4 trọng điểm kêu gọi đầu tư cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL

Việc tăng cường hoạt động của Nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Kim Anh  | 

4 trọng điểm kêu gọi đầu tư cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL

Tự động

4 trọng điểm kêu gọi đầu tư cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL

MC 1:

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio trong chương trình Đầu tư nông nghiệp.

Thưa quý vị và bà con, vào tháng năm ngoái, Bộ NN-PTNT đã công bố quyết định thành lập Nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Nhằm hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi hệ thống lương thực trở thành một hệ thống minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, giảm phát thải và thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó có Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hectachuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao). Việc tăng cường hoạt động của Nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo. Sau đây, PV Nông nghiệp radio sẽ gửi đến quý vị những thông tin mới nhất về hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư từ Nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo phục vụ đắc lực cho Đề án.

MC 2:

Thưa quý vị, ngay thời điểm này, khi mà 12 tỉnh, thành ở ĐBSCL nằm trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang gấp rút triển khai các hoạt động liên quan. Việc kêu gọi hỗ trợ, đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua nhóm công tác Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc.

Để có những định hướng lớn cho các doanh nghiệp, đối tác xem xét và xác định khả năng tham gia, đầu tư vào một số khâu trọng điểm trong đề án. Mới đây, tại Hội thảo hợp tác công tư phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đưa ra 4 vấn đề kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Trước nhất là những khó khăn cần được giải quyết hiệu quả là tưới ngập khô xen kẽ và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

[Băng TRAN THANH NAM 1]: “Hai điều mà chúng tôi khó nhất trong quá trình thực hiện là tưới khô xen kẽ. Bản chất của người nông dân chúng tôi là làm lúa phải có nước, quen rồi. Rất mong các doanh nghiệp cùng tham gia vào để đưa những công nghệ vào. Vấn đề thứ hai là rơm rạ, quan trọng là các bạn đưa công nghệ vào xử lý rơm để làm gì, làm nguyên liệu để phục vụ cho các ngành công nghiệp. Đó mới là mục đích của chúng tôi và chúng tôi kêu gọi các bạn vào làm nhà máy luôn. Tỉnh nào chúng tôi sẽ làm việc với tỉnh đó để cho các bạn đầu tư nhà máy”.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT ủng hộ, khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, đầu tư vào các HTX và lực lượng khuyến nông. Đây sẽ là hai chủ thể chính quyết định thành công của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ:

[Băng TRAN THANH NAM 2]: “Đầu tư cho HTX đó là đầu tư cho con người, cách quản lý và công nghệ quản lý. Lực lượng khuyến nông cộng đồng sẽ là những người đồng hành với người nông dân, HTX để đo đếm dưới cơ sở. Xây dựng các báo cáo MRV cho nên lực lượng này chúng tôi rất cần nâng cao trình độ và họ sẽ là người hướng dẫn quy trình canh tác, áp dụng những công nghệ mới. Đây là những lực lượng chủ chốt ở cơ sở chúng tôi rất quan tâm. Rất nhiều dư địa để doanh nghiệp có thể tham gia cùng chúng tôi”.

Cùng với tăng cường thu hút đầu tư công nghệ, kết nối đổi mới sáng tạo để hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm về cơ chế nguồn vốn tín dụng để tạo lực tham gia đề án. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đặt vấn đề:

[Băng PHAM THAI BINH]: “Nếu không có tiền thì không thể thực hiện được. Ví dụ như HTX và doanh nghiệp thực hiện những đề án này nó có gì. Gồm những cơ sở hạ tầng, cụ thể nhất máy sấy lúa, nông dân giao lúa tươi cho doanh nghiệp và HTX tại ruộng. Thế thì doanh nghiệp làm sao, doanh nghiệp phải có máy sấy lúa. Sấy lúa rồi để đâu, bây giờ không có công nhân lao động đâu mà đi đóng bao chất đống. Phải có silo chứa lúa. 2 cái đó bắt buộc phải có, rồi đến khi lúa chín thanh toán tiền lúa cho nông dân khi thu hoạch. Những cái đó, Ngân hàng NN-PTNT nên đồng hành một cách thực chất và nhanh chóng, tôi nghĩ đề án sẽ thành công”.

Tháng 5 năm ngoái, Bộ NN-PTNT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng NN-PTNT Agribank đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án.

Riêng đối với hoạt động cho vay ngành lúa gạo đang gặp khó do vướng về tài sản đảm bảo và việc liên kết giữa các nhà thu mua chưa đồng bộ. Khách hàng là thương lái khó xác định được giá cả vì thị trường thay đổi từng ngày. Do đó khi tiếp cận với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Agribank đang xây dựng một chương trình tín dụng ưu đãi riêng để cho vay đối với cá nhân hộ trồng lúa, THT, HTX và doanh nghiệp liên kết trong toàn chuỗi.  Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách Tín dụng Ngân hàng Agribank cho biết:

[Băng NGUYEN QUANG NGOC]: “Để chương trình đạt hiệu quả, nhanh chóng đi vào thực tế, Agribank kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm công bố danh mục vùng chuyên canh, các liên kết, các doanh nghiệp, HTX, HTH, cá nhân hộ trồng lúa đủ điều kiện tham gia liên kết để Agribank sớm tiếp cận, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn. UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL công bố định mức chi phí thực tế/hecta thực hiện các khâu trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định 1490 để Agribank có thể xác định mức cho vay”.

MC 1:

Vâng thưa quý vị và bà con, phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, ổn định lâu dài. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Đặc biệt, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Sự tham gia đồng bộ của cả khối công và tư sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng cho ngành lúa gạo, đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện, trở thành hình mẫu cho khu vực và Thế giới.

MC 2: bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn về lĩnh vực đầu tư nông nghiệp.

MC 1: tin 1

Thưa quý vị và bà con,

Vừa qua, tỉnh Nam Định có buổi làm việc với Đoàn công tác của Công ty Công nghệ sinh học Phú Gia (Đài Loan - Trung Quốc) về đề xuất đầu tư Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái tại địa bàn huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tại buổi làm việc, ông Trương Hồng Dương - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Phú Gia đề xuất đầu tư phát triển Dự án nông nghiệp công nghệ cao với quy mô sử dụng khoảng 10ha đất tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Giai đoạn đầu, Công ty sẽ đầu tư khoảng 20 triệu USD để tổ chức sản xuất nuôi trồng và chế biến các loại nấm organic, rau thủy sinh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế và tiêu thụ tại Việt Nam; đồng thời kết hợp sản xuất với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao. Công ty dự kiến sử dụng khoảng 500 công nhân, sau 6 tháng được giao đất sẽ hoàn thành đầu tư, sản xuất và có sản phẩm đầu ra.

MC 2: tin 2

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đến với Đắk Nông đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, luyện nhôm trên địa bàn. Theo đó, Đắk Nông xác định ba đột phá phát triển của tỉnh gắn với xác định cụ thể các dự án ưu tiên đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng hàng đầu để tỉnh Đắk Nông triển khai công tác xúc tiến, thu hút và hợp tác đầu tư. Tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là lĩnh vực đang được tỉnh xác định là trọng tâm để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp Đắk Nông.

MC 1: tin 3

Quý I/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp. Đó là dự án đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt theo hướng an toàn sinh học của tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, quy mô nuôi duy trì 200 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt/năm. Dự án đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân An, huyện Văn Bàn, quy mô nuôi duy trì 30.000 con lợn thịt/lứa (trung bình 2 lứa/năm). Dự án Nhà máy sản xuất sợi dệt và tinh bột chuối tại thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, gồm xưởng chế biến tinh bột quả chuối, công suất 5.400 tấn/năm và xưởng thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối với công suất 30.000 cọc sợi. Ngoài ra còn có 10 dự án đang được các đơn vị đề xuất đầu tư, xin nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình Đầu tư nông nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

4 trọng điểm kêu gọi đầu tư cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao ĐBSCL

Việc tăng cường hoạt động của Nhóm công tác đối tác công tư ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Kim Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Tiếng ve trưa nơi Thành cổ...
Phóng sự

Thành cổ Quảng Trị là nơi ta có thể chiêm nghiệm về những giá trị đúng đắn của con người giữa sự sống và cái chết, giữa hòa bình với chiến tranh.

Tiếng ve trưa nơi Thành cổ...
Tiếng thông reo trên đồi Bến Tắt
Phóng sự

Sự hi sinh này có lời nào diễn tả, sự vĩ đại của Trường Sơn huyện thoại có màu nào tô tỏ. Chỉ có nuốt vào trong lòng và cảm nhận bằng lương tri.

Tiếng thông reo trên đồi Bến Tắt