Bản tin Thủy sản ngày 1/7/2024: Tập trung gỡ khó về giao mặt nước nuôi biển
Tập trung gỡ khó về giao mặt nước nuôi biển; Từ năm 2022, Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Thanh Hóa phát triển chế biến thủy, hải sản.
Quỳnh Anh | 11:15 01/07/2024
Bản tin Thủy sản ngày 1/7/2024: Tập trung gỡ khó về giao mặt nước nuôi biển
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Tập trung gỡ khó về giao mặt nước nuôi biển
Thưa quý vị và bà con, tại hội nghị đánh giá thực trạng và định hướng phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 vừa diễn ra, cho rằng, tiềm năng nuôi biển của Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, địa phương khi tập trung phát triển kinh tế biển, cần thực hiện quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, tích hợp quy hoạch của tỉnh và phải tập trung gỡ khó về giao mặt nước biển để doanh nghiệp, ngư dân sớm triển khai dự án nuôi biển. Tập trung đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi biển. Có chính sách thu hút đầu tư và nuôi đa loài cá biển, rong biển, kết hợp khai thác du lịch để tăng hiệu quả trên cùng diện tích. Xây dựng chuỗi giá trị nuôi biển, gắn với chế biến, xuất khẩu.
- Chuyển công an điều tra vụ 63 tấn hàu giống nghi nhập lậu
Trong lĩnh vực thực thi pháp luật về thủy sản, Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh vừa chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm về việc kinh doanh giống thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm. Trước đó vào ngày 23/6, Đội Quản lý thị trường số 1 chủ trì phối hợp với các Lực lượng Hải quan, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành khám phương tiện thủy có gắn động cơ. Kết quả khám phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 350.000 dây hàu với tổng khối lượng 63 tấn hàu giống. Toàn bộ số hàu giống trị giá hơn 1,5 tỷ đồng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
-
Từ năm 2022, Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Cũng liên quan tới lĩnh vực này, Thực hiện công tác phối hợp phòng, chống tình trạng khai thác IUU, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản trên biển. 6 tháng đầu năm nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở NN-PTNT và các lực lượng chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng,chống khai thác IUU cho gần 250 chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân, nhân viên tàu thu mua thủy sản trên biển… Phát 600 tài liệu tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 cùng những quy định của pháp luật trong khai thác hải sản. Từ năm 2022 đến nay, Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, hiện 100% tàu cá của tỉnh được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
- Thanh Hóa phát triển chế biến thủy, hải sản
Cùng với sự phát triển của hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, sự phát triển của nghề chế biến thủy hải sản đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản của Thanh Hóa phát triển vững mạnh, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại các địa phương ven biển. Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp khẩu thủy sản chính ngạch với giá trị đạt khoảng 134 triệu USD/năm. Ngoài ra các địa phương ven biển còn có hơn 1.300 cơ sở nhỏ, lẻ tham gia sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy, hải sản. Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản tại địa phương đã từng bước mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ sản xuất tự động.
-
Gần 4.200 hộ nuôi tôm – rừng đạt chứng nhận quốc tế
Thưa quý vị, Những năm gần đây, mô hìnhnuôi tôm dưới tán rừng được tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển. Đến nay, tỉnh có khoảng 39.500 ha tôm - rừng. Trong đó, có khoảng 20.000 ha, với gần 4.200 hộ nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế. Ngành nông nghiệp Cà Mau đánh giá, qua quá trình triển khai, mô hình này còn được xem như biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới. Song song đó, đây là mô hình nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí đầu tư thấp, đem lại thu nhập khá cao cho nông dân nhưng lại tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng của các thị trường nhập khẩu khó tính.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 1/7/2024: Tập trung gỡ khó về giao mặt nước nuôi biển
Tập trung gỡ khó về giao mặt nước nuôi biển; Từ năm 2022, Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Thanh Hóa phát triển chế biến thủy, hải sản.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.
Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.