Bản tin Lâm nghiệp ngày 20/12/2023: Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp
Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp; Thái Nguyên: Trồng rừng vượt xa kế hoạch, có huyện đạt trên 200%; Chi trả khoán bảo vệ rừng đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
Quỳnh Anh | 15:27 20/12/2023
Bản tin Lâm nghiệp ngày 20/12/2023: Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp
Thưa quý vị và bà con, theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trên cả nước có gần 31.000 HTX nhưng hiện mới có khoảng 200 HTX, 2 Liên hiệp HTX và 320 THT lâm nghiệp. Đây là con số rất khiêm tốn. Nguyên nhân của thực trạng này được cho là do tài sản trong các HTX lâm nghiệp hiện nay còn thấp. Các loại tài sản được coi là có giá trị của HTX chủ yếu là trụ sở, công trình hạ tầng, đường lâm nghiệp nhưng thực chất giá trị không cao. Trong đó, nhiều diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ còn bất cập, địa phương chậm hướng dẫn người dân, HTX nên không khuyến khích được các chủ rừng, HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi.
- Thái Nguyên: Trồng rừng vượt xa kế hoạch, có huyện đạt trên 200%
Trong công tác trồng rừng năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đạt hiệu quả cao. Theo đó, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh năm 2023 là hơn 4.300 ha, trong khi kế hoạch giao đầu năm là hơn 3.400 ha, như vậy địa phương này đã trồng rừng đạt gần 126% kế hoạch. Đáng chú ý có huyện Đại Từ đã vượt kế hoạch trồng rừng tới gần 203% so với kế hoạch khi trồng được hơn 600 ha rừng, vượt xa với chỉ tiêu là 300 ha. Ngoài ra, trong năm nay, có 5/9 Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã rà soát gần 12.000 ha để hướng dẫn các chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng và thực hiện hướng dẫn rừng FSC về trình tự, thủ tục chi trả, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
-
Chuyển rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn
Cũng liên quan tới hoạt động trồng rừng nhưng với rừng gỗ lớn, tháng 11 vừa qua, Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương, tỉnh Nghệ An tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật “chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với cây keo lai trên địa bàn huyện Đô Lương”. Tại khoá tập huấn, các học viên được trao đổi, chia sẻ phương pháp, được thực hành các hoạt động lâm sinh chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đối với cây keo lai. Đồng thời được tiếp cận, hướng dẫn chuyển hóa sang rừng trồng gỗ lớn chu kỳ trên 10 năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương pháp xác định điều kiện lập địa, thời vụ, chọn giống, kĩ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa thưa, quản lý bảo vệ và phòng chống sâu bệnh gây hại.
- Chi trả khoán bảo vệ rừng đảm báo đúng, đủ, kịp thời
Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, để giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%, Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên, tỉnh Tên Bái đã tham mưu cho UBND các xã, tiến hành tổ chức Hội nghị thành lập các Ban quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn, bản tiến hành ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với các cộng đồng dân cư nhận khoán. Đến nay, Trấn Yên đã thành lập 45 cộng đồng dân cư thôn bản tại các xã, thực hiện khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và sản xuất với diện tích hơn 9.370ha, tại 14 xã. Cuối năm 2022, Hạt kiểm lâm huyện đã nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ gần 9.360ha để thực hiện chi trả khoán bảo vệ rừng đến 44 ban quản lý cộng đồng ở 14 xã, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, góp phần giúp người dân có thu nhập chính đáng từ rừng.
-
Chấp hành pháp luật về lâm nghiệp khu vực rừng giáp ranh
Cuối cùng là thông tin về việc thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp. Năm 2023, ước tổng diện tích rừng và rừng trồng chưa thành rừng của huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu là trên 44.480ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của huyện tương đối lớn song địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống đường lâm sinh đã được đầu tư nhưng còn thiếu, gây khó khăn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng và công tác chữa cháy khi xảy ra cháy rừng, nhất là các khu vực rừng giáp ranh. Do đó, để nâng cao công tác bảo vệ, phát triển rừng ở khu vực giáp ranh, mới đây, huyện Tân Uyên đã ký phối hợp với huyện Sìn Hồ, Than Uyên, tỉnh Lai Châu và huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La, huyện Tuần Giáo và huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên để quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp khu vực giáp ranh các huyện.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 20/12/2023: Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp
Cả nước chỉ có 200 hợp tác xã lâm nghiệp; Thái Nguyên: Trồng rừng vượt xa kế hoạch, có huyện đạt trên 200%; Chi trả khoán bảo vệ rừng đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.