Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/11/2023: Xuất cấp gạo hỗ trợ người dân bảo vệ rừng

Xuất cấp gần 1.500 tấn gạo hỗ trợ người dân bảo vệ, phát triển rừng; Hơn 500 vụ phá rừng, lấn chiếm đất trong gần 3 năm tại 1 công ty lâm nghiệp; Kịp thời phát hiện và xử lý nhiều cây thông bị chặt hạ; Tài nguyên rừng tại Lạng Sơn được quản lý tốt; Trồng cây dược liệu kết hợp phát triển du lịch ở Lào Cai.

Quỳnh Anh  | 15:05 03/11/2023

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/11/2023: Xuất cấp gạo hỗ trợ người dân bảo vệ rừng

Tự động

Tin Lâm nghiệp hôm nay 3/11/2023

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Xuất cấp gần 1.500 tấn gạo hỗ trợ người dân bảo vệ, phát triển rừng

Thưa quý vị và bà con, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa vừa thực hiện xuất cấp không thu tiền gần 1.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia nhập kho năm 2022 để để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Như Xuân và Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh kịp thời xuất cấp số lượng gạo trên, Tổng cục dự trữ nhà nước đề nghị Cục trưởng Cục dự trữ nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo được giao xuất cấp nêu trên cho địa phương kịp thời, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định. Thời hạn hoàn thành giao, nhận gạo cho người dân các huyện trên xong trước ngày 15/11.

  • Hơn 500 vụ phá rừng, lấn chiếm đất trong gần 3 năm tại 1 công ty lâm nghiệp

Với những tin tức về vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, thưa quý vị, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép xảy ra trên lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, huyện Cư M'gar.

Cụ thể, trong thời gian từ năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2022, tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, xảy ra hơn 520 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, với diện tích 360ha. Đáng chú ý, có tới gần 460 vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm nên chưa được xử lý dứt điểm. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm vẫn xảy ra phổ biến. Vị trí rừng bị phá nằm gần sát đường tuần tra bảo vệ rừng, có dấu hiệu chiếm đất dọc theo mặt đường nhưng công ty chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

  • Kịp thời phát hiện và xử lý nhiều cây thông bị chặt hạ

Còn tại Thừa Thiên Huế, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, đơn vị vừa kịp thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, xác minh vụ việc nhiều cây thông bị cưa trái phép tại địa bàn phường An Tây, TP.Huế, tỉnh TT-Huế. Theo đó, vào ngày 28/10 vừa qua, lực lượng bảo vệ rừng của một công ty trên địa bàn phát hiện 9 cây thông, trồng từ năm 1979 bị chặt hạ. Tại hiện trường có 01 cây bị cưa một phần nhưng chưa gãy đổ, 08 cây còn lại đã được đưa ra khỏi hiện trường. Qua kiểm tra khu vực xung quanh, lực lượng chức năng phát hiện 20 lóng gỗ thông, trùng khớp đường kính các gốc cây thông bị cưa được thu giấu rải rác gần khe suối. Hiện, các đơn vị đang tiếp tục phối hợp với chủ rừng khẩn trương điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.

  • Tài nguyên rừng tại Lạng Sơn được quản lý tốt

Khác với nhiều địa phương luôn là điểm nóng về tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tại miền núi phía Bắc, cụ thể là tỉnh Lạng Sơn thì tài nguyên rừng ở đây về cơ bản luôn được quản lý tốt, tỉ lệ che phủ rừng tăng hàng năm.

Đây là thông tin tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030 diễn ra vào hôm qua. Ngoài ra, thông tin tại Hội nghị cũng cho biết giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8 năm nay, diện tích trồng rừng tập trung trên toàn tỉnh này được hơn 35.000 ha, đạt hần 65% mục tiêu của đề án giai đoạn 2020 – 2025, nhiều vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được phát triển đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Địa phương cũng trồng và xây dựng được các mô hình rừng gỗ lớn với tổng diện tích gần 6.000 ha, hoàn thành cấp chứng chỉ rừng tại huyện Đình Lập và bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp.

  • Trồng cây dược liệu kết hợp phát triển du lịch ở Lào Cai

Có thể nói trong kinh tế lâm nghiệp, phát triển dược liệu dưới tán rừng là hình thức mang lại hiệu quả cao cho bà con. Tại tỉnh Lào Cai, địa phương này hiện có khoảng 70 loại cây dược liệu quý cần được bảo tồn và hơn 850 loại cây dược liệu làm thuốc. Ngoài thu hái, khai thác dược liệu làm thuốc, việc trồng các loại cây này còn hỗ trợ phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương. Theo UBND Lào Cai, đến nay tỉnh đã quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Lào Cai đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu, đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích dược liệu đạt 4.000ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000ha, sản lượng 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/11/2023: Xuất cấp gạo hỗ trợ người dân bảo vệ rừng

Xuất cấp gần 1.500 tấn gạo hỗ trợ người dân bảo vệ, phát triển rừng; Hơn 500 vụ phá rừng, lấn chiếm đất trong gần 3 năm tại 1 công ty lâm nghiệp; Kịp thời phát hiện và xử lý nhiều cây thông bị chặt hạ; Tài nguyên rừng tại Lạng Sơn được quản lý tốt; Trồng cây dược liệu kết hợp phát triển du lịch ở Lào Cai.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời sự

Lưu ý trong xây dựng cơ sở chế biến rau quả; Hơn 2.000 Hợp tác xã có sản phẩm OCOP; Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy rừng tại Sóc Sơn.

Cần 'tinh tế' trong lựa chọn công nghệ chế biến rau quả
Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'
Thời sự

Không khí lạnh tăng cường mang theo rét buốt ở nhiều khu vực của miền Bắc. Từ đêm nay 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ.

Thời tiết nông vụ ngày 13/12/2024: Bắc bộ chìm trong rét 'ngọt'