Từ Quy định chống phá rừng châu Âu đến một ngành nông nghiệp trách nhiệm
Nhận định Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) là cơ hội cũng là thách thức lớn, Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan đã bắt đầu đưa ra kế hoạch hành động cụ thể cho ngành nông nghiệp nhằm hưởng ứng và đáp ứng quy định này.
Quỳnh Anh | 10:31 05/07/2023
Nhìn từ Quy định Chống phá rừng châu Âu đến một ngành nông nghiệp trách nhiệm
MC 1
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp”.
Thưa quý vị và bà con, theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc - FAO, trong giai đoạn từ năm 1990 - 2020, 420 triệu ha rừng trên toàn cầu - một diện tích lớn hơn cả Liên minh châu Âu - đã biến mất. Và trong khoảng thời gian từ năm 2015-2017, lượng tiêu thụ của EU với các sản phẩm dầu cọ, đậu nành hay các sản phẩm từ rừng, cacao và cà phê, đã dẫn đến sự suy thoái của 190.000 ha rừng mỗi năm. Thực trạng này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới, các tổ chức cho tới từng cá nhân cần sớm có những hành động thiết thực để cứu lấy “lá phổi xanh” của trái đất. Và để giảm thiểu đóng góp của EU vào nạn phá rừng và suy thoái rừng trên phạm vi toàn cầu, ngày 16/5 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Nhận định đây là cơ hội cũng là thách thức lớn, Bộ NN-PTNT Việt Nam và các đơn vị liên quan đã bắt đầu đưa ra kế hoạch hành động cụ thể cho ngành nông nghiệp nhằm hưởng ứng và đáp ứng quy định này.
MC 2:
Thưa quý vị, theo số liệu được các tổ chức quốc tế đưa ra, 90% sự phá rừng trên toàn cầu gây ra bởi ngành nông nghiệp. Là thị trường tiêu thụ số lượng lớn nông sản mỗi năm, Liên minh Châu Âu nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong vấn đề này. Đó là lý do Quy định nhằm chống lại nạn phá rừng được thông qua. Theo Quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
Do đó, chúng ta cần sớm có phương án chủ động thích ứng và sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn này của EU bởi đây là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định vị thế và uy tín trên thị trường quốc tế, đồng thời có thể cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Để tiếp tục giữ vững thị phần và khả năng cạnh tranh tại thị trường EU, các doanh nghiệp cần tuân thủ tiêu chuẩn bền vững đã được đưa ra. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp và triển khai đồng bộ các phương pháp sản xuất bền vững. Các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ phải thiết lập hệ thống dữ liệu ở nhiều cấp để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm từ các nguồn gốc bền vững, không gây suy thoái rừng. Với những yêu cầu này, dễ thấy, chi phí sản xuất sẽ cao hơn và có thể ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhận thức rõ cơ hội và thách thức lần này, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức IDH gợi ý về lộ trình thực hiện với người sản xuất nông sản ở nước ta.
Băng 1 bà Trần Quỳnh Chi
Quy định về chống phá rừng của EU được ban hành là một chính sách quan trọng nhằm góp phần giảm tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, phát thải khí nhà kính và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu. Việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà đây còn là cơ hội để nước ta đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh. Vì lẽ đó, Kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng EUDR đã được đưa ra. Từ đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cũng có những chia sẻ với người sản xuất về nội dung này.
Băng 2 – ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
MC 2:
Vâng thưa quý vị, là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, ủng hộ và đáp ứng quy định này thể hiện tinh thần của Việt Nam với vấn đề bảo vệ môi trường. Nhằm mục đích chia sẻ các thông tin tổng quan trong Quy định mới của EU về sản phẩm không gây mất rừng, các cơ hội và thách thức mà Quy định mới có thể mang đến cho nông sản Việt Nam, đồng thời, đưa ra các đề xuất về giải pháp hỗ trợ ngành đáp ứng các quy định mới trong thời hạn chuẩn bị 18-24 tháng do EU đặt ra, Bộ NN-PTNT phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Tổ chức IDH vừa tổ chức Hội nghị "Sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu". Chính tại Hội nghị này, bằng quyết tâm cao nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích ứng và sẵn sàng đồng hành cùng Liên minh châu Âu thực hiện các chính sách thiết thực về bảo vệ rừng và rộng hơn là bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống.
Băng Bộ trưởng Lê Minh Hoan
MC 1:
Thưa quý vị và bà con, Nông nghiệp Việt Nam đã có nền tảng hợp tác đa bên để thúc đẩy phát triển bền vững trong nhiều năm qua. Và sự ra đời của quy định EUDR sẽ là một cú hích quan trọng để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường như không phá rừng, phát thải thấp và sinh kế nông hộ. Bằng sự cầu thị, tinh thần trách nhiệm, sự ủng hộ và chủ động thích ứng cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và cả Liên minh châu Âu, Việt Nam đang bước tới gần hơn những giá trị của một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, một đất nước phát triển hòa hợp với thiên nhiên. Và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mong rằng khi Quy định Chống phá rừng châu Âu được thực thi, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong hưởng ứng.
MC 2:
Bây giờ, mời quý vị cùng đến với một số tin vắn về cách làm mới trong sản xuất, phát triển nông nghiệp.
MC 1
Thưa quý vị, loại hình chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay đã chứng minh hiệu quả tại nhiều địa phương trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, tạo thu nhập và sinh kế cho nhiều cộng đồng miền núi. Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, chi trả dịch vụ hệ sinh thái đã được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách thành công để quản lý tài nguyên thiên nhiên ở nhiều nước trên thế giới. Các chương trình này đã được áp dụng cho các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trên phạm vi quốc tế. Tổng số tiền chi trả hàng năm của các chương trình Chi trả dịch vụ hệ sinh thái trên toàn thế giới là trên 36 tỷ USD.
MC 2:
Chia sẻ tại Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" vừa diễn ra, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, nhận thức và hành động về tăng trưởng xanh hướng đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đã có sự thay đổi rõ rệt. Minh chứng là, năm 2017 khi bắt đầu thống kê nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh, Ngân hàng Nhà nước chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Tuy nhiên, đến nay, đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng.
MC 1:
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và hướng đến phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, khu vực công chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu. Để giải quyết bài toán này, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình “Tầm nhìn nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại!
Từ Quy định chống phá rừng châu Âu đến một ngành nông nghiệp trách nhiệm
Nhận định Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) là cơ hội cũng là thách thức lớn, Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan đã bắt đầu đưa ra kế hoạch hành động cụ thể cho ngành nông nghiệp nhằm hưởng ứng và đáp ứng quy định này.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.