| Hotline: 0983.970.780

Hạn chế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Vùng tôm - lúa VietGAP chuẩn hóa quy trình nuôi

Thứ Ba 08/08/2023 , 06:36 (GMT+7)

Nông dân Kiên Giang ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn mã số vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Nông dân huyện An Minh sử dụng chế phẩm sinh học thay kháng sinh để xử lý môi trường nước nuôi tôm, tăng chất lượng tôm nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân huyện An Minh sử dụng chế phẩm sinh học thay kháng sinh để xử lý môi trường nước nuôi tôm, tăng chất lượng tôm nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Sử dụng chế phẩm sinh học và cỏ năn để nuôi tôm

Nhiều nông dân xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang vừa thu hoạch vụ tôm nuôi nước lợ luân canh trên nền đất lúa với niềm vui trúng mùa. Đây là kết quả của Dự án “Xây dựng mô hình cải thiện đất nhiễm mặn trong mô hình canh tác tôm - lúa” do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân của ba ấp Xẻo Quao, 9A và ấp 10 Biển cùng tổ chức thực hiện từ năm 2022.

Theo TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, thời gian gần đây nông dân trong vùng dự án gieo lúa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm hầu hết đều bị thất bại. Nguyên nhân do việc đưa nước mặn vào để nuôi tôm, cua lâu ngày làm cho đất bị nhiễm mặn nặng, đến lúc gieo sạ lúa việc rửa mặn chưa triệt để, dẫn đến lúa kém phát triển. Trong khi cây lúa đóng vai trò rất quan trọng, là bộ lọc sinh học cải tạo môi trường nuôi tôm hiệu quả. 

Tham gia dự án, nông dân được tập huấn nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất hiệu quả vào mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hỗ trợ phát triển mô hình tôm - lúa bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học, gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để cải tạo đất, nông dân sẽ trồng cây cỏ năng tượng (chịu mặn tốt hơn để thay cho cây lúa) kết hợp nuôi tôm sú ứng dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến bằng chế phẩm sinh học.

Quá trình sản xuất, nông dân sử dụng phân bón hữu cơ và phân lân (dự án hỗ trợ) để cải tạo đất nhiễm mặn, trồng cỏ năn tượng để xử lý các chất cặn bã còn tồn dư trong đất. Ứng dụng chế phẩm sinh học tự ủ để gây màu nước nhằm ổn định môi trường và cung cấp nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm.

Theo đánh giá của bà con nông dân, khi sử dụng chế phẩm sinh học các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi tương đối ổn định, ít biến động. Tôm nuôi mau lớn, sau 3 tháng thả nuôi trung bình đạt trọng lượng từ 30 - 35 con/kg, năng suất đạt trên 400 kg/ha.

Năm nay giá tôm giảm còn khoảng 175.000 - 180.000 đồng/kg nhưng trung bình mỗi ha vẫn đạt doanh thu hơn 70 triệu đồng, nông dân thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, TS Lê Văn Dũng đánh giá, thông qua dự án người dân nắm vững kỹ thuật nuôi nên nâng cao được năng suất, chất lượng tôm nuôi cũng được nâng lên do không sử dụng kháng sinh, các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, thay vào đó là ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi. Sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Tạo được sự gắn kết giữa nông dân trong quản lý cộng đồng, người dân có trách nhiệm đối với đối tượng canh tác của mình. Từ đó, hình thành vùng sản xuất tập trung, sản phẩm làm ra có số lượng lớn, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường trong nước cũng như chế biến xuất khẩu.

Nông dân huyện An Minh kiểm tra chất lượng nguồn nước trong quá trình nuôi tôm, kịp thời phòng chống dịch bệnh khi môi trường có biến động mạnh. Ảnh: Văn Vũ.

Nông dân huyện An Minh kiểm tra chất lượng nguồn nước trong quá trình nuôi tôm, kịp thời phòng chống dịch bệnh khi môi trường có biến động mạnh. Ảnh: Văn Vũ.

Tiêu chuẩn hóa chất lượng tôm nuôi

Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, để quản lý, nâng cao chất lượng tôm nuôi, ngành thủy sản luôn khuyến khích, hướng dẫn các cơ sở, hộ dân thực hiện nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường.

Hướng dẫn kỹ thuật giảm thiểu tồn dư thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh từ nuôi thâm canh tôm. Tiếp cận và ứng dụng tiêu chuẩn, quy chế truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã số, mã vạch đối với các sản phẩm tôm nuôi, vùng nuôi.

Thực hiện công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ tại các huyện, thành phố và kiểm tra duy trì điều kiện, chất lượng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Đến nay đã cấp được 27.485 Giấy xác nhận mã số vùng nuôi thủy sản (đạt gần 80%), các cơ sở còn lại đang được các địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, vận động đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nhiều cơ sở nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều cơ sở nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Trung Chánh.

Chi cục Thủy sản Kiên Giang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn phòng bệnh trên thủy sản tại các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Giang Thành. Phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện tổ chức 8 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, hướng dẫn cho người nuôi trồng thủy sản.

Nội dung các buổi tập huấn bám sát yêu cầu về các quy định mang tính bắt buộc đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản. Đồng thời hướng dẫn các vấn đề liên quan quan trọng sản xuất sản phẩm thủy sản, giúp cho người sản xuất nắm vững kỹ thuật và chấp hành tốt các quy định của nhà nước. Có 5 cuộc tọa đàm về sản xuất vụ tôm nước lợ năm 2023, với sự tham dự của hàng trăm nông dân tại huyện An Minh, Hòn Đất, An Biên, U Minh Thượng và Gò Quao.

Chi cục Thủy sản tính Kiên Giang còn thường xuyên tổ chức và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều đợt khảo sát tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng nuôi luân canh tôm - lúa các huyện vùng U Minh Thượng nhằm đẩy nhanh tiến độ thả giống. Khảo sát và nắm tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm. 

Tiêu chuẩn hóa nuôi tôm nước lợ giúp tăng chất lượng tôm nuôi, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Ảnh: Văn Vũ.

Tiêu chuẩn hóa nuôi tôm nước lợ giúp tăng chất lượng tôm nuôi, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Ảnh: Văn Vũ.

Thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi diễn biến tình hình phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là dịch bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên. Hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch, phối hợp phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trên tôm nuôi. Đồng thời, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tôm nuôi tại các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL để cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người nuôi kịp thời phòng, trị.

Cụ thể, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh khảo sát thực tế tình hình dịch bệnh gây thiệt hại tôm nuôi trên địa bàn huyện An Minh, qua đó đề xuất biện pháp ứng phó hiệu quả. Qua ghi nhận, hiện nay dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ chủ yếu là bệnh virus đốm trắng liên tục xảy ra, chưa có dấu hiệu suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản. Tiến hành khảo sát, thu thập thông tin hoạt động sản xuất và kinh doanh vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Thực hiện thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện trọng điểm nuôi tôm như huyện Gò Quao, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Kiên Giang tăng và ước đạt 274.600ha. Trong đó, tôm nước lợ đã thả nuôi được 133.200ha, gồm nuôi luân canh tôm - lúa 106.000ha, nuôi tôm công nghiệp 2.400ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến. Có nhiều diện tích thả nuôi áp dụng các quy chuẩn và được cấp chứng nhận, như tôm sinh thái, tôm VietGAP… nâng cao chất lượng.

Nông dân đã thu hoạch tôm nuôi nước lợ sản lượng ước đạt hơn 58.000 tấn, đóng góp sản lượng nhiều nhất là tôm - lúa với trên 34.500 tấn, tôm nuôi công nghiệp gần 18.600 tấn, tôm nuôi quảng canh cải tiến hơn 5.000 tấn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.