| Hotline: 0983.970.780

Phát huy giá trị đa dụng từ rừng, phấn đấu cho mục tiêu 17 tỷ USD

Thứ Tư 03/01/2024 , 06:42 (GMT+7)

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đưa ra những phương án phát triển cho năm 2024 để phát huy giá trị đa dụng từ rừng và đạt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD.

Với những chỉ đạo, điều hành, kết nối mà Bộ NN-PTNT và Cục Lâm nghiệp đã và đang thực hiện, mục tiêu giá trị xuất khẩu trong năm 2024 của ngành là 17 tỷ USD. Ảnh: CLN.

Với những chỉ đạo, điều hành, kết nối mà Bộ NN-PTNT và Cục Lâm nghiệp đã và đang thực hiện, mục tiêu giá trị xuất khẩu trong năm 2024 của ngành là 17 tỷ USD. Ảnh: CLN.

Mục tiêu 17 tỷ USD

Từ những kết quả tích cực của năm 2023, với giá trị xuất siêu của sản phẩm gỗ chỉ trong 11 tháng đã vượt 11 tỷ USD, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, với bối cảnh của nền kinh tế thế giới như hiện nay, ngành lâm nghiệp dự kiến đặt ra mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2024 đạt 17 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này Cục Lâm nghiệp sẽ chủ động nắm bắt diễn biễn thị trường, trao đổi phối hợp với các bên liên quan và tham mưu Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp đồng bộ.

Trước tiên, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, hoàn hiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu, phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hợp pháp.

“Ngành lâm nghiệp sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu lâm sản trong bối cảnh toàn cầu hoá, tiêu dùng, sản xuất sản phẩm xanh, giảm phát thải, phù hợp với các quy định về gỗ hợp pháp của các Điều ước quốc tế, thoả thuận mà Việt Nam là thành viên và pháp luật của quốc gia nơi khai thác gỗ xuất khẩu”, Cục trưởng chia sẻ thêm.

Ngoài vấn đề chính sách, một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030; Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Nhiều giải pháp đã được Cục Lâm nghiệp định hướng cho năm 2024 để cùng các doanh nghiệp bứt phá, đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều giải pháp đã được Cục Lâm nghiệp định hướng cho năm 2024 để cùng các doanh nghiệp bứt phá, đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2024, Cục Lâm nghiệp sẽ tăng cường cấp mã số rừng trồng, cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp và có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước đáp ứng đủ như cầu gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến lâm sản và giảm dần tỷ trọng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi từ trồng rừng đến chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Bên cạnh đó là công tác nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thuế và tín dụng cho khối sản xuất và tìm kiếm, mở rộng thị trường, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ về chính sách và các quy định liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ.

“Ví dụ như các quy định về vùng địa lý nhập khẩu gỗ, truy xuất nguồn gốc gỗ và xu hướng sử dụng sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, các rào cản kỹ thuật, cũng như quy định mới của EU về xuất nhập khẩu các sản phẩm không gây mất rừng…”, ông Trần Quang Bảo nêu ví dụ.

Với mục tiêu xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, Cục Lâm nghiệp khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để có thể chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng các vụ kiện gây ra. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản.

Phát huy giá trị đa dụng

Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã có những bước phát triển khá toàn diện và vững chắc, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ, phát triển rừng.

Đặc biệt, trong năm 2023, đánh dấu một cộc mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung bộ.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD (tương ứng với 80% kết quả GPT theo ERPA đã ký) và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo (phải) nhấn mạnh mục tiêu phát huy giá trị đa dụng của rừng trong thời gian tới. Ảnh: CLN.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo (phải) nhấn mạnh mục tiêu phát huy giá trị đa dụng của rừng trong thời gian tới. Ảnh: CLN.

Ông Trần Quang Bảo chia sẻ, mục tiêu của thời gian tới của ngành lâm nghiệp là phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, tiếp tục mở rộng đối tượng, phạm vi thực hiện dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng thông qua các thoả thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính sang các khu vực, địa phương khác.

Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đã xây dựng, trình Chính phủ văn bản dự thảo về việc bổ sung quy định chi tiết về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Song song với đó, Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật để các địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện. Bộ cũng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chủ động đàm phán, thỏa thuận mua bán, trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng với một số đối tác tiềm năng.

“Hy vọng, trong thời gian tới, với việc ban hành, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, các quy định hướng dẫn kỹ thuật, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, sự nỗ lực, chủ động của người dân, doanh nghiệp và chủ rừng, ngành lâm nghiệp sẽ triển khai thành công dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng.

Bảo vệ, phát triển rừng bền vững là những mục tiêu tổng quan mà Bộ NN-PTNT và Cục Lâm nghiệp hướng đến. Ảnh: Tùng Đinh.

Bảo vệ, phát triển rừng bền vững là những mục tiêu tổng quan mà Bộ NN-PTNT và Cục Lâm nghiệp hướng đến. Ảnh: Tùng Đinh.

Qua đó góp phần huy động bổ sung nguồn tài chính quan trọng cho bảo vệ, phát triển rừng bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước”, Cục trưởng Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Năm 2023 vượt khó

Năm 2023, thị trường thế giới có nhiều biến động, người tiêu dùng tại các quốc gia Hoa Kỳ, EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ. Mặc dù vậy, giá trị xuất siêu của ngành gỗ 11 tháng đầu năm đã đạt 11,058 tỷ USD.

Có được thành quả trên là nhờ có sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, hiệp hội; sự quan tâm, chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, vào cuộc của các Bộ ngành liên quan.

Đứng trước thực trạng khó khăn đối với thị trường xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ ngành liên quan và Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản.

Nổi bật nhất là phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế hỗ trợ công tác hoàn thuế cho ngành gỗ. Đồng thời, có văn bản báo cáo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực lâm sản, tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngày 13/4/2023, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tham mưu tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu cả trong và ngoài nước.

Có thể nói, những nỗ lực nêu trên trong công tác chỉ đạo điều hành đã phần nào đóng góp vào việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì được giá trị xuất khẩu lâm sản, giá trị xuất siêu của ngành hàng gỗ năm 2023.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.