Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp
Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp; Mưa kèm giông lốc gây thiệt hại lớn về cây trồng; Nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị cháy khô.
Quỳnh Anh | 08:21 22/04/2024
Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp
- Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp
- Mưa kèm giông lốc gây thiệt hại lớn về cây trồng
- Nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị cháy khô
- Kéo dài thời gian xả nước, cứu cánh đồng Mường Lò
- Tập trung diệt chuột để bảo vệ sản xuất
- Ngăn chặn xây dựng nhà ở ven sông để hạn chế nguy cơ sạt lở đất
- 12 công trình cấp nước sinh hoạt tại Bình Phước không hoạt động
- Phát triển 'cây xóa nghèo' ở Mường Lát
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ giữa hai bộ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ và hợp tác cùng triển khai tổ chức diễn đàn và thí điểm trưng bày sản phẩm KHCN ngành nông nghiệp với sự tham gia của các Viện, trường, HTX… nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật mới cũng như kết nối giữa cung và cầu, đánh giá tiếng nói của người tiêu dùng đối với các sản phẩm KHCN nông nghiệp. Bên cạnh đó, hai bên thống nhất tiếng nói và cơ chế phối hợp đối với mô hình liên doanh, liên kết KHCN để đưa các sản phẩm KHCN vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
-
Mưa kèm giông lốc gây thiệt hại lớn về cây trồng
Cũng trong tuần qua, mưa to kèm giông lốc xuất hiện ở một số địa phương đã gây thiệt hại lớn về hoa màu, nhà cửa, tài sản của người dân. Tại Bắc Kan, Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 165ha cây nông nghiệp bị gãy đổ, một số diện tích trồng lúa, hoa màu ven sông suối bị nước cuốn trôi. Uớc tính thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Tương tự tại Lào Cai, dông lốc cục bộ, kèm theo mưa vừa, gây thiệt hại 113 căn nhà; hư hại hơn 43ha ngô, uớc tính thiệt hại do thiên tai gây ra đêm 17 và rạng sáng 18/4 trên địa bàn tỉnh này là gần 3 tỷ đồng. Cũng trong đêm 17 và ngày 18/4, mưa lớn kèm giông lốc tại Tuyên Quang khiến 182 ngôi nhà của người dân ở địa phương này bị tốc mái, hư hỏng, gần 300ha ngô và 6ha keo bị thiệt hại, gãy đổ.
- Nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị cháy khô
Vùng biên giới huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai hiện đang phải đối mặt với nắng hạn gay gắt trên diện rộng. Khô hạn khốc liệt khiến nhiều diện tích cây trồng, đặc biệt là cà phê ở địa phương đang bị cháy khô. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có gần 170ha cây trồng, chủ yếu là cà phê bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Trước tình hình này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Cơ đã chỉ đạo các địa phương tập trung ứng phó với hạn hán trên địa bàn. Theo đó, chủ động nạo vét các ao, hồ, giếng nước để phục vụ sử dụng sinh hoạt. Đồng thời thống kê các diện tích cây trồng bị thiếu nước, thiệt hại để có biện pháp xử lý.
- Kéo dài thời gian xả nước, cứu cánh đồng Mường Lò
Từ đầu vụ sản xuất đông xuân đến nay, cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Thời điểm này, diện tích lúa trên cánh đồng đang thời kỳ làm đòng, trỗ bông, nhu cầu về nước rất cấp thiết. Nếu không đảm bảo cung ứng nước tưới có thể làm giảm năng suất, thậm chí gây mất mùa. Tại chuyến kiểm tra thực tế tại công trình thủy lợi Nang Phai mới đây, ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phải ưu tiên nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Không được để lúa, cây màu bị khô hạn, thiếu nước làm giảm năng suất hoặc gây mất mùa. Trong thời điểm khó khăn chung phải giảm công suất phát điện, kéo dài thời gian xả nước, phối hợp với công ty thủy nông có phương án điều tiết nước hồ chứa.
- Tập trung diệt chuột để bảo vệ sản xuất
Sở NN-PTNT tỉnh Long An vừa ban hành văn bản về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột, bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn và giảm chi phí sản xuất, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm. Tùy theo tình hình cụ thể, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện pháp thủ công.
- Ngăn chặn xây dựng nhà ở ven sông làm tăng nguy cơ sạt lở đất
Năm nay, tỉnh Hậu Giang được Chính phủ phân bổ 200 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương, để thực hiện hai dự án xử lý sạt lở bờ sông. Trong đó, dự án xử lý sạt lở bờ sông Nàng Mau, kinh phí đầu tư 150 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 2. Dự án xử lý sạt lở bờ sông Lái Hiếu, có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, khởi công tháng 3. Hiện nay, địa phương đang gấp rút triển khai để hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xử lý sạt lở bờ sông, tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường rà soát, ngăn chặn việc xây dựng nhà ở ven sông làm tăng nguy cơ sạt lở đất, nhất là ở những khu vực có nền đất yếu. Vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở di dời và có phương án bố trí dân cư vào nơi ở an toàn, tạo sinh kế phù hợp cho người dân ổn định cuộc sống.
- 12 công trình cấp nước sinh hoạt tại Bình Phước không hoạt động
Tỉnh Bình Phước hiện có 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 25 công trình sử dụng nguồn nước mặt, 16 công trình sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, đến nay, có 12 công trình không hoạt động. Đặc biệt, hồ Bù Rên tại xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đã cạn kiệt nước khiến các hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trước tình trạng hạn hán kéo dài, tỉnh Bình Phước đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm; huy động nhân dân nạo vét ao, hồ tích nước nhằm dự trữ nước phục vụ sinh hoạt; sử dụng vật dụng che âm, chống bay hơi mất nước cho cây trồng, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý, tránh lãng phí…
- Phát triển 'cây xóa nghèo' ở Mường Lát
Những năm gần đây nhờ các chương trình, chính sách đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con vùng cao huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình trồng sắn năng suất cao xen canh với đất rừng sản xuất mang lại hiệu quả, hứa hẹn là cây sinh kế giảm nghèo bền vững cho đồng bào. Năm 2023, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện đạt khoảng gần 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại toàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng. Sắn đang là cây sinh kế giúp người dân nhanh chóng có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, từ đó yên tâm trồng rừng và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn để thoát nghèo bền vững.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, lĩnh vực khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp thời gian qua đã đổi mới và đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao giá trị, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản trên thị trường. Có thể nói, giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tại Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, Bộ trưởngBộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Bộ KH - CN tiếp tục hỗ trợ Bộ NN-PTNT trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thực hiện các mô hình liên kết, liên doanh để tránh thất thoát chất xám của các nhà khoa học.
Băng
Thanh thủy
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Chương trình do BTV Xuân Hào biên soạn, Quý vị và bà con có thể liên hệ với chương trình qua số hotline: 0912.145.266
Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp
Tránh thất thoát chất xám khoa học về nông nghiệp; Mưa kèm giông lốc gây thiệt hại lớn về cây trồng; Nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị cháy khô.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.