Bản tin Thủy sản ngày 19/1/2024: Đề nghị Cà Mau xử lý tranh chấp ngư trường

Đề nghị Cà Mau xử lý nhanh tình trạng tranh chấp ngư trường; Cá ngừ đóng hộp trở thành nhóm xuất khẩu nhiều nhất sang EU; Xã đảo bội thu từ nuôi tôm hùm.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Thủy sản ngày 19/1/2024: Đề nghị Cà Mau xử lý tranh chấp ngư trường

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 19/1/2024: Đề nghị Cà Mau xử lý tranh chấp ngư trường

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Đề nghị Cà Mau xử lý nhanh tình trạng tranh chấp ngư trường

Thưa quý vị và bà con, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Cà Mau đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý tình trạng tranh chấp ngư trường trên vùng biển của địa phương này. Bộ NN-PTNT cho biết, qua nắm bắt thông tin, hiện tại, tình hình tranh chấp ngư trường trên vùng biển tỉnh Cà Mau đã và đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng gây thương vong, thiệt hại tài sản của ngư dân. Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy nhanh quá trình điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng theo quy định của pháp luật để kịp thời răn đe, chấm dứt các hành vi vi phạm. Đồng thời, tập trung nguồn lực, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực, ngư trường thường xuyên xảy ra tranh chấp thời gian qua.

  • Cá ngừ đóng hộp trở thành nhóm xuất khẩu nhiều nhất sang EU

Trên thị trường xuất khẩu, Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2023, lần đầu tiên cá ngừ đóng hộp trở thành nhóm sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, ước đạt khoảng 71 triệu USD, tăng 28% so với năm 2022. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 22 nước trong khối EU. Trong đó, Đức, Hà Lan và Italia là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang cả 3 nước này đều tăng, đặc biệt là Italia tăng tới 456% so với năm 2022.

  • Ngư dân Bình Định trúng mùa cá ngừ sọc dưa

Trở lại với thông tin về hoạt động khai thác trong nước, thưa quý vị, những ngày qua, tàu thuyền ngư dân Bình Định bắt đầu cập cảng cá Quy Nhơn để xuất bán sản phẩm trong không khí hối hả những ngày đầu năm mới 2024. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ngư dân, khi trúng đậm cá ngừ sọc dưa và thương lái thu mua với giá cao từ 31 đến 32 nghìn đồng một kg. Đây là chuyến biển xuyên tết Dương lịch 2024. Sau hơn 1 tháng đánh bắt, trung bình, các tàu đánh bắt được 10 – 20 tấn cá sọc dưa. Theo Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn, sản lượng khai thác của bà con ngư dân tăng. Trong 4 đến 5 ngày tới, tàu sẽ tấp nập cập cảng để bán cá, sau đó nhanh chóng quay lại ngư trường đánh bắt trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

  • Xã đảo bội thu từ nuôi tôm hùm

Còn với hoạt động nuôi trồng, những ngày giữa tháng Chạp, tại xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh – “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở tỉnh Khánh Hòa, người dân tất bật chăm sóc lứa tôm để chuẩn bị xuất bán vào dịp cuối năm. Toàn xã Cam Bình, hiện có gần 20.000 ô lồng nuôi tôm hùm thịt, chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Tôm hùm được bà con trên địa bàn thả nuôi theo kiểu cuốn chiếu quanh năm nên tháng nào cũng xuất bán. Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, năm 2023 bà con thu hoạch tôm hùm “được mùa, được giá” nên rất phấn khởi, nhiều người nuôi trên địa bàn lãi tiền tỷ nhờ nuôi tôm hùm xanh. Năm qua, toàn xã thu hoạch khoảng 320 tấn tôm hùm thịt, với giá bán cao nhất lên đến 1,25 triệu đồng/kg. Nhờ vậy, người nuôi thu hoạch từ 25 - 30 lồng đã lãi tiền tỷ.

  • Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Cuối cùng là thông tin về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, những năm qua, công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế của ngư dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được tăng cường. Lực lượng Kiểm ngư của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra trên biển, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động nghề cấm, thuyền nghề giã cào bay hoạt động khai thác sai vùng, sử dụng các phương thức khai thác hủy diệt ngư trường, nguồn lợi thủy sản tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, Chi cục Thủy sản tỉnh đã củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Song song đó, Bình Thuận phát triển nuôi trồng thủy sản với hơn 3.000 ha theo hướng thâm canh, công nghiệp, đa dạng loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 19/1/2024: Đề nghị Cà Mau xử lý tranh chấp ngư trường

Đề nghị Cà Mau xử lý nhanh tình trạng tranh chấp ngư trường; Cá ngừ đóng hộp trở thành nhóm xuất khẩu nhiều nhất sang EU; Xã đảo bội thu từ nuôi tôm hùm.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; Diện tích rừng nâng mức báo động ở Cà Mau có thể lên đến gần 40.000 ha.

Bản tin Lâm nghiệp ngày 3/5/2024: Tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì
Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã
Thời sự

Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã; Việt Nam phát triển nuôi biển theo 4 vùng chính; Cua nuôi thiệt hại - Nông dân khó khăn.

Bản tin Thủy sản ngày 3/5/2024: Hơn 10 tấn cá lồng chết bất thường trên sông Mã