Bản tin Thủy sản ngày 31/1/2024: Tháng 1/2024, thủy sản tăng trưởng cả lượng và giá
Tháng 1/2024, thủy sản tăng trưởng cả lượng và giá; 103 tàu cá xa bờ đăng ký bám biển xuyên Tết; Nguồn lợi thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dần cạn kiệt.
Quỳnh Anh | 16:19 31/01/2024
Bản tin Thủy sản ngày 31/1/2024: Tháng 1/2024, thủy sản tăng trưởng cả lượng và giá
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.
- Tháng 1/2024, thủy sản tăng trưởng cả lượng và giá
Thưa quý vị và bà con, theo báo cáo kinh tế - xã hội vừa công bố của Tổng cục Thống kê, Tháng 1/2024, thủy sản ghi nhận tăng trưởng cả về lượng và giá. Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng 01/2024 ước đạt hơn 590 nghìn tấn, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt hơn 310 nghìn tấn, tăng 1,9%. Sản lượng khai thác ước đạt gần 277 nghìn tấn, tăng 4,6%. Sản lượng thủy sản khai thác tăng do thời gian bám biển của ngư dân dài hơn so với cùng kỳ năm trước, bởi Tết Quý Mão vào tháng Một năm 2023, cùng với đó là thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết Nguyên đán cũng như chế biến phục vụ xuất khẩu tăng nên giá nhiều loại thủy sản cũng tăng theo.
- 103 tàu cá xa bờ đăng ký bám biển xuyên Tết
Về hoạt động khai thác thủy sản dịp Tết, tại Cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức lễ ra quân khai thác thủy sản năm 2024 nhằm khích lệ, động viên tinh thần ngư dân vươn khơi bám biển trong đầu năm mới. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Khánh Hòa có 103 tàu cá xa bờ đăng ký bám biển xuyên Tết. Sau lễ ra quân, các tàu sẽ đồng loạt rời cảng đi khai thác. Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 3.200 tàu cá. Sản lượng khai thác thuỷ sản của tỉnh năm 2023 đạt trên 101.200 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 729 triệu USD, chiếm gần 42% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.
- Nguồn lợi thủy sản tự nhiên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dần cạn kiệt
Cũng liên quan tới hoạt động khai thác thủy sản nhưng tại Thừa Thiên Huế thì theo Sở NN&PTNT tỉnh này, khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích lên đến 22.000ha là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản nước lợ rộng lớn, tạo nguồn thu nhập cho hơn 56.000 cư dân sinh sống bằng khai thác, đánh bắt tự nhiên và là nguồn thu nhập chính cho hơn 20.000 dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản ven phá. Tuy nhiên hiện nay, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá đang cạn kiệt dần do việc đánh bắt thường xuyên, do biến đổi khí hậu ngày càng tăng ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy, hải sản. Trong khi đó, việc nuôi trồng thủy sản rất dễ bị ảnh hưởng bởi mùa mưa lũ do khu vực đầm phá là kho dự trữ nước lũ của toàn hệ thống lưu vực sông Hương, sông Bồ, sông Truồi đổ về, nguồn nước phá bị ngọt hóa dài ngày làm chết tôm cá nuôi.
- Nông dân Hải Dương chủ động chống rét cho thủy sản
Về lĩnh vực bảo vệ thủy sản nuôi trước thời tiết cực đoan, trong những ngày rét đậm, rét hại, nông dân Hải Dương đã chủ động triển khai các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản. Đối với thủy sản, nông dân thường xuyên duy trì mực nước ao nuôi để ổn định nhiệt độ, bảo đảm độ sâu 1,5-2 m. Thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thủy sản trú ẩn tránh rét, sọt được đặt ở góc phía bắc ao nuôi. Tăng cường sục khí oxy để cung cấp cho cá. Sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng. Thời điểm cho cá ăn cũng được bà con điều chỉnh phù hợp với điều kiện thời tiết. Nông dân ngừng cho cá ăn khi nhiệt độ nước dưới 15 độ C.
-
Kết hợp năng lượng tái tạo và nuôi tôm đem lại nhiều hiệu quả
Liên quan tới những mô hình phát triển thủy sảnbền vững, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có khoảng 44 tổ chức và cá nhân có đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70ha. Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm được ghi nhận đem lại những lợi ích như chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030. Theo thông tin của các hộ có lắp đặt, hệ thống điện mặt trời có thể giảm chỉ số năng lượng điện tiêu thụ từ điện lưới quốc gia đối với các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao từ 40-50% điện năng tiêu thụ hàng tháng.
Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.
Bản tin Thủy sản ngày 31/1/2024: Tháng 1/2024, thủy sản tăng trưởng cả lượng và giá
Tháng 1/2024, thủy sản tăng trưởng cả lượng và giá; 103 tàu cá xa bờ đăng ký bám biển xuyên Tết; Nguồn lợi thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dần cạn kiệt.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Hôm nay, thời tiết trên cả nước khá ôn hòa, đặc biệt tại miền Bắc, trời tiếp tục se lạnh kèm theo sương mù nhẹ vào sáng sớm.
Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm; Hơn 2 ngày khống chế cháy rừng ở Sin Suối Hồ; Hồ chứa 'no nước' khi bước vào mùa khô.