5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai
5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai; Trao chứng nhận đầu tiên về ứng dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật; Xử lý triệt để dịch tả lợn châu Phi.
Quỳnh Anh | 10:32 30/09/2024
5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai
BẢN TIN NÔNG NGHIỆP TUẦN QUA
SỐ – 123 –
Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh
Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO
Đồ họa: Khánh Thiện
MC1: Tùng Sơn
MC2: Anh Quỳnh
Nhạc hiệu (25 giây)
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- 5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai
- Cần kiến nghị những nội dung quan trọng tạo đột phá phát triển
- Trao chứng nhận đầu tiên về ứng dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật
- Bình Định xử lý hơn 200 vụ vi phạm khai thác IUU trong gần 1 năm
- Giá bò xuống thấp, nông dân ngại tái đàn
- Huy động mọi nguồn lực xử lý triệt để ổ dịch tả lợn châu Phi
- Tuyên Quang hướng dẫn xử lý rừng bị đổ gãy do mưa bão
- Sinh kế bền vững từ trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo
Sau đây là nội dung chi tiết:
- 5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai
Thưa quý vị và bà con, tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố về sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 diễn ra trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng để làm tốt hơn khi xảy ra tình huống thiên tai phức tạp: Thứ nhất, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa. Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước. Thứ ba, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết. Thứ tư, các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Thứ năm, coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
- Cần kiến nghị những nội dung quan trọng tạo đột phá phát triển
Cũng trong tuàn qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Tổ trưởng Tổ công tác 435 của Chính phủ họp trực tuyến với 3 tỉnh An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. Lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng đề nghị 3 tỉnh cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ liên quan để tăng tốc xử lý vấn đề, tránh dây dưa. Bộ trưởng khuyến cáo, nguồn ngân sách Trung ương có hạn, địa phương chỉ nên kiến nghị những nội dung cấp bách, có ý nghĩa quan trọng với người dân, hoặc tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Với những chương trình đã được phê duyệt, địa phương cần tăng tốc thực hiện.
- Trao chứng nhận đầu tiên về ứng dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật
Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam vừa tổ chức khoá tập huấn Vận hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái - Drone cho 30 cán bộ đến từ 14 tổ chức. Đây là chương trình tập huấn và cấp chứng nhận đầu tiên dành cho các cán bộ thực hiện khảo nghiệm thuốc BVTV. Khi so sánh với phương pháp phun thủ công bằng bình đeo vai, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước sử dụng, giảm chi phí khoảng 50% trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương và tốc độ phun nhanh hơn 30 lần.
- Bình Định xử lý hơn 200 vụ vi phạm khai thác IUU trong gần 1 năm
Từ ngày 1/10/2023 đến 20/9/2024, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định đã tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 200 vụ, gần 230 đối tượng vi phạm quy định về khai thác IUU với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu gồm: ngắt kết nối thiết bị VMS; tự ý tháo gỡ thiết bị VMS; vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển; các hành vi vi phạm khác... Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành xác minh, xử lý vi phạm quy định về vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá của tỉnh do Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh làm tổ trưởng để tập trung xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm liên quan đến VMS.
- Giá bò xuống thấp, nông dân ngại tái đàn
Hơn ba năm qua, giá thu mua bò thịt, bò con tại Bến Tre xuống thấp. Cụ thể, theo người dân địa phương, trước đây nếu nuôi bò sinh sản mỗi năm sẽ đẻ 1 bò con, sau 6 tháng bò đực con sẽ bán được trên 20 triệu đồng, bò cái có giá từ 15-17 triệu đồng. Hiện nay, giá bò giảm sâu, bò đực con có giá 12-14 triệu đồng, bò cái con 8-10 triệu đồng. Cùng với đó giá bò thịt thương phẩm giảm, sau 2 năm nuôi vỗ béo giá chỉ khoảng 42-45 triệu đồng, trước đây có giá từ 50-55 triệu đồng. Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết, con bò là vật nuôi “giảm nghèo” cho các hộ nông dân trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay giá thấp khiến người dân e ngại tái đàn, tăng đàn. Hiện ngành chức năng tỉnh khuyến khích các hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết doanh nghiệp tiêu thụ để tìm đầu ra ổn định.
- Huy động mọi nguồn lực xử lý triệt để ổ dịch tả lợn châu Phi
Trên dịa bàn huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh vừa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn của một hộ chăn nuôi khiến 22 con mắc bệnh, trong đó có 4 con đã chết. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Phòng NN-PTNT huyện đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn theo quy định và tiến hành các biện pháp vệ sinh khử trùng chuồng trại cũng như môi trường xung quanh. Đồng thời, thống kê mật độ chăn nuôi trong khu vực xung quanh ổ dịch và trao đổi với cơ quan chuyên môn của tỉnh để có hướng xử lý kịp thời. UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu UBND huyện Cầu Ngang huy động mọi nguồn lực để xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lan rộng, gây thiệt hại lớn.
-
Tuyên Quang hướng dẫn xử lý rừng bị đổ gãy do mưa bão
Do mưa bão kéo dài, tỉnh Tuyên Quang ghi nhận có hơn 900ha rừng bị đổ gãy, thiệt hại. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp xử lý. Cụ thể, đối với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng do chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu. Sau khi khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi thời tiết thuận lợi. Đối với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng thì các tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại, ước tính giá trị lâm sản tận thu; phương thức, điều kiện khai thác, tận thu; sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi thời tiết thuận lợi.
- Sinh kế bền vững từ trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo
Từ tháng 4 năm ngoái, HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức đi vào sản xuất phôi nấm linh chi đỏ và tiến hành trồng 35.000 phôi nấm/ha rừng keo lai 3 năm tuổi. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, vườn nấm đã cho thu hoạch gần 850kg nấm tươi, tương đương khoảng 400kg nấm khô. Với giá bán hiện nay từ 700.000 - 800.000 đồng/kg, bình quân mỗi kg nấm khô thu lãi khoảng 500.000 đồng. Hiện nay, HTX đang đàm phán giá với các đối tác trong và ngoài nước để tìm chỗ đứng ổn định cho sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, HTX sẽ liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương khi tham gia mô hình này để giúp người dân huyện vùng sâu Krông Bông tìm được sinh kế bền vững.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, đối với Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, thu hoạch quan trọng nhất trong triển khai thí điểm đề án là nhận thức của người dân bước đầu đã thay đổi, tự nguyện tham gia thực hiện các quy trình canh tác bền vững. Cùng với đó, bước đầu Việt Nam đã đo được hệ số phát thải của lúa trên 50ha thí điểm. Trong vụ sản xuất sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo mở rộng diện tích thí điểm, tiến tới đo được hệ số phát thải carbon trên cây lúa. Do đó, tại buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh mục tiêu chính của đề án và đề nghị Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi - TCAF sớm ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải – ERPA (đọc “ơ -pa”) nhằm tạo động lực cho người dân tham gia.
Băng
Bảo Thắng
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai
5 bài học kinh nghiệm trong ứng phó thiên tai; Trao chứng nhận đầu tiên về ứng dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật; Xử lý triệt để dịch tả lợn châu Phi.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Quy mô chăn nuôi bò thịt giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng; Liên kết chuỗi là giải pháp để ngành tôm phát triển; Cấm đánh bắt thủy sản tại hồ Dầu Tiếng 30 ngày.
Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ đêm và sáng trời rét, ngày trời lạnh. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa lớn diện rộng.