Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/4/2024: Vốn xã hội hóa bảo vệ rừng chiếm hơn 40%
Nguồn vốn xã hội hóa để bảo vệ, trồng mới rừng chiếm hơn 40%; Quảng Bình lan tỏa mô hình trồng rừng gỗ lớn; Kiểm định chất lượng giống cây lâm nghiệp đạt 100%.
Quỳnh Anh | 20:31 26/04/2024
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/4/2024: Vốn xã hội hóa bảo vệ rừng chiếm hơn 40%
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.
- Nguồn vốn xã hội hóa để bảo vệ, trồng mới rừng chiếm hơn 40%
Thưa quý vị và bà con, theo Cục Lâm nghiệp, trong 3 năm, từ 2021-2023, tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng cả nước gần 9.450 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm 43,5% là con số rất lớn. Ðiển hình có dự án "Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn" của Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam. Dự án này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp "Góp một cây để có rừng". Trong 3 năm qua, công ty đã cùng với chính quyền các huyện ở Quảng Bình và Quảng Trị trồng được hơn 520 ha rừng bằng cây giống bản địa ở những vùng đầu nguồn các con sông lớn.
- Gia Lai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Với lĩnh vực bảo vệ rừng trong cao điểm mùa khô, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 600.000 ha rừng. Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các điểm cháy, tránh để xảy ra cháy lớn, lây lan nhanh, Hạt Kiểm lâm các huyện và đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã đồng bộ các biện pháp phòng, chống cháy. Đồng thời, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng của tỉnh Gia Lai… Ngay từ đầu mùa khô đến nay, để chủ động bảo vệ rừng, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để… Chủ động phương châm “4 tại chỗ”.
- Quảng Bình lan tỏa mô hình trồng rừng gỗ lớn
Về hoạt động trồng rừng, hiện toàn tỉnh Quảng Bình có trên 130.00ha rừng trồng, trong đó rừng gỗ lớn gần 4.100ha.. Tỉnh cũng có trên 6.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và đang tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho thêm khoảng 15.000ha. Đây chính là điều kiện để người dân, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ, nâng cao đời sống. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành theo tiến độ các chương trình, dự án đang thực hiện về trồng rừng gỗ lớn. Phát huy tốt vai trò mở đường, dẫn dắt, góp phần lan tỏa mô hình trồng rừng gỗ lớn đến các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, hướng đến tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn.
- Kiểm định chất lượng giống cây Lâm nghiệp đạt 100%
Còn tại Thái Nguyên, năm 2024, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch trồng trên 600ha rừng tập trung. Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 357ha, đạt gần 60% kế hoạch. Cùng với đó, nhân dân địa phương đã chủ động mở rộng diện tích trồng thay thế rừng sau khai thác và cải tạo vườn rừng hiệu quả thấp được gần 100ha. Việc kiểm định chất lượng giống cây lâm nghiệp và nguồn cung cấp giống được cơ quan chuyên môn giám sát, thẩm định đạt tiêu chuẩn 100%. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các xã tổ chức thẩm định diện tích, chất lượng rừng trồng và tập huấn cho gần 500 lượt hộ dân về công tác phòng chống cháy rừng; lập kế hoạch quản lý, khai thác rừng sản xuất bảo đảm cân đối độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt trên 50%...
-
Hơn 1.000 lượt chủ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng
Trong lĩnh vực thực hiện các chính sách về phát triểnlâm nghiệp bền vững, Theo kế hoạch về việc thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng, giai đoạn 2019-2023, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên phải giao trên 15.460ha. Đến nay, diện tích đất lâm nghiệp có rừng đã giao gần 1.440ha, cho 208 chủ rừng là cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân đạt gần 17%. Đất lâm nghiệp chưa có rừng đã giao gần 4.390ha cho 183 chủ rừng, đạt hơn 64%. Hiện diện tích đất lâm nghiệp có rừng chưa giao hơn 7.180ha; đất lâm nghiệp chưa có rừng chưa giao hơn 2.450ha. Trong giai đoạn này, huyện cũng đã chi trả gần 92,5 tỷ đồng cho gần 1.000 lượt các chủ rừng là cá nhân và cộng đồng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Lâm nghiệp ngày 26/4/2024: Vốn xã hội hóa bảo vệ rừng chiếm hơn 40%
Nguồn vốn xã hội hóa để bảo vệ, trồng mới rừng chiếm hơn 40%; Quảng Bình lan tỏa mô hình trồng rừng gỗ lớn; Kiểm định chất lượng giống cây lâm nghiệp đạt 100%.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm; Hơn 2 ngày khống chế cháy rừng ở Sin Suối Hồ; Hồ chứa 'no nước' khi bước vào mùa khô.
Trước khi đợt rét đậm, rét hại quay trở lại, miền Bắc chịu ảnh hưởng bởi gió Đông Nam mang nhiều hơi ẩm, gây nên hiện tượng sương mù vào sáng sớm.