Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/12/2023: Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50%

Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50% tổng diện tích rừng toàn quốc; Rừng Quảng Nam - ‘điểm đến’ của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/12/2023: Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50%

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/12/2023: Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50%

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức liên quan tới lĩnh vực Lâm nghiệp.

  • Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50% tổng diện tích rừng toàn quốc

Thưa quý vị và bà con, thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2023 diễn ra vào hôm qua, Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay cả nước có gần 2,4 triệu ha rừng đặc dụng và được chia thành 167 khu. Còn rừng phòng hộ có trên 5,5 triệu ha, trong đó diện tích đất có rừng là trên 4,6 triệu ha. Hiện nay, hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm gần 50% tổng diện tích rừng trên toàn quốc, hầu hết là rừng tự nhiên. Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước và ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc gia.

  • Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ các bon

Trong lĩnh vực phát triển thị trường các bon rừng, theo GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng, tạo sự cân bằng với giảm phát thải. Lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp khoảng 22% khi Việt Nam tự thực hiện và thêm 12% khi có sự hỗ trợ vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đến năm 2030, để đến năm 2050 sẽ cân bằng đạt phát thải ròng bằng 0. GS cũng cho rằng, để phát triển thị trường carbon chuyên nghiệp cần có sự liên kết với các thị trường trong khu vực, thế giới. Đồng thời cơ quan nhà nước cần phải xây dựng được chính sách thị trường carbon phù hợp, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có.

  • Rừng Quảng Nam - ‘điểm đến’ của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học

Là một trong những vùng ưu tiên về đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung Việt Nam và thuộc 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu, việc bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì độ che phủ rừng tại tỉnh Quảng Nam là điều rất cần thiết. Những năm qua, rất nhiều dự án phi chính phủ cũng đã chọn địa phương là điểm đầu tư, triển khai các dự án thực hiện mục tiêu này. Tính đến nay, đã và đang có 6 dự án triển khai tại Quảng Nam, bao gồm các dự án Dự trữ các bon và bảo tồn đa dạng sinh học, Bảo tồn đa dạng sinh học, Đẩy mạnh chuỗi cung ứng bền vững, trao quyền cộng đồng, cải thiện khả năng phục hồi rừng và đa dạng sinh học, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm xuyên quốc gia, Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại khu vực trung Trường Sơn, Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam, Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng. Tổng kinh phí thực hiện các dự án ước tính khoảng 95,8 tỷ đồng.

  • Yên Bái có gần 32.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC

Có thể nói trong bối cảnh hiện nay, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã trở thành điều kiện tiên quyết để phát triển lâm nghiệp bền vững, tại Yêu Bái, tháng 11 vừa qua, tỉnh đã cấp mới, mở rộng chứng chỉ rừng FSC và quế hữu cơ cho trên 4.100 ha, lũy kế cấp được gần 23.100 ha, đạt gần 72% kế hoạch, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSClên gần 32.000 ha. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, kiểm tra, rà soát, truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến gỗ, chỉ đạo công tác thanh tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chi trả 21 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.

  • Huyện miền núi thoát nghèo từ trồng rừng

Với hoạt động phát triển trồng rừng gỗ lớn, có trên 90% diện tích tự nhiên là rừng và đất rừng, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Những năm qua, huyện đã vận động người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời khuyến khích người dân trồng các loại cây bản địa cho giá trị kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, Ba Chẽ đã trồng được hơn 280ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là lim, lát, dổi, trên 430ha cây bản địa và trên 70ha cây dược liệu. Bên cạnh đó, nhiều hộ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã liên kết cùng nhau thành lập tổ, nhóm, HTX phát triển nghề rừng sản xuất theo hướng tập trung, cùng thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc những tin tức trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Lâm nghiệp ngày 8/12/2023: Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50%

Rừng đặc dụng, phòng hộ chiếm gần 50% tổng diện tích rừng toàn quốc; Rừng Quảng Nam - ‘điểm đến’ của các dự án bảo tồn đa dạng sinh học.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha.

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã
Thời sự

Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã; Việt Nam phát triển nuôi biển theo 4 vùng chính; Cua nuôi thiệt hại - Nông dân khó khăn.

Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã