| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: 'Phải giải đáp rõ nội dung nguồn gốc đất Cồn Xanh'

Thứ Hai 15/01/2024 , 13:48 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở TN-MT, Thanh tra tỉnh phải giải đáp rõ nội dung nguồn gốc đất Cồn Xanh, phương án đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đầm bãi.

Yêu cầu làm rõ nguồn gốc đất Cồn Xanh

Ngày 15/1, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo các sở, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng đối thoại với đại diện các hộ dân bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cồn Xanh.

Từ sáng sớm, hàng trăm người dân liên quan đã có mặt tại Hội trường Nhà văn hóa huyện Nghĩa Hưng - nơi diễn ra buổi đối thoại lần thứ 4. Hơn 400 hộ dân bị thu hồi 800ha đất đầm bãi cử 5 đại diện đối thoại với lãnh đạo tỉnh Nam Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đối thoại với đại diện các hộ dân Cồn Xanh. Ảnh: K.Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đối thoại với đại diện các hộ dân Cồn Xanh. Ảnh: K.Trung.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp điều hành, chỉ đạo các Sở, ngành đối thoại, giải đáp các câu hỏi của người dân.

Nội dung mấu chốt và cũng là vấn đề người dân quan tâm, lo lắng nhất, đó là nguồn gốc đất đầm bãi tại khu vực Cồn Xanh; các căn cứ pháp lý để Nam Định thu hồi không đền bù, giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh tế; lo ngại vấn đề môi trường khi Tập đoàn Xuân Thiện thực hiện dự án sản xuất thép ở khu vực ven biển.

Ngoài ra, người dân lo ngại việc giao quỹ đất rất lớn ven biển sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, bảo vệ an ninh khu vực biển khi dự án này chiếm phần lớn vùng ven biển Nghĩa Hưng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ghi nhận sự hợp tác, thiện ý của người dân khi tham gia đối thoại công khai, minh bạch, dân chủ; những người dân có mặt tại buổi đối thoại trực tiếp đều tuân thủ, giữ trật tự để các ngành, chức năng giải đáp các câu hỏi, kiến nghị được đại diện bà con đưa ra.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn giải đáp các kiến nghị về nguồn gốc đất thu hồi. Ảnh: K.Trung.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn giải đáp các kiến nghị về nguồn gốc đất thu hồi. Ảnh: K.Trung.

Ông Phạm Đình Nghị chỉ đạo Sở TN-MT, đại diện lực lượng Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh giải đáp các thắc mắc của người dân đặt ra.

Về nội dung nguồn gốc đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản, người dân cho biết bà con có hợp đồng thuê đất; bỏ nhiều công sức để cải tạo, giữ đất. Qua nhiều thế hệ mới có thể tạo dựng được mặt bằng tại khu vực Cồn Xanh như hiện nay. Việc thu hồi đất phải thực hiện trên tinh thần thỏa thuận với bà con, có phương án đền bù trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nam Định Phạm Văn Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ định giải đáp các kiến nghị này. Ông Sơn viện dẫn Luật Đất đai và giải đáp, đây là đất của nhà nước quản lý, UBND huyện Nghĩa Hưng được giao trực tiếp quản lý. Do đó, việc thu hồi để phục vụ dự án được tiến hành theo quy định, không có phương án hỗ trợ đền bù.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nam Định cũng cho biết, đối với diện tích đầm bãi thu hồi để giao Tập đoàn Xuân Thiện thực hiện 3 dự án, khu vực đất nằm trong đê (thuộc Cồn Xanh) không được đền bù vì đã hết thời hạn cho thuê đất. Một phần đất phía Tây Cồn Xanh (khu vực ngoài đê, giáp với cửa sông Đáy) vẫn được đền bù vì còn thời hạn hợp đồng.

Tuy nhiên, các hộ dân đưa ra nhiều dẫn chứng và không chấp thuận những giải đáp này.

"Sẽ còn gặp bà con nhiều lần"

Chỉ đạo tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, nguồn gốc đất còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng. Ông yêu cầu Sở TN-MT, UBND huyện Nghĩa Hưng phải trả lời trực tiếp bằng văn bản hoặc bố trí một buổi làm việc trực tiếp với đại diện các hộ dân riêng về nội dung này.

Đại diện các hộ dân tham gia buổi đối thoại với chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Ảnh: Kiên Trung.

Đại diện các hộ dân tham gia buổi đối thoại với chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Ảnh: Kiên Trung.

Người dân cũng cho biết đã có đơn kiến nghị lên Bộ Quốc phòng về việc UBND tỉnh giao số lượng lớn diện tích đất ven biển cho Tập đoàn Xuân Thiện để thực hiện dự án sản xuất thép sẽ ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ vùng biển.

Ngoài ra, tại Cồn Xanh, nhiều năm qua cũng có một đơn vị Bộ đội Biên phòng đặt tại Đồn Ngọc Lâm để làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Bà con đã nhiều lần báo tin cho Bộ đội Biên phòng việc xuất hiện nhiều tàu lạ hút cán ven biển gây sạt lở, xâm hại tới đê kè, hủy hoại đất tại Cồn Mờ…

Đại diện Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng đã giải đáp các nội dung nên trên tại buổi đối thoại.

Kết luận chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các Sở, ngành rà soát lại toàn bộ quy trình, hồ sơ phê duyệt các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện để đảm bảo tính pháp lý; tổng hợp các câu hỏi kiến nghị của người dân gửi về Thanh tra tỉnh, sau đó phân loại để giao các ngành, đơn vị phụ trách theo lĩnh vực trả lời bằng văn bản.

“Việc triển khai dự án vẫn phải thực hiện bởi tỉnh xác định đây là dự án trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đã được phê duyệt. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại tiếp với bà con. Cá nhân tôi cũng sẵn sàng gặp bà con nhiều lần chứ không phải mấy lần này”, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói.

11h30, cuộc đối thoại kết thúc. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định bày tỏ mong muốn người dân ủng hộ các quyết định của tỉnh, hợp tác cùng chính quyền để giải quyết hết các khúc mắc.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.