Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/7/2024: Ia Mơ xảy ra tình trạng phá rừng trái phép
Tình trạng phá rừng trái phép tiếp diễn tại Ia Mơ; Xuất khẩu sản phẩm gỗ ‘lấy lại phong độ’; Chi dịch vụ môi trường rừng kịp thời giúp người dân ổn định sinh kế.
Quỳnh Anh | 16:13 16/07/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/7/2024: Ia Mơ xảy ra tình trạng phá rừng trái phép
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Xuất khẩu sản phẩm gỗ ‘lấy lại phong độ’
Thưa quý vị và bà con, Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đã phục hồi, lấy lại phong độ, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn là yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực trong nhữn tháng đầu năm nay. Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với trị giá xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao. Trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.
- Tình trạng phá rừng trái phép tiếp diễn tại Ia Mơ
Trong lĩnh vực thực thi pháp luật vềlâm nghiệp, theo Thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai: Đoàn Kiểm tra liên ngành số 2 thuộc Chi Cục Kiểm lâm vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, Đồn Biên phòng Ia Lốp, UBND xã Ia Mơ và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur tiến hành kiểm tra, xác minh vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 1008 và tiểu khu 1012, thuộc xã Ia Mơ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại 2 tiểu khu này có 183 cây gỗ bị cưa hạ. Tại hiện trường, cây rừng bị khai thác nằm rải rác, toàn bộ phần thân cây đã bị lấy đi, chỉ còn lại gốc, cành, ngọn, lá đã khô cũ. Thời gian cây rừng bị cưa hạ trái phép vào khoảng tháng 5-2024 và chưa xác định được đối tượng vi phạm.
-
Chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời giúp người dân ổn định sinh kế
Về nội dung chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đứng chân trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa được giao quản lý hơn 24.700ha rừng. Trong những năm qua, BQL phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Nét nổi bật là thực hiện tốt chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Việc chi trả kịp thời đã giúp nhiều hộ dân được tạo sinh kế, có nguồn thu nhập ổn định, từ đó khuyến khích Nhân dân tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Được biết, giai đoạn 2013-2023, BQL Khu BTTN Xuân Liên đã chi trả số tiền trên 22 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng cho cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng.
- Tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã hợp pháp
Với hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có 12 cơ sở nuôi động vật hoang dã, nuôi động vật rừng thông thường. Xác định việc siết chặt quản lý cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép là rất cần thiết. Nhằm giúp cho các cơ sở trên địa bàn thực hiện hoạt động gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo bộ phận pháp chế, cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn các cơ sở về thủ tục đăng ký gây nuôi; mở sổ theo dõi hoạt động gây nuôi, cách ghi chép, tổng hợp số liệu vào sổ. Đặc biệt, hướng dẫn cho các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở nuôi đối với việc gây nuôi các loài nguy cấp, quý, hiếm.
-
Đồng Nai có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon
Thưa quý vị, Theo dự thảo Đề án Thành lập thị trường carbon, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm các giai đoạn: thí điểm từ năm 2025-2027, vận hành chính thức từ năm 2028 và sau năm 2030. Các nhiệm vụ cụ thể phải làm là: hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; xây dựng hệ thống giao dịch và tổ chức, vận hành thị trường carbon; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thị trường carbon cho các đối tượng. Tại Đồng Nai, tính đến cuối năm 2023, tỉnh có hơn 170.000 hécta rừng, nếu tính cả đất lâm nghiệp chưa thành rừng thì diện tích lên đến hơn 181.000 hécta. Độ che phủ rừng đạt gần 29% và là địa phương dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về diện tích, độ che phủ rừng. Đây là điều kiện lý tưởng để khai thác tín chỉ carbon.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 16/7/2024: Ia Mơ xảy ra tình trạng phá rừng trái phép
Tình trạng phá rừng trái phép tiếp diễn tại Ia Mơ; Xuất khẩu sản phẩm gỗ ‘lấy lại phong độ’; Chi dịch vụ môi trường rừng kịp thời giúp người dân ổn định sinh kế.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.