Trồng lúa sạch theo hướng VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập

Nhờ trồng lúa theo hướng VietGAP mà nông dân tại xã An Nhứt không chỉ tăng năng suất mà còn giảm được chi phí sản xuất, thuốc BVTV và được bao tiêu sản phẩm.

Lê Bình  | 06:15 09/09/2024

Trồng lúa sạch theo hướng VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập

Tự động

Trồng lúa sạch theo hướng VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập

MC1: Mến chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã theo dõi kênh Nông nghiệp Radio,

Thưa quý bà con, mới đây, huyện Long Điền, tỉnh BRVT đã thí điểm thành công mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, với diện tích 12ha của 24 hộ dân trên địa bàn xã An Nhứt. Mô hình này mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, liên kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Mời quý vị và bà con cùng theo chân PV Lê Bình đến với mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP tại xã An Nhứt, huyện Long Điền, tỉnh BRVT.

MC2:

Những ngày này, cánh đồng lúa của xã An Nhứt, huyện Long Điền đẹp tựa như bức tranh. Từng bông lúa bắt đầu nặng hạt, có những thửa ruộng, lúa đang ngả sang màu vàng óng, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Xã An Nhứt bao đời nay chuyên canh cây lúa, được coi là vựa lúa của huyện Long Điền và cả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chúng tôi có hẹn tại tải thửa lúa rộng 8 sào của ông Trần Minh Trí, trú tại ấp An Lạc, xã An Nhứt. Ruộng lúa của ông Trí được canh tác lúa theo hướng VietGAP khoảng hơn 1 năm nay. Ngắt những bông lúa nặng trĩu đang độ chuyển sang màu vàng, với kinh nghiệm của mình, ông Trí hứng khởi cho chúng tôi biết, mùa này chắc chắn sẽ bội thu.

Tham gia mô hình, ông Trí được hỗ trợ gần 100kg giống Đài thơm 8 và 4 bao phân, thuốc BVTV bằng sinh học. Các vụ gần đây, ruộng lúa của ông Trí đã cho thu hoạch gần 7 tấn, cao hơn so với canh tác truyền thống trước đây gần 2 tấn. Với giá bán tương đối ổn định như hiện nay và lúa được bao tiêu sản phẩm nên sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn 2 - 3 triệu đồng so với trước.

Băng ông Trần Minh Trí: Sản xuất lúa theo hướng VietGAP là mình trồng lúa sạch, bớt xịt thuốc sâu rầy, phân bón thì mình cũng phải cân đối lại. Sản phẩm được làm ra thì thương lái cũng mua hết luôn, không có ứ đọng.

Còn bà Dương Thị Cẩm Hồng cũng vừa thu hoạch 5 sào lúa Đài thơm 8 trồng theo hướng VietGAP với gần 5 tấn lúa. Bà Hồng hào hứng khoe với chúng tôi rằng trồng lúa theo hướng VietGAP không làm tăng chi phí đầu tư. Các loại phân thuốc hóa học sử dụng trước đây giảm dần và thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học.

Băng bà Dương Thị Cẩm Hồng: Tôi thấy làm lúa này thì cũng có giá là mừng rồi, thời tiết thì vụ này cũng thuận lợi nên thành ra lúa nó cũng đẹp, năng suất cũng không đến nỗi nào. Lúa cũng có giá, nông dân mình cũng đỡ chi phí, rồi nó cũng có lãi hơn mấy vụ trước. Mình thấy đã năng suất thì cứ tiếp tục.

Xã An Nhứt, huyện Long Điền có hơn 420ha lúa, sản xuất theo 3 vụ, trong đó có 12ha với  24 hộ hội viên nông dân tham gia sản xuất lúa VietGAP. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về ghi chép nhật ký sản xuất, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, kỹ thuật canh tác, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại… Đồng thời, được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, sau một thời gian triển khai, bình quân năng suất lúa trồng theo hướng VietGAP đạt từ 8 - 9 tấn/ha. Toàn bộ diện tích trồng lúa theo hướng VietGAP đều được liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt, mô hình góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững.

Băng ông Trần Công Danh: Chúng tôi muốn thay đổi tập quán trồng cái lúa truyền thống cũ sản xuất theo kiểu cũ, chuyển sang cái cái cái mới, cái hiệu quả của nó. Cái thứ nhất là về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thuốc hóa học. Cái thứ hai là đảm bảo về vấn đề vệ sinh môi trường thì tôi vận động bà con trong cái mô hình này là thu gom là thuốc bảo vệ thực vật, vỏ bao bì bỏ vô cái cống bi để cho các ngành chức năng ta thu gom cho đúng quy định, xử lý đúng quy định. Một cái nữa là nó sẽ làm cho tăng cái lợi nhuận lên theo tiêu chí số 10 - tăng thu nhập của nông thôn mới kiểu mẫu.

MC1: Thưa quý vị và bà con,

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, Hội Nông dân xã An Nhứt đã thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổng kinh phí thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP là 100 triệu đồng, được trích từ ngân sách huyện. Mục tiêu là nâng cao giá trị của hạt lúa, hạt gạo vì sức khỏe cộng đồng. Sản phẩm lúa này của xã An Nhứt cũng đã được công nhận OCOP 4 sao.

MC2: Bây giờ sẽ là một số tin vắn trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn cả nước diễn ra mới đây.

MC1 - Tin 1: Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, toàn tỉnh sản xuất đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% diện tích canh tác, đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 5 - 5,5%/năm nêu trên. Giá trị trồng trọt bình quân 300 triệu đồng/ha, diện tích dưới 50 triệu đồng/ha/năm giảm xuống dưới 2%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chính đạt trên 800 triệu USD. Ngành Nông nghiệp tỉnh xác định, đến năm 2050 sẽ phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Qua đó đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đứng đầu cả nước.

MC2 - Tin 2: Thời gian qua, ở tỉnh Kon Tum xảy ra rất nhiều vụ mất trộm sâm Ngọc Linh. Chỉ tính ttrong tháng 2/2024 có 800 cây sâm từ 4-10 năm tuổi bị nhổ trộm ở các xã Tê Xăng, Ngọk Lây, Đăk Sao, Đăk Na. Tháng 6 vừa qua, tại xã Măng Ri huyện Tu Mơ Rông xảy ra vụ mất trộm gần 100 cây sâm ở vườn sâm của người dân làng Long Láy. Hiện người trồng sâm đang lo lắng trước nạn trộm cắp diễn ra tại nhiều vườn sâm nhưng chưa thể tìm thấy thủ phạm.

Lực lượng chức năng đang điều tra, đi tìm thủ phạm các vụ trộm sâm Ngọc Linh. Với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cần phải răn đe, cảnh báo thì giao cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. Nhằm ngăn chặn tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã ra nhiều văn bản, giao Công an huyện chỉ đạo Công an xã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuần tra, kiểm soát để bảo vệ an ninh trật tự, đặc biệt là phòng, chống trộm cây sâm Ngọc Linh.

MC1 - Tin 3: Sau những ngày mưa lũ, nước ngập trong các khu vực nhà ở, vườn thanh long của người dân các xã Hàm Mỹ, Hàm Cường ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bắt đầu rút. Đến nay, vẫn còn một số vùng thấp, trũng nước còn ngập dưới gốc thanh long, có nơi còn ngập tới nửa trụ. Các chủ vườn tiến hành cào rơm, cỏ trong gốc để làm khô thoáng, chống ẩm gốc; đồng thời tiến hành cắt bỏ những quả đã bị ngập nước, làm vệ sinh vườn. Với giá thanh long đang ở mức 20.000 đồng/kg như hiện nay thì thiệt hại trong sản xuất thanh long lần này rất lớn. Những vườn đang chờ quả chín bị ngập thì thiệt hại gần như toàn bộ, bởi quả thanh long sẽ bị teo và rỗng ruột. Còn những diện tích vườn bị ngập kéo dài sẽ khiến cây thối rễ, chết cành.

Nội dung vừa rồi đã kết thúc chương trình Nông nghiệp radio hôm nay, xin cảm ơn quý vị và bà con đã để tâm theo dõi, xin kính chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Trồng lúa sạch theo hướng VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập

Nhờ trồng lúa theo hướng VietGAP mà nông dân tại xã An Nhứt không chỉ tăng năng suất mà còn giảm được chi phí sản xuất, thuốc BVTV và được bao tiêu sản phẩm.

Lê Bình

Tin liên quan

Các chương trình

Miền Soóng Cọ Đại Dực làm du lịch
Phóng sự

Với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, người Sán Chay đã từng bước hình thành nên mô hình du lịch cộng đồng.

Miền Soóng Cọ Đại Dực làm du lịch
Sầu riêng miền Tây một mùa thất trái
Phóng sự

Sầu riêng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ yếu tố thời tiết nên những năm gần đây, tỷ lệ nhà vườn xử lý thành công sầu riêng vụ nghịch không cao.

Sầu riêng miền Tây một mùa thất trái