Bản tin Lâm nghiệp ngày 11/7/2024: Hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất rừng
Hạn chế tối đa các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng; Xác định 5 khu vực cần ưu tiên bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Quỳnh Anh | 15:23 11/07/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 11/7/2024: Hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất rừng
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp
- Xác định 5 khu vực cần ưu tiên bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông
Thưa quý vị và bà con, Theo thông tin tại cuộc họp báo cáo kết quả điều tra bổ sung danh mục thực vật, các loài nguy cấp, quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị diễn ra mới đây, hoạt động khảo sát được thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024. Sau cuộc điều tra, 337 mẫu vật đã được thu thập cho Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Bên cạnh đó, nhóm dự án đã bổ sung 121 loài thực vật, nâng tổng số loài trong Danh lục thực vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông lên 1576 loài. Các đơn vị liên quan cũng cập nhật và đánh giá mức độ đe doạ của các loài thực vật, với tổng cộng 306 loài được ghi nhận trong các tài liệu, kết quả điều tra cho thấy có tới 136 loài thuộc diện quý hiếm, nguy cấp, đồng thời, xác định 5 khu vực cần ưu tiên bảo tồn.
-
Hạn chế tối đa các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng
Trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, Hà Nội có gần 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là gần 18.600ha, chiếm gần 6% tỷ lệ che phủ toàn thành phố. Tuy diện tích không lớn, song rừng ở Hà Nội được ví như vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Do đó, việc bảo vệ diện tích rừng hiện có là nhiệm vụ cấp thiết của mỗi người dân và các cấp chính quyền thành phố. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, giải pháp được đưa ra là hạn chế tối đa các dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Giải pháp này cũng phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, khi đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 5,67-6,2%.
- Những vụ cháy ở Tràm Chim được dập tắt kịp thời
Cũng liên quan tới lĩnh vực bảo vệ rừng, trong 6 tháng đầu năm, Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 7 vụ cháy gây thiệt hại trên 34ha. Nổi bật, vụ cháy dưới tán tràm và cháy đồng cỏ ngày 11/6/2024 làm thiệt hại trên 20ha. Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập cho biết: Những vụ cháy dưới tán rừng tràm, đồng cỏ khô, lớp thực bì ở Vườn quốc gia Tràm Chim đã được kiểm soát và dập tắt kịp thời nên giúp loại bỏ được thảm thực vật cũ, kích thích nảy mầm của nhiều loài cây. Từ đó góp phần phát triển hệ sinh thái, tái sinh hệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, kiểm soát sâu bệnh, dịch hại, loại bỏ những tác nhân gây dễ cháy như cành cây chết khô, lá khô… giúp giảm nguy cơ cháy lớn.
- Chợ Đồn phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, những năm qua, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kan đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, tập trung phát triển nghề chế biến lâm sản, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động. Thông qua thực hiện nhiều giải pháp, đến nay Chợ Đồn có tổng diện tích rừng trồng trên 14.000ha, chủ yếu là trồng cây mỡ, keo, quế. Toàn huyện hiện có trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chế biến, kinh doanh lâm sản, chủ yếu là cơ sở sản xuất ván bóc, băm dăm, vầu nứa, sản xuất giấy đế, đóng đồ mộc, đồ gia dụng, đũa gỗ... Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ phát triển ổn định.
-
Trồng 4.000 cây đước tại đầm Nha Phu
Với hoạt động trồng rừng, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tổ chức ra quân trồng rừng ngập mặn. Đây là hoạt động nhân Tháng hành động vì môi trường năm 2024. Theo đó, các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã cùng nhau tham gia trồng 4.000 cây đước tại đầm Nha Phu. Chương trình được thực hiện nhằm phục hồi hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường sống cho các loài sinh vật biển. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và hội viên phụ nữ đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 11/7/2024: Hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất rừng
Hạn chế tối đa các dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng; Xác định 5 khu vực cần ưu tiên bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Thu dịch vụ môi trường rừng năm 2024 ước đạt 3.700 tỷ đồng; Sắn Bình Định đạt năng suất cao nhưng giá thấp. Nông dân Cà Mau trúng mùa lúa trên đất nuôi tôm.
Từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bà con cần lưu ý vì ảnh hưởng từ bão số 10 có thể gây mưa lớn cục bộ, cùng với gió mạnh ở ven biển.