẻ và nhân rộng các mô hình thuận thiên tại ĐBSCL và các vùng miền khác trên cả nước.
Tổ chức quốc tế cùng đồng hành chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL
Chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên là giải pháp quan trọng để cải thiện sinh kế cho nông dân và tăng khả năng phục hồi của nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kim Anh - Trọng Linh
Tin liên quan
Các chương trình
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh tại AgroViet 2024; Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên - Huế.