| Hotline: 0983.970.780

Kiến tạo không gian giá trị mới cho rong biển

Thứ Hai 22/01/2024 , 13:17 (GMT+7)

‘Ngành hàng rong biển muốn phát triển phải giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng’, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Giá trị, tiềm năng lớn

Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc Công ty TNHH DBLP (doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phát triển giống, tổ chức vùng nguyên liệu và chế biến, cung ứng sản phẩm rong sụn) chia sẻ, rong biển sẽ là nền tảng cho việc phát triển nuôi, trồng thủy sản bền vững do những ưu điểm nổi trội như nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người.

Ở Việt Nam, hiện có hơn 887 loài rong tự nhiên, thuộc 3 nhóm chính (rong sụn, rong câu, rong nho). Ảnh: TL.

Ở Việt Nam, hiện có hơn 887 loài rong tự nhiên, thuộc 3 nhóm chính (rong sụn, rong câu, rong nho). Ảnh: TL.

Loại cây trồng bền vững, thân thiện với môi trường (phát triển nhanh, thu hoạch 2 vụ/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 5 lần so với bất kỳ loại cây nào được biết đến trên đất liền; chỉ sử dụng ánh sáng mặt trời và nước biển; không bón phân khi trồng ngoài biển; giảm ô nhiễm biển, tích lũy CO2 trong đại dương thành sinh khối). Đa ứng dụng, triển vọng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau (sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón, chất tăng cường sinh học trong nông nghiệp; các vật liệu tự hủy thay thế nhựa và các chế phẩm nhựa; năng lượng sinh khối).

Bên cạnh đó, rong biển có khả năng áp dụng diện rộng, ít rủi ro nhờ chi phí thấp; không phải cho ăn và đối mặt với nhiều rủi ro gây chết như tôm, cá. Tăng tỷ lệ sống và bảo vệ vùng sống cho các loài vật biển; thích nghi và có khả năng được thuần dưỡng để thích nghi với các điều kiện môi trường.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 200 loài rong biển có giá trị thương mại, trong đó 27 loài được nuôi trồng chính. Tổng sản lượng rong biển hơn 36 triệu tấn (35 triệu tấn rong trồng), giá trị ước đạt hơn 8,3 tỷ USD.

Ở Việt Nam, hiện có hơn 887 loài rong tự nhiên, thuộc 3 nhóm chính (rong sụn, rong câu, rong nho). Diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển ở nước ta khoảng 900.000ha. Năm 2023, diện tích trồng rong biển khoảng 16.500ha, sản lượng 150.000 tấn.

Theo ông Luân, ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển như thị trường toàn cầu tăng trưởng trên 10%/năm; khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật cạn là cơ hội để có thể bán các tín chỉ các bon; xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh; hoạt chất của rong tảo có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học…

Tuy nhiên, cũng đối diện với không ít thách thức như chất lượng giống còn hạn chế; cạnh tranh diện tích với các ngành kinh tế khác; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Trên cơ sở đó, chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong biển đạt 180.000 tấn (gần bờ 170.000 tấn, xa bờ 10.000 tấn). Đến năm 2030 đạt 500.000 tấn (gần bờ 400.000 tấn, xa bờ 100.000 tấn).

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành rong biển Việt Nam sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: TL.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: TL.

Nhiều mô hình thành công nhưng vẫn cần cơ chế cụ thể

TS Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cho hay, có nhiều mô hình nuôi, trồng thủy sản kết hợp với rong biển cho hiệu quả cao như mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với rong; nuôi tôm/đa loài kết hợp với rong trong rừng ngập mặn; nuôi lồng bè kết hợp với rong; mô hình điện gió đa loài kết hợp với rong; nuôi chuyên canh rong bãi triều, biển đảo; mô hình nuôi rong trong trong nhà…

Tuy nhiên, để có thể nhân rộng những mô hình này cần sớm xây dựng quy hoạch vùng nuôi rong theo loài rong thích ứng (điều kiện môi trường sinh thái, chức năng của loài rong, địa hình…). Sinh sản và chọn giống rong thích hợp với nhiệt độ, cho sinh khối và hoạt chất cao. Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất và hoàn thiện khung pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ, hiện tại, STP đang triển khai mô hình nuôi trồng rong sụn kết hợp nhuyễn thể tại khu vực đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo biên bản đánh giá thực nghiệm nuôi trồng thương phẩm rong sụn tại trang trại Vân Đồn (kết hợp với Viện Nghiên cứu hải sản), chất lượng rong sụn tại đây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu phía Bắc. Hàm lượng và chất lượng carragennan rong nguyên liệu ổn định. Sản lượng khoảng 30 - 35 tấn/ha/vụ (rong tươi).

Bà Bình cũng cho rằng, để mở rộng hoạt động nuôi, trồng rong biển cần xây dựng đề án phát triển rong biển; nghiên cứu quy hoạch vùng nuôi ổn định để các đơn vị phát triển mô hình nuôi trồng theo hướng công nghiệp, có mã vùng nuôi; tăng cường truyền thông cacbon xanh từ rong biển; nhân rộng hộ mẫu, trang trại điển hình; Bộ, ban, ngành có cơ chế tài chính dành riêng cho rong; Ngân hàng Nông nghiệp có những chương trình đồng hành với hoạt động phát triển rong biển.

TS Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản cho rằng, cần ưu tiên quy hoạch trồng rong biển vì tiềm năng, diện tích trồng rong lớn và ngày càng tăng (Vùng tiềm năng có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ, Vân Đồn 1997 không trồng được nhưng 2022 trồng tốt; vùng nuôi tôm bỏ hoang/chuyển đổi; vùng trồng lúa nhiễm mặn). Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao hiệu quả nghề trồng rong (cơ giới hóa nghề rong; đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá rong nguyên liệu).

Chất lượng giống rong câu suy giảm nhanh chóng, do đó cần chọn, nhập, cải tạo giống. Ngoài ra, tăng cường kết nối mạng lưới sản xuất rong biển; tăng cường đầu tự nghiên cứu rong biển; hỗ trợ đội ngũ nghiên cứu…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Thủy sản, hướng dẫn, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu thành lập Hiệp hội Ngành hàng rong biển. Ảnh: MH.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Thủy sản, hướng dẫn, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu thành lập Hiệp hội Ngành hàng rong biển. Ảnh: MH.

Nghiên cứu thành lập Hiệp hội Ngành hàng rong biển

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đang tập trung giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, ngành hàng rong biển muốn phát triển phải giải quyết cùng lúc được những vấn đề này.

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng, chế biến rong biển ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng; tạo nhiều việc làm cho lực lượng ngư dân chuyên khai thác, giúp họ chuyển đổi ngành nghề phát triển nuôi trồng bền vững.

Song song đó, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức rõ mình không chỉ bán sản phẩm rong biển thông thường, thu lợi nhuận mà đang bán giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Sản phẩm do mình tạo ra có tác động lớn tới sức khỏe giống nòi. Từ đó, không ngừng hoàn thiện quy trình chất lượng từ con giống, sản xuất, chế biến, bảo quản…

Bộ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản, hướng dẫn, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu thành lập Hiệp hội ngành hàng rong biển; tạo môi trường thuận lợi để cùng nhau kiến tạo không gian giá trị mới cho ngành hàng rong biển. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch, tiêu chuẩn để các địa phương có căn cứ đánh giá đúng giá trị của ngành hàng rong biển, từ đó có những chủ trương, chính sách phát triển phù hợp.

KS Lê Bền, Công ty TNHH Trí Tín kiến nghị: Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành bộ tiêu chí báo cáo về hấp thụ và phát thải CO2 của lĩnh vực nuôi, trồng thuỷ sản nói chung và rong biển nói riêng, giúp các doanh nghiệp sớm tham gia vào thị trường tín chỉ các bon. 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.