Bản tin Thủy sản ngày 17/1/2024: Nghề cá sụp đổ nếu còn đánh bắt tận diệt
Nếu tiếp tục đánh bắt tận diệt, 10 năm tới nghề cá sẽ sụp đổ; Hà Tĩnh nuôi nhuyễn thể cho giá trị hơn 53 tỷ đồng.
Quỳnh Anh | 13:31 17/01/2024
Bản tin Thủy sản ngày 17/1/2024: Nghề cá sụp đổ nếu còn đánh bắt tận diệt
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Nếu tiếp tục đánh bắt tận diệt, 10 năm tới nghề cá sẽ sụp đổ
Thưa quý vị và bà con, nhờ tận dụng lợi thế về đa dạng sinh học, những năm qua ngành thủy sản Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, từ 4,5 - 5%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề trong công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn cần phải giải quyết để ngành phát triển bền vững, bảo đảm và nâng cao đời sống của ngư dân. Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT) chia sẻ, hiện nay bà con ngư dân chỉ vì miếng cơm, manh áo và đã đánh bắt tận diệt. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì 10 năm tới, nghề cá sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta không nhận thức được việc này, có lẽ 10 năm nữa, cá sẽ không còn.
- Hà Tĩnh nuôi nhuyễn thể cho giá trị hơn 53 tỷ đồng
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, các vùng nuôi nhuyễn thể ở Hà Tĩnh đã chú trọng hơn đến quy trình kỹ thuật, cải tạo đất ở bãi nuôi sau thu hoạch, chủ động bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các hộ nuôi trồng nhuyễn thể cũng quan tâm đến việc lựa chọn con giống, tăng mật độ thả nuôi, tăng cường bảo vệ trước dịch bệnh và thời tiết nên năng suất ngày càng cao... Qua đó, góp phần duy trì nhịp điệu sản xuất ổn định, bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, diện tích nuôi nhuyễn thể của tỉnh trên 4.200 ha, chiếm hơn 15% diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ, cho sản lượng nuôi đạt 3.550 tấn (bằng 104% so với kế hoạch năm), cho giá trị sản xuất khoảng 53,3 tỷ đồng.
- Ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong nuôi tôm tại Cà Mau
Là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000ha. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, người dân và các doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn, không xả thải đang là xu thế tại địa phương. Ưu điểm của mô hình tuần hoàn là hầu như không sử dụng nguồn nước bên ngoài trong quá trình nuôi. Nguồn nước thải thông qua hệ thống lọc tuần hoàn được tái sử dụng trở lại. Ngoài ra, do không thay nước nên hạn chế tốt dịch bệnh từ bên ngoài. Qua đó, tạo ra giải pháp công nghệ nuôi mới, giúp thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
- Ngư dân Nghệ An đem về hàng tỷ đồng mỗi chuyến vươn khơi
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản dịp cuối năm, những ngày qua, nhiều tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An về bờ sau mỗi chuyến vươn khơi đều trúng đậm cá hố. Bình quân mỗi tàu đánh bắt được từ 10 – 15 tấn, thu về từ 1 – 1,5 tỷ đồng. Đối với cá hố loại 1 hiện có giá 110.000 đồng/kg, mặc dù giá này có thấp hơn những năm về trước nhưng bù lại tàu nào cũng đạt sản lượng cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Chắt – Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long, toàn xã này hiện có 38 phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 30 chiếcnghề lưới vây. Trong những chuyến biển đầu năm mới 2024, nhiều tàu cá ra khơi đánh bắt đạt sản lượng cao, giá trị thu nhập cũng tăng lên. Từ nay đến Tết Nguyên đán, ngư dân có thể vươn khơi thêm 1 – 2 chuyến nữa.
-
Làng khô Phú Thọ bung hàng dịp Tết
Cuối cùng là thông tin về hoạt động chế biến thủy sản, thời điểm này, làng khô Phú Thọ, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật, rộn ràng không khí sản xuất cá khô nhằm kịp phục vụ khách hàng gần xa. Làng khô Phú Thọ hiện có trên 100 hộ tham gia sản xuất cá khô các loại như: cá sặc rằn, cá chạch, cá chốt... nhưng chủ yếu là cá lóc. Sản lượng khô cá lóc bình quân hơn 600 tấn/năm. Theo các cơ sở sản xuất, bình quân 4kg cá lóc tươi sẽ chế biến ra 1 kg cá khô thành phẩm. Hiện tại, giá cá lóc phơi 1 nắng từ 100.000-120.000 đồng/kg, phơi 2 nắng từ 130.000-150.000 đồng/kg, phơi đủ nắng giá từ 200.000-250.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày 1 cơ sơ sản xuất và cung cấp ra thị trường từ 200-250kg cá khô các loại, lúc cao điểm khoảng 300kg khô.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 17/1/2024: Nghề cá sụp đổ nếu còn đánh bắt tận diệt
Nếu tiếp tục đánh bắt tận diệt, 10 năm tới nghề cá sẽ sụp đổ; Hà Tĩnh nuôi nhuyễn thể cho giá trị hơn 53 tỷ đồng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị nông nghiệp; Hàng chục nghìn ha rừng Bắc Kạn ở mức cảnh báo cháy cao nhất; Chủ động trữ nước cho mùa khô.
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.