| Hotline: 0983.970.780

Sẽ có Chỉ thị của Chính phủ về sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp

Thứ Năm 25/04/2024 , 20:36 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bên liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng: Khó khăn ở cấp nào, cấp đó phải đứng ra xử lý. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng: Khó khăn ở cấp nào, cấp đó phải đứng ra xử lý. Ảnh: VGP.

Đã phê duyệt 40/41 phương án do Bộ NN-PTNT trình

Ngày 25/4, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Văn phòng Chính phủ với 42 tỉnh, thành phố có các công ty nông, lâm nghiệp.

Theo Bộ NN-PTNT, toàn bộ 41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp với 6 mô hình đã được Bộ thẩm định, trình Thủ tướng.

Đến nay, 161/256 (đạt tỷ lệ 63%) công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại 31 địa phương, 3 tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó, bao gồm 76 công ty tái cơ cấu, giữ nguyên mô hình công ty TNHH một thành viên, nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, 54 công ty thực hiện cổ phần hóa; 22 công ty chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; 3 công ty chuyển thành ban quản lý rừng, 6 công ty giải thể.

Đến nay còn 95/256 (37%) công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới theo phương án đã được phê duyệt và chưa được phê duyệt phương án tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2 tổng công ty.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Một trong những nội dung chính, là hoàn thiện quy định về mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên; quy định cụ thể về tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước nắm giữ tại các công ty nông lâm nghiệp cổ phần hóa quản lý nhiều đất đai, quy định việc sáp nhập, hợp nhất một số công ty nông lâm nghiệp trên cùng địa bàn, cùng chủ sở hữu….

Trong 41 phương án do Bộ NN-PTNT trình, Thủ tướng đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể. Cùng với đó, 57 công ty và chi nhánh tại 20 địa phương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông lâm nghiệp.

Bộ NN-PTNT có trách nhiệm đôn đốc địa phương hoàn thành việc trình kế hoạch đúng hạn. Ảnh: VGP.

Bộ NN-PTNT có trách nhiệm đôn đốc địa phương hoàn thành việc trình kế hoạch đúng hạn. Ảnh: VGP.

Việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Tại Sơn La, tỉnh đang thực hiện quy trình, thủ tục giải thể 3 công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên lâm nghiệp: Sông Mã, Mộc Châu, Mường La.

Còn tại Yên Bái, tỉnh thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 công ty lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Yên Bình.

Tỉnh cũng thực hiện giải thể Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên; sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải. 

Sớm ban hành Chỉ thị của Chính phủ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, sau sắp xếp, đổi mới, một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Đáng chú ý, có Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Nhưng vẫn còn 95 công ty chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu địa phương và các tập đoàn, tổng công ty gấp rút hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW, Kết luận 82-KL/TW và Nghị quyết số 109/2023/QH15.

"Tinh thần là khó khăn ở cấp nào, cấp đó phải đứng ra xử lý, không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thúc đẩy công tác rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp.

Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn rõ ràng cho từng bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các tập đoàn, tổng công ty, công ty nông, lâm nghiệp.

Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc địa phương có doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án tổng thể, hoặc đã và đang thực hiện sắp xếp, đổi mới theo đề án đã được phê duyệt nhưng cần phải điều chỉnh. Bộ NN-PTNT có trách nhiệm đảm bảo địa phương phải hoàn thành việc trình Thủ tướng đúng hạn.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: VGP.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xem xét cơ chế hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể mất khả năng thanh toán; bổ sung vốn điều lệ đối với công ty nông lâm nghiệp là công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nhà nước.

Nghiên cứu, đề xuất việc xử lý tài chính khi thực hiện việc chuyển giao doanh nghiệp cùng đại diện chủ sở hữu (hợp nhất, sáp nhập); xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các bon và ban hành cơ chế tài chính cho hoạt động của thị trường các bon trong thời gian sớm nhất.

Với Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai cho vay thực hiện dự án trồng rừng tập trung, trồng cây công nghiệp phù hợp với chu kỳ kinh doanh cây trồng dài ngày.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo thẩm quyền, chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên để ngăn chặn việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sắp xếp đối với Tổng công ty Cà phê Việt Nam làm cơ sở triển khai sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp trực thuộc 2 tổng công ty này.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp của địa phương và của các bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn. Xây dựng phương án sắp xếp, phương án điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp gửi Bộ NN-PTNT để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6/2024.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.