Xuyên rừng ngập mặn, nghe bà con kể chuyện làm sinh kế dưới tán rừng
Sở hữu hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, người dân Cà Mau đã phát triển nhiều loại hình sinh kế, vừa bảo vệ rừng vừa nâng cao đời sống.
Kim Anh | 10:23 04/04/2024
Xuyên rừng ngập mặn, nghe bà con kể chuyện làm sinh kế dưới tán rừng
Xuyên rừng ngập mặn, nghe bà con kể chuyện làm sinh kế dưới tán rừng
MC 1: Thưa quý vị và bà con, tỉnh Cà Mau ngoài được biết đến là địa phương có sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước. Địa phương này còn có một hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn vô cùng phong phú đa dạng. Rừng nơi đây có một thảm thực vật rất phong phú, đa dạng, với nhiều loài cây như: đước, mắm, vẹt, bần, chà là… Trong đó, đước là loài cây chiếm đại đa số nên nhiều người còn gọi là rừng đước Cà Mau.
Tại đây, người dân địa phương đã phát triển nhiều loại hình sinh kế, vừa bảo vệ rừng vừa nâng cao đời sống, thu nhập cho gia đình bền vững. Đặc biệt là có thể khai thác giá trị từ rừng để làm du lịch. Tiếp tục cuộc hành trình khám phá vùng cực Nam Tổ quốc, phóng viên Kim Anh sẽ đưa quý vị đến với huyện Ngọc Hiển để nghe câu chuyện bám rừng của cư dân nơi đây.
MC 2:
Cách TP Cà Mau khoảng 75km, mất khoảng 2 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi đã đặt chân đến khu vực biên giới biển thuộc địa phận xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển. Những cánh rừng ngập mặn xanh thẳm, nối tiếp nhau hàng chục cây số như bức tường thành bảo vệ, che chở cho người dân nơi đây.
Hành trình đầu tiên, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Bùi Văn Sỉ, hộ dân thâm niên hơn 37 năm gắn bó với rừng ngập mặn nơi đây. Hiện ông Sỉ được giao khoán bảo vệ 7ha rừng ngập mặn và đang phát triển khá thành công mô hình sinh kế tôm – rừng.
Tỷ lệ rừng – tôm được ông Sỉ phân chia thành 6:4. Rừng trồng sau khoảng 10 – 15 năm, đúng tỷ lệ theo quy định, bà con có thể khai thác. Mang lại nguồn thu từ 100 – 120 triệu đồng/ha.
Thiên nhiên ưu đãi nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm phát triển, trung bình mỗi năm ông Sỉ thả nuôi 300.000 tôm sú giống, chia thành 3 đợt thả. Vài năm gần đây, lợi nhuận từ con cua mang lại khá cao, ông kết hợp thả xen thêm cua, sò huyết, vọp… để gia tăng giá trị kinh tế.
Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, với sự hỗ trợ của Tập đoàn thủy sản Minh Phú, việc nuôi tôm dưới tán rừng của bà con trở nên hiệu quả hơn nhờ được tập huấn kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng và quy hoạch lại việc trồng rừng…
Ông Sỉ tính toán, thu nhập hiện tại của gia đình được duy trì ổn định ở mức từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Vì gắn bó lâu năm, dường như bà con nơi đây cũng đã quen “tính nết” của các loài thủy sản. Chỉ cần đảm bảo nguồn nước tốt, tôm nuôi tự nhiên lớn. Đặc biệt, với quy mô nuôi lớn, ông Sỉ xây dựng ao ương riêng khoảng 2.000m2 ngay trong vuông tôm. Sau quá trình ương dưỡng khoảng 20 ngày, đồng thời sên vét bùn ở ao nuôi thật sạch sau đó mới tiến hành thả giống.
Tuy nhiên, khi rừng bước vào giai đoạn khép tán (sau 4 – 5 năm trồng), lợi nhuận của bà con bắt đầu sụt giảm dần.
[Băng trao đổi giữa PV và ông Bùi Văn Sỉ]:
PV: Bây giờ để phát triển mô hình tôm rừng này, giá trị cao hơn, theo chú cần có thêm sự đầu tư, sự hỗ trợ như thế nào?
Bui Van Si: Cái đó là vấn đề bà con Ngọc Hiển này đang cần. Nếu như muốn cho rừng tôm phát triển, đương nhiên rồi, từ 10 năm trở lên của rừng bà con không đủ sống. Cho nên bây giờ phải có nhà nghiên cứu, nhà đầu tư nào cho dân tập huấn làm sao: bao nhiêu con tôm sống dưới tán rừng là được, mật độ đủ? Bao nhiêu rừng cùng một diện tích, ví dụ tôi 10 công đất mà trong đó 6 công rừng như vậy phù hợp với con tôm sống hay không? Cái thứ hai làm sao liên kết nhà tài trợ để hỗ trợ cho dân khi trồng rừng từ 5 tuổi là rừng khép tán như ban quản lý quy định phải có hỗ trợ làm sao để bà con sống được thì rừng mới sống được. Bởi vì bà con của huyện Ngọc Hiển sống về rừng với tôm mà cây đã lớn rồi thì con tôm bị thiệt hại, nếu không có nhà tài trợ hỗ trợ người dân sống không nổi thì làm sao rừng sống nổi.
Toàn xã Viên An Đông có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 14.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm khoảng 60% tổng diện tích nuôi, với 2.200 hộ cùng tham gia phát triển mô hình tôm – rừng. Ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bộc bạch.
[Bang NGUYEN MINH TRI]: “Ban đầu bà con nuôi theo cách dân gian, tự sinh sản. Gần đây bà con áp dụng nuôi thả giống xuống nuôi. Ban đầu kinh nghiệm nuôi chưa đầy đủ, gần đây bà con có cách nuôi khách, áp dụng khoa học kỹ thuật, vèo con tôm theo 2 giai đoạn sau đó thả ra môi trường nuôi. Kết hợp với nuôi dưới tán rừng bà con có thu nhập cao”.
Huyện Ngọc Hiển có diện tích rừng ngập mặn trên 33.000ha, trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi đang quản lý trên 23.800ha. Thời gian qua, các loại hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng trên địa bàn huyện rất phát triển. Bà con vừa phát triển kinh tế, vừa đồng hành cùng với chính quyền địa phương quản lý, khôi phục và phát triển rừng. Ông Tạ Minh Mẫn, chuyên viên Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi cho biết:
[Băng TA MINH MAN]: “Các hộ dân ở đây rất có ý thức trong vấn đề cùng với Ban quản lý khôi phục và phát triển rừng. Đặc biệt trong những năm gần đây được các chương trình dự án của các tổ chức cũng như ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho hộ dân để trồng và khôi phục rừng do đó ý thức người dân được nâng lên”.
Ngoài phát triển sinh kế từ nuôi trồng thủy sản, huyện Ngọc Hiển cũng “bắt trend” du lịch dưới tán rừng, tạo ra những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách như: tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; điểm du lịch sinh thái cộng đồng Dân 3 Khía hay các hoạt động phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách thưởng ngoạn. Bên cạnh đó là bố trí các nhà dừng chân, khu vực bãi bồi để du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương.
Để du lịch dưới tán rừng thật sự trở thành loại hình thế mạnh cho tỉnh Cà Mau nói riêng và các địa phương có rừng nói chung, TS Huỳnh Văn Đà, Phó trưởng khoa Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ góp ý.
[Băng HUYNH VAN DA]: “Mô hình kinh doanh du lịch dưới tán rừng ví dụ như ở Cà Mau đó là mô hình đúng, nhưng vấn đề là mình phải có làm sao để có cơ chế ưu đãi hơn để người dân có thể tiếp cận nguồn lực tốt hơn gia tăng quy mô của các hoạt động du lịch. Ở Cà Mau hiện nay kinh doanh chủ yếu dựa vào tiềm lực gia đình do đó nguồn lực rất hạn chế, chúng ta phải liên kết làm ăn lớn. Có hỗ trợ tốt hơn, các nguồn lực tốt hơn như vậy mới hỗ trợ được việc phát triển du lịch dưới tán rừng bền vững, lâu dài”.
MC1: Vâng thưa quý vị và bà con, ứng dụng và phát triển loại hình du lịch dưới tán rừng cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào chương trình hành động trong chiến lược đa giá trị kinh kế rừng. Trong câu chuyện ngày hôm any, rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau với quy mô trên 63.000ha, trải dài từ tuyến ven biển xã Khánh Tiến, huyện U Minh đến các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, Ðầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển là điều kiện lý tưởng để thực hiện chủ chương đa giá trị kinh tế rừng.
MC2: Bây giờ mời quý vị và bà con cũng theo dõi một số tin tức về hoạt động lâm nghiệp diễn ra trên địa bàn cả nước:
MC1: Thưa quý vị và bà con, trước thực trạng rừng tự nhiên ở Bắc Giang bị chặt phá với diện tích lớn như vừa qua, Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thường xuyên bám rừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường lực lượng về cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn chặn tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý công chức Kiểm lâm thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ vi phạm trên địa bàn được giao quản lý, phụ trách.
MC2: Hiện nay, toàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 20 vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Các vườn ươm xuất bán nhiều loại giống cây: mỡ, keo, quế, hồi, sưa, lát, thông, tông dù, xoan ta... cho người dân phát triển kinh tế rừng, trồng rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng, bình quân trên địa bàn tỉnh trồng khoảng 1.500 ha rừng/năm, nhu cầu cây giống khoảng 3 - 3,5 triệu cây/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc quản lý các vườn ươm nhỏ, lẻ tại địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Nhiều vườn ươm hoạt động tự phát hoặc hoạt động theo thời vụ, chỉ sản xuất vào các thời điểm thị trường cây giống có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, không ít chủ vườn chưa nắm rõ các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định.
MC1: Với hoạt động chia trả giảm phát thải, Quảng Bình hiện có hơn 590.000 ha rừng, trong đó khoảng 469.000ha rừng tự nhiên. Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Bình được phân bổ từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên hơn 235 tỷ đồng. Đến nay, quỹ bảo vệ, quản lý rừng đã thực hiện chi trả 68 tỷ đồng cho các đối tượng được hưởng lợi. Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho biết, Quảng Bình sẽ mở rộng đối tượng rừng, đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Phát triển lâm nghiệp hôm nay, Nông nghiệp radio xin cảm ơn quý vị đã để tâm theo dõi;
Xuyên rừng ngập mặn, nghe bà con kể chuyện làm sinh kế dưới tán rừng
Sở hữu hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, người dân Cà Mau đã phát triển nhiều loại hình sinh kế, vừa bảo vệ rừng vừa nâng cao đời sống.
Kim Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Người Bana tại nhiều ngôi làng của tỉnh Kon Tum đã cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các giá trị bản địa.
Đây cũng mở ra cơ hội lớn giúp nâng cao giá trị và thương hiệu của giống bưởi Soi Hà, loại bưởi đặc sản thơm ngon số 1 xứ Tuyên.