Tạo đà cho Vườn quốc gia phát triển du lịch
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, trong quan điểm tại Chiến lược Phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ: "... có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp".
"Việc hai bên có cùng quan điểm, mục tiêu về phát triển bền vững, ổn định sinh kế cho người dân, cùng hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau đã giúp chúng ta sớm đi đến các thỏa thuận", ông Bảo nói.
Theo đó, 3 lĩnh vực hợp tác chính được Cục Lâm nghiệp và Suntory PepsiCo Việt Nam cam kết, gồm: Trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa kết hợp với dược liệu gắn với cải thiện sinh kế người dân và hướng đến mục tiêu tăng khả năng hấp thụ và trung hòa carbon, bảo vệ môi trường, tài tạo nguồn nước.
Chương trình dự kiến trồng mới và làm giàu cho gần 250ha rừng, tại khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trên khắp cả nước. Đồng thời, thiết kế, triển khai Chương trình "Học kỳ Lâm nghiệp", tập trung vào việc mang đến những trải nghiệm về rừng nhằm giáo dục về nguồn nước, đa dạng sinh học và nuỗi dưỡng tình yêu với rừng cho học sinh, du khách.
Đặc biệt, chương trình sẽ thí điểm Sáng kiến "Hộ chiếu Vườn quốc gia". Đây là sáng kiến nhằm khuyến khích người dân, du khách tăng cường khám phá, trải nghiệm rừng và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ, phát triển rừng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của rừng.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai sáng kiến này, với mục tiêu tạo động lực cho du khách trải nghiệm, khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng, từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững, tạo đà cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Trong giai đoạn đầu, hộ chiếu vườn quốc gia được áp dụng tại 34 vườn quốc gia. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu hộ chiếu bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử. Ngoài ra, du khách sở hữu hộ chiếu sẽ có cơ hội nhận được các ưu đãi, giải thưởng, trong đó giải đặc biệt dành cho du khách trải nghiệm đủ 34 Vườn quốc gia của Việt Nam trong thời hạn 5 năm sẽ là 1 chuyến du lịch tới hang Sơn Đoòng.
Chia sẻ thêm về giá trị đa dụng của rừng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng cho biết, hệ sinh thái rừng cung cấp 4 yếu tố nền tảng. Đó là giá trị cung cấp (thức ăn, nguyên liệu, nước sạch), giá trị điều tiết (khí hậu, chất lượng không khí, kiểm soát xói mòn, hấp thụ carbon), giá trị hỗ trợ (thúc đẩy quá trình quang hợp của cây, chu trình dinh dưỡng của sinh vật) và giá trị văn hóa (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ).
Với tỷ lệ che phủ rừng hơn 42%, cao hơn mức bình quân của thế giới (31%) và diện tích rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng to lớn về khai thác các giá trị, như điều tiết dịch vụ hệ sinh thái khoảng 29.000 tỷ đồng, lưu trữ carbon từ 14.000 đến 18.000 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng hơn 3.500 tỷ đồng...
Hiện nay, khoảng 1/3 các khu rừng đặc dụng trên cả nước (tương đương 60-65 khu rừng) đã tổ chức du lịch sinh thái, mang về doanh thu hơn 300 tỷ đồng/năm. Đây cũng là hướng đi chính để các khu rừng đặc dụng đảm bảo nguồn thu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn để phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng và chế biến lâm sản trong giai đoạn 2021 - 2030 rất lớn (ước khoảng hơn 500.000 tỷ đồng).
Lời giải từ hợp tác công tư
Theo Cục trưởng Trần Quang Bảo, thời gian qua ngành lâm nghiệp đã chủ động đẩy mạnh xã hội hóa phát triển rừng. Khi mà yêu cầu về phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng ngày càng tăng, hợp tác công tư là một giải pháp.
"Đây là một kênh bổ sung nguồn lực, cũng như tối ưu hóa hiệu quả quá trình đầu tư, đảm bảo hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các bên. Cùng nhau, chúng ta sẽ đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ, hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư", ông Bảo chia sẻ.
Trong 6 giải pháp phát huy giá trị đa dụng của rừng, Cục trưởng tập trung vào tổ chức liên kết sản phẩm theo chuỗi. Một trong số đó là hợp tác với Suntory PepsiCo Việt Nam. "Chúng tôi ghi nhận sự đóng góp tích cực của Suntory PepsiCo Việt Nam vào các chương trình phát triển bền vững. Hy vọng hợp tác này sẽ là bước tiến quan trọng giữa hai bên", ông nói tiếp.
Chung quan điểm với lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Tổng giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam Jahanzeb Khan cho rằng, doanh nghiệp có chung mối quan tâm về bảo vệ nguồn nước, phát triển bền vững.
"Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, nguồn nước với chúng tôi rất quan trọng. Bảo vệ và bảo tồn nguồn nước có ý nghĩa sống còn với công ty", ông Khan bày tỏ và thừa nhận, ngay từ những ngày đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, việc tác động tích cực đến nguồn nước luôn là một trong 6 trụ cột phát triển bền vững của đơn vị.
Từ 2004, công ty đã thí điểm sáng kiến “Mizuiku” về bảo vệ nguồn nước tại Nhật Bản. Năm 2015, chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sach” được mở rộng đến Việt Nam. Trong gần 10 năm qua, chương trình đã xây dựng được khoảng 100 công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho các trường tham gia dự án.
Năm 2023, bộ tài liệu của chương trình trở thành tài liệu hướng dẫn giảng dạy chính khóa cấp tiểu học, hướng đến giáo dục gần 3,7 triệu học sinh về tầm quan trọng của nguồn nước, cũng như cách bảo vệ nước trên toàn quốc.
Chưa bằng lòng với những gì đã có, Suntory PepsiCo Việt Nam đặt mục tiêu tái tạo 100% lượng nước sử dụng trong các nhà máy vào năm 2050. Cùng với đó, nuôi dưỡng tái tạo nước và trả lại cho thiên nhiên nguồn nước sạch, nhất là tại các khu vực đầu nguồn.
Tính từ năm 2021, Suntory PepsiCo Việt Nam đã phối hợp Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Cục Lâm nghiệp, tham gia vào đề án trồng 1 tỷ cây xanh, góp phần tăng cường hấp thụ carbon, cải thiện sinh kế cho người dân.
Thông qua những hoạt động này, công ty nhìn nhận, những vấn đề liên quan tới môi trường luôn có nhiều thách thức, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. "Quan hệ hợp tác công - tư là một sáng kiến rất quan trọng. Chúng tôi tin tưởng, với sự chung tay của Cục Lâm nghiệp, chúng ta sẽ có một Việt Nam xanh hơn, trù phú hơn, bền vững hơn", ông Khan nói.