| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng khâu tiêu thụ trong sản xuất lúa VietGAP

Thứ Tư 24/11/2021 , 11:22 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy giúp tăng năng suất, tăng thu nhập nhưng vẫn còn lo về liên kết tiêu thụ.

Giá trị tăng

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng vừa nghiệm thu mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy.

Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa nếp xoắn Tân Trào theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Minh Phúc.

Mô hình có 180 hộ sản xuất từ tháng 6 đến tháng 12/2021 tại cánh đồng Đượng, thôn Kim Sơn, xã Tân Trào với quy mô 12ha.

Nông dân tham gia mô hình được nhận sự hỗ trợ 50% vật tư (gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và 100% chi phí chứng nhận VietGAP.

Được tập huấn kỹ thuật ngay từ đầu vụ về chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng thời, được tư vấn công nghệ sau thu hoạch về chế biến, đóng gói, kết nối thương mại trên thị trường để nâng giá trị gia tăng sản phẩm.

Kết quả đánh giá sơ bộ, về năng suất trung bình mô hình đã đạt 47,6 tạ/ha, sản lượng đạt 57,12 tấn, giá trị đạt 71.400.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 20.030.000 đồng/ha.

Sản xuất theo quy trình VietGAP giúp thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân tham gia và nông dân trong và xung quanh vùng xây dựng mô hình.

Mặt khác, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần khắc phục hiện tượng bỏ ruộng hoang, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn do giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phát triển ổn định bền vững.

Nông dân được hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận VietGAP. Ảnh: Minh Phúc.

Nông dân được hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận VietGAP. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Đoàn Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, giống nếp xoắn Tân Trào được sản xuất hơn 30 năm nay tại địa phương, có ưu điểm là giống lúa chất lượng, gạo ngon, có mùi thơm đặc trưng, hạt gạo tròn, đều và có khả năng làm thương mại rất cao.

Quá trình khảo nghiệm, từ khâu giống, sản xuất, chăm bón đến phòng trừ sâu bệnh được cán bộ khuyến nông và phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy thường xuyên về nắm tính hình và có ý kiến khuyến cáo kịp thời với nông dân.

“Hiệu quả của mô hình rất tốt, vừa được về năng suất vừa được về chất lượng, vừa được về môi trường lại giá cao. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ triển khai rộng rãi ra 4 thôn khác trong địa bàn xã để giúp người dân giảm sức lao động, nâng cao năng suất cũng như chất lượng lúa và góp phần đảm bảo môi trường trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, ông Đức chia sẻ.

Liên kết tiêu thụ còn lỏng lẻo

Việc xây dựng thành công mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, cung cấp thêm cho xã hội một sản phẩm mới có giá trị.

Mặt khác, việc ứng dụng thiết bị không người lái trong phòng trừ sâu bệnh hại là tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng và nhân rộng ra các vùng sản xuất lúa để hạn chế công lao động.

Nếp xoắn Tân Trào được sản xuất hơn 30 năm nay tại địa phương, có ưu điểm là giống lúa chất lượng, gạo ngon, có mùi thơm đặc trưng, hạt gạo tròn, đều và có khả năng làm thương mại rất cao. Ảnh: Minh Phúc.

Nếp xoắn Tân Trào được sản xuất hơn 30 năm nay tại địa phương, có ưu điểm là giống lúa chất lượng, gạo ngon, có mùi thơm đặc trưng, hạt gạo tròn, đều và có khả năng làm thương mại rất cao. Ảnh: Minh Phúc.

Qúa đó, đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập cho nông dân, sau khi trừ chi phí trong một vụ sản xuất cho lãi thuần 21.272.000 đồng/ha, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng góp phần sản xuất phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mô hình, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân cũng đã được quan tâm, trên thực tế ngành nông nghiệp đã giới thiệu và đơn vị thu mua cũng đã có hợp đồng cam kết thu mua lúa, gạo cho các hộ dân tham gia mô hình thông qua Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tân Trào.

Việc này, đã giúp nông dân phần nào yên tâm sản xuất, giải quyết được phần nào đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do nhiều lý do khách quan mà hợp đồng liên kết giữa các bên thực hiện chưa chặt chẽ, khiến việc mua bán diễn ra chưa đạt được như kỳ vọng, người dân vẫn “tuồn” sản phẩm ra ngoài thị trường.

Ông Vũ Bá Quyết, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, cho biết, hợp tác xã có liên kết tiêu thụ sản phẩm với vài đơn vị, nhưng nhìn chung lượng gạo mà hợp tác xã cung ứng ra thị trường theo hợp đồng chưa thành công mỹ mãn.

Thứ nhất, vùng nguyên liệu 45ha này chưa đủ nguyên liệu để cung cấp cho các hợp đồng lớn trên thị trường, thứ 2 là do các hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, cụ thể về pháp lý nên khi có tư thương mua với giá cao thì nông dân vẫn phá hợp đồng và bán ra ngoài

Dù đã có các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nhưng nông dân vẫn sẵn sàng 'xé rào' bán cho thương lái nếu được giá. Ảnh: Minh Phúc.

Dù đã có các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nhưng nông dân vẫn sẵn sàng "xé rào" bán cho thương lái nếu được giá. Ảnh: Minh Phúc.

“Trên thực tế, sản lượng lúa bán theo các hợp đồng liên kết chưa được 50% theo cam kết. Chúng tôi cũng đã nhiều lần bị doanh nghiệp oán thán về vấn đề này, dù không ai phạt ai được nhưng niềm tin cũng vơi dần”, ông Quyết bộc bạch.

Đồng tình với thực tế này, ông Vũ Đức Hạnh – Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cũng khẳng định: “Chuỗi liên kết rất lỏng lẻo, ký với dân hầu như không có ràng buộc pháp lý nào, nên hợp tác xã dù đã có bao bì, nhãn mác, được chứng nhận VietGHAP và ký hợp đồng bao tiêu với một số đơn vị cung cấp gạo nhưng khi vào vụ, các đơn vị không thể thu mua sản phẩm do người dân đã bán cho thương lái với giá cao hơn”.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã có đề nghị UBND TP. Hải Phòng, Sở Nông nghiệp PTNT, UBND các quận huyện tiếp tục hỗ trợ mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa chất lượng cao, đặc biệt là ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Mặt khác, tiếp tục quan tâm hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, xây dựng nhà xưởng, nhà sơ chế, đóng gói,… gắn với liên kết tiêu thụ sản phầm để nông dân yên tâm sản xuất.

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ sản xuất thêm các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất góp phần phục vụ công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, điểm khác biệt nổi bật so với quy trình cũ là xã viên tham gia mô hình được tập huấn về quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, có phân tích đất, nước, thực hiện theo quy trình trồng, biết cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, làm cơ sở đảm bảo an toàn cho sản phẩm đầu ra.

Trong quá trình thực hiện quy trình, các hộ thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký về mua và sử dụng phân bón, mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhật ký sản xuất hàng ngày, nhật ký thu hoạch. Kết quả phân tích quả tại Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1, lúa nếp xoắn Tân Trào đảm bảo an toàn tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo QCVN 03-MT:2015/BTNMT; QCVN 08-MT:2015/BTNMT; QCVN 8-2:2011/BYT; thông tư 50/2016/TT-BYT.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.