Bản tin Thủy sản ngày 24/1/2024: Đưa rong biển trở thành lĩnh vực trọng điểm
Đưa rong biển trở thành một lĩnh vực kinh tế trọng điểm của ngành thủy sản; Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD.
Quỳnh Anh | 13:24 24/01/2024
Bản tin Thủy sản ngày 24/1/2024: Đưa rong biển trở thành lĩnh vực trọng điểm
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Đưa rong biển trở thành một lĩnh vực kinh tế trọng điểm của ngành thủy sản
Thưa quý vị và bà con, rong biển là ngành hàng đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng, do quy mô thị trường thương mại toàn cầu dự kiến sẽ được mở rộng với tốc độ khoảng 10,8%/ năm. Tại Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển, diện tích tiềm năng khoảng 900.000 ha. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ khai thác được khoảng 16.500 ha. Một ngành hàng quá nhiều dư địa phát triển nhưng cũng rất nhiều thách thức. Nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi trồng rong tảo biển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc cần làm là khởi tạo một không gian giá trị mới cho một ngành hàng có tiềm năng rất lớn, đưa rong biển trở thành một lĩnh vực kinh tế trọng điểm của ngành thủy sản.
-
Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD
Trong lĩnh vực xuất khẩu, Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang các thị trường năm 2023 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Năm 2024, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu như: diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước.
- Tiềm năng vùng nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy
Với hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các địa phương: đến cuối năm 2023, tổng sản lượng thuỷ sản huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đạt trên 48.000 tấn, trong năm 2024, huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết năm đề ra là 48.500 tấn thuỷ sản. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thêm 6,4 ha, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 ha, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn 1.252 ha, mô hình tôm - lúa 37 ha, tôm càng xen lúa 10 ha, nuôi cua xen tôm l.927 ha; mô hình nuôi vọp 18 ha và mô hình nuôi kết hợp tôm, sò huyết 88 ha.
- Nhân rộng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản
Còn tại tỉnh Hải Dương, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà, có 99,8 ha đất bãi, được quy hoạch vùng nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy, nhiều nhất huyện Thanh Hà. Đến nay có khoảng 60 ha đã được người dân khai thác rươi, cáy, cá, còn lại là cây ăn quả. Hiện có 41 hộ canh tác tại vùng này, đạt thu nhập cao, nhiều hộ giàu lên. Tổng thu từ rươi, cáy ở vùng bãi năm 2023 đạt 25 tỷ đồng. Để phát huy tiềm năng này, xã Thanh Xuân cũng đã đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trong đó có làm đường và làm cầu để thuận lợi cho hoạt động sản xuất và cả thu mua. Nếu nơi đây được đầu tư xứng tầm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà sẽ dần hình thành một khu sinh thái lý tưởng ngay ven sông Văn Úc.
- Sản xuất tôm giống gặp khó
Tại tỉnh Bình Thuận, tôm giống được nuôi tập trung ở xã Vĩnh Tân – huyện Tuy Phong và được xem là có chất lượng, cung cấp cho thị trường cả nước. Toàn tỉnh có 147 cơ sở/785 trại với 12.100 bể ương. Vùng biển Vĩnh Tân có ít nước ngọt từ sông ngòi đổ ra biển nên có độ mặn ổn định quanh năm, khu vực này có vực sâu, nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển. Tuy nhiên, gần đây tình hình sản xuất tôm giống gặp rất nhiều khó khăn. Môi trường nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tôm giống của nhiều cơ sở khi nước biển ven bờ Vĩnh Tân thường xuyên bị đục, bùn xuất hiện nhiều trong các ao lắng khi các cơ sở lấy nước, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôm bố mẹ và sự phát triển của các giai đoạn ấu trùng tôm.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 24/1/2024: Đưa rong biển trở thành lĩnh vực trọng điểm
Đưa rong biển trở thành một lĩnh vực kinh tế trọng điểm của ngành thủy sản; Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.