| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 17/04/2024 , 17:02 (GMT+7)
Nguyễn Thị Mai Hiên

Nguyễn Thị Mai Hiên

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) 17:02 - 17/04/2024

Gỡ rào cho nuôi biển

Hai điều kiện tiên quyết để tiến ra biển nuôi trồng thủy sản là phải được giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển...

Ra về từ Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển diễn ra tại Quảng Ninh đầu tháng 4/2024, mỗi đại biểu mang theo tâm tư, cảm xúc, mong đợi và quyết tâm nhìn từ Quảng Ninh để gỡ các rào cản tiến ra biển nuôi trồng thủy sản.

Rào cản đến từ nội tại mỗi cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã về sự dám làm, dám chinh phục mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đến các rào cản từ thiên nhiên khắc nghiệt, rào cản từ chính sách, pháp luật.

Nuôi biển hay gọi là nuôi trồng thủy sản trên biển là chính sách được ghi nhận từ rất lâu, tại các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045, từ Luật Thủy sản năm 2003 đến Luật Thủy sản năm 2017 và các đề án, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của Chính phủ cũng như hệ thống các văn bản quy định chi tiết thi hành có liên quan.

Hai điều kiện tiên quyết để tiến ra biển nuôi trồng thủy sản là phải được giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển được quy định tại Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2029 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 thì cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay do 2 cơ quan thực hiện: (i) Ủy ban nhân dân tỉnh cấp cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý; (ii) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Khác với cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản do 3 cơ quan (Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện, cụ thể: (i) Ủy ban nhân dân cấp huyện giao khu vực biển trong phạm vi 3 hải lý cho cá nhân Việt Nam có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú xác nhận; (ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao khu vực biển trong phạm vi 6 hải lý cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; (iii) Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho tổ chức, cá nhân Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Và trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP nêu trên.

Vậy điểm nghẽn, hàng rào nào đang cản trở tổ chức, cá nhân tiến ra biển để nuôi trồng thủy sản? Câu hỏi này đã được nhiều diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp có ý kiến tại hội nghị nuôi biển bền vững. Ở đây chúng tôi nhìn nhận, phân tích thêm dưới góc độ quy định pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì thủ tục về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện trước thủ tục giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trong khi việc liên thông, sử dụng kết quả giải quyết của 2 thủ tục hành chính này chưa được thực hiện. Ví dụ như cả hai thủ tục đều yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp các văn bản liên quan về đánh giá tác động môi trường trong khi mục đích cũng chỉ để nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đề nghị bỏ giấy tờ này khi thực hiện thủ tục giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (thủ tục được thực hiện sau), điều này sẽ giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức, cá nhân.

Tiếp đến là cả 2 thủ tục trên khi xem xét cấp phép đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều thực hiện lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an về các nội dung liên quan tới việc nuôi trồng thủy sản trên biển được gửi kèm theo sơ đồ khu vực biển, thể hiện tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao. Đây có thể là nguyên nhân kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua trong khi có thể xem xét sửa đổi thủ tục giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP theo hướng không lấy ý kiến các Bộ nêu trên và căn cứ văn bản cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển để giải quyết thủ tục hành chính.

Về trình tự giải quyết thủ tục hành chính, đề nghị thủ tục giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định rõ thời gian các Bộ phải trả lời ý kiến, hết hạn không trả lời được coi là đồng ý; quy định rõ phương án giải quyết nếu có Bộ không đồng ý để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Bởi vừa qua, ngày 4/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã sửa đổi, bổ sung Điều 38 để thu hẹp các cơ quan được lấy ý kiến từ 8 Bộ, 2 Hiệp hội xuống còn 4 Bộ (Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường); đồng thời quy định rõ Cơ quan được lấy ý kiến trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, sau thời hạn trên không trả lời được coi là đồng ý với nội dung lấy ý kiến.

Trường hợp có ít nhất 1 ý kiến không đồng ý về việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT tham mưu Bộ NN-PTNT báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định.

Ngoài ra, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản còn phải đối mặt với các thách thức khác như về quy hoạch tỉnh, quy hoạch không gian biển, về xung đột sử dụng không gian trong một khu vực biển của các chủ thể, về chậm xác định phạm vi 3, 6 hải lý nhất là đối với các huyện, xã đảo của các tỉnh ven biển…

Gỡ các rào cản về mặt chính sách, pháp luật để đồng bộ thủ tục, quy trình, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con tiến ra biển nuôi trồng thủy sản sẽ góp phần không nhỏ tạo nên mục tiêu phát triển ngành thủy sản hướng tới công nghệ cao, giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Quảng Ninh - cũng là mong muốn của các địa phương ven biển nhìn từ Quảng Ninh sau hội nghị nuôi biển bền vững.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm