Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, hiện nay đơn vị đang quản lý gần 10,5 ngàn ha đất, phần lớn là đất lâm nghiệp, trong đó gần 350 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh và Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận).
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: “Theo quy hoạch 3 loại rừng, đơn vị hiện có hơn 5,7 ngàn ha diện tích rừng phòng hộ và gần 4,6 ngàn ha diện tích rừng sản xuất. Bình quân hằng năm, trên lâm phận, đơn vị đã cung ứng ra thị trường hơn 40 ngàn mét khối gỗ nguyên liệu từ khai thác rừng trồng”.
Theo ông Long, việc quản lý rừng đang gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ vi phạm tại khu vực Làng Mán, Làng Tàu, tiểu khu 204, 205 phân trường Trản Táo; chưa hoàn thành thiết lập hợp đồng khoán; còn tình trạng chuyển nhượng trái phép hợp đồng khoán.
Trong công tác phát triển rừng, còn nhiều diện tích rừng giao khoán có cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, hầu hết diện tích rừng có mật độ cây trồng chính thấp hơn nhiều so với quy định. Việc tỉa thưa cây trồng chính, khai thác cây trồng xen trên đất rừng phòng hộ giao khoán cho hộ dân còn nhiều trở ngại... Ngoài ra, các vấn đề lập hồ sơ về đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do sự thiếu thống nhất giữa các quy định cũng như việc xử lý của các cơ quan chức năng.
Tại buổi giám sát, lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho BQL trong việc xây dựng và bảo vệ phát triển rừng nói chung và rừng phòng hộ Xuân Lộc nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi khẳng định, nhiều năm qua tỉnh giữ độ che phủ rừng cao và duy trì diện tích rừng lớn nhất khu vực. Hiện tại, giữa công tác quản lý đất rừng của Nhà nước và mong muốn của người dân có sự khác nhau dẫn đến những bất cập, mâu thuẫn. Cần có chính sách hài hòa để người dân và Ban quản lý rừng hợp tác với nhau trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng.
Kết luận buổi làm việc, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND huyện Xuân Lộc cần làm rõ cho người dân khiếu kiện hiểu về sử dụng đất để bảo vệ lợi ích của người dân, làm tốt vận động quần chúng để cùng nhau giải quyết dứt điểm khiếu nại về sử dụng đất rừng, không biến thành “điểm nóng” phức tạp.
Cần tăng cường việc cắm mốc ranh giới chính xác và tổ chức bộ máy hợp lý, rà soát lại diện tích đất được giao phải làm đúng luật; quan tâm chính sách, thu nhập, cuộc sống, tạo điều kiện giải quyết khó khăn đời sống cho người lao động...