Bản tin Thủy sản ngày 18/4/2024: Chủ động nguồn tôm giống từ sản xuất trong nước
Chủ động nguồn tôm giống từ sản xuất trong nước; Lập đoàn khảo sát tìm tác nhân gây tôm hùm chết ở Khánh Hòa; Người dân xã đảo sống khỏe nhờ nuôi tôm – rừng.
Quỳnh Anh | 11:04 18/04/2024
Bản tin Thủy sản ngày 18/4/2024: Chủ động nguồn tôm giống từ sản xuất trong nước
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Chủ động nguồn tôm giống từ sản xuất trong nước
Thưa quý vị và bà con, theo thông tin tại Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và kí quy chế phối hợp năm 2024 diễn ra hôm qua, Bộ đã đề ra kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm nay với các chỉ tiêu: diện tích nuôi đạt 737.000 ha, sản lượng 1.150 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 - 4,3 tỷ USD. Do đó, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con, tôm giống sản xuất và ương dưỡng khoảng 140-155 tỷ con. Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ NN-PTNT đề nghị cơ quan, đơn vị, hiệp hội, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ tập trung chủ động nguồn tôm bố mẹ từ sản xuất trong nước; Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý giống tôm nước lợ và triển khai các giải pháp an toàn sinh học trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, hạn chế tác hại của dịch bệnh…
-
Lập đoàn khảo sát tìm tác nhân gây tôm hùm chết ở Khánh Hòa
Liên quan đến sự việc tôm hùm chết tại Khánh Hòa thời gian gần đây, Sở NN-PTNT Khánh Hòa phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và UBND huyện Vạn Ninh vừ tổ chức đoàn khảo sát để đánh giá, tìm tác nhân gây tôm chết trên địa bàn 2 xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng, thuộc vịnh Vân Phong. Tại các điểm khảo sát, đoàn đã lấy các mẫu nước, tôm chết, mẫu bùn để tiếp tục làm các xét nghiệm. Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hoà đã lấy các mẫu xét nghiệm nhưng không xác định tác nhân gây bệnh. Nhận định nguyên nhân ban đầu do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
-
Người dân xã đảo sống khỏe nhờ nuôi tôm – rừng
Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm kết hợp trồng rừng - mô hình sinh kế chứng minh được tính bền vững cao nhiều năm qua đang được người dân ở các xã đảo ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh duy trì và mở rộng. Theo đó, mô hình đã tạo sinh kế cho nông hộ ở khu vực 4 xã đảo ổn định, thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các xã còn lại của huyện. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người 4 xã này đều đạt trên 68 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 31 triệu đồng so với năm 2015 và cao hơn từ 8-10 triệu đồng/người/năm so với các xã khác của huyện. Đến nay, huyện Duyên Hải có gần 2.100 hộ dân nuôi tôm sú kết hợp cua biển dưới tán rừng, hơn với diện tích 4.400 ha, tăng gần 850 ha so với năm 2015.
- Nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội gặp khó do các sông bị ô nhiễm
Còn tại hà Nội, hiện thành phố có 24.200ha nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi trồng thủy sản của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nước cấp vào chủ yếu từ các sông lớn, trong khi đa số các dòng sông này trong tình trạng bị thiếu về lưu lượng và ô nhiễm về chất lượng. Do đó thủy sản nuôi thường chậm lớn, thậm chí bị bệnh và chết. Mặt khác, giá thức ăn liên tục tăng cao, đầu ra lại thường bấp bênh, giá bán thấp. Việc phát triển đô thị, công nghiệp đã phần nào chia cắt, làm hỏng cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Bởi thế mà ở vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh năng suất trung bình chỉ đạt hơn 10 tấn/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sảnkiểu truyền thống chỉ đạt 4 - 5 tấn/ha/năm.
- Cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập nhờ chài cá
Những ngày này, tại các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An mực nước xuống thấp, nguồn lợi thủy sản dồn về các tuyến kênh lớn, tạo thuận lợi cho người dân đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, trong đó có nghề chài cá. Theo người dân địa phương, cá chài được thường là các loại mè vinh, mè dảnh, trắm cỏ, cá phi, rô biển,... Mỗi kilôgam cá có thể bán với giá 40.000 đồng. Ngoài cải thiện bữa ăn gia đình, còn kiếm thêm thu nhập. Vào những ngày cá nhiều, trung bình mỗi ngày, việc chài cá mang lại cho người dân gần 150.000 đồng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 18/4/2024: Chủ động nguồn tôm giống từ sản xuất trong nước
Chủ động nguồn tôm giống từ sản xuất trong nước; Lập đoàn khảo sát tìm tác nhân gây tôm hùm chết ở Khánh Hòa; Người dân xã đảo sống khỏe nhờ nuôi tôm – rừng.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Hỗ trợ khắc phục thiên tai được thực hiện ngay khi bão chưa tan; ‘Thủ phủ’ củ đậu của Hải Dương giảm 50% sản lượng; TP. Cần Thơ chỉ còn gần 0,1% hộ nghèo.
Đợt không khí lạnh này được dự báo là khá mạnh, sẽ tăng cường dồn dập trong những ngày tới.