Bản tin Thủy sản ngày 7/5/2024: Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc; Cá chết hàng loạt trên sông Mã không phải do dịch bệnh; Nuôi nghêu cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

Quỳnh Anh  | 

Bản tin Thủy sản ngày 7/5/2024: Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 7/5/2024: Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Thưa quý vị và bà con, Hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng vừa qua đạt 2,7 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 2,64 tỷ USD năm 2023. Sở dĩ xuất khẩu thủy sản phục hồi được ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP đánh giá, do nhu cầu của các thị trường trên thế giới tăng trở lại, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Điều này đã và đang giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển. Tuy nhiên Tổng thư ký VASEP cũng cho rằng, phải chờ thêm 1 quý nữa mới có thể đánh giá thị trường xuất khẩu phục hồi nhiều hay ít.

  • Cá chết hàng loạt trên sông Mã không phải do dịch bệnh

Liên quan tới tình trạng cá chết hàng loạt tại Thanh Hóa thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh này vừa có báo cáo làm rõ nguyên nhân gần 13 tấn cá chết trên sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước và Cẩm Thủy. Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế, kết quả xét nghiệm cho thấy không phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nấm trên cá chết được lấy mẫu; có hiện tượng thiếu oxy hòa tan trong nước tác động làm cho cá chết. Để kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại, sớm đưa sản xuất ổn định trở lại, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy tăng cường giám sát để phát hiện các trường hợp có động vật, thủy sản chết; thực hiện kịp thời các biện pháp khắc phục, xử lý giảm thiệt hại.

  • Dư địa lớn nhưng nghề nuôi nhuyễn thể ở Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn

Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, hiện nay, diện tích nuôi nhuyễn thể của Hà Tĩnh đạt trên 420 ha với các đối tượng nuôi chủ yếu gồm: ngao, hàu, vẹm, ốc hương... Sản lượng nuôi năm 2023 đạt hơn 3.500 tấn, cho giá trị sản xuất khoảng 53,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, dù còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển nhưng việc thả nuôi các đối tượng nhuyễn thể như ốc hương, ngao, hàu… tại các địa phương vẫn chủ yếu theo lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng đảm bảo các khâu theo quy trình kỹ thuật và quản lý dịch bệnh. Thực tế nhiều năm qua, cứ vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết diễn biến thất thường, môi trường nước, nhiệt độ nhiều xáo trộn, các vùng nuôi lại xảy ra hiện tượng đối tượng nuôi bị chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ.

  • Nuôi nghêu cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha

Còn tại Tiền Giang, Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, việc nuôi nghêu trên địa bàn phát triển ổn định, diện tích thả nuôi khoảng 2.200 ha, tập trung các xã ven biển huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Sản lượng thu hoạch nghêu của tỉnh Tiền Giang trong quý I năm nay đạt khoảng 2.540 tấn. Ghi nhận tại vùng chuyên canh nuôi nghêu ở biển Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang những ngày gần đây cho thấy, thương lái thu mua nghêu thương phẩm có giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ thu hoạch. Với năng suất 15 tấn/ha mặt nước trong năm nay, người nuôi nghêu ở biển Tân Thành phấn khởi vì thu nhập từ 1 ha nuôi nghêu đạt từ 300 - 400 triệu đồng.

  • Nuôi tôm công nghệ cao - xu hướng mới để phát triển kinh tế biển

Với đối tượng nuôi là con tôm, những năm gần đây, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên địa bàn tỉnh Bình Thuân đang thu hẹp dần diện tích, thậm chí bỏ đìa, chuyển sang con nuôi khác. Để khắc phục những nguyên nhân như môi trường nuôi bị ô nhiễm, nuôi theo phương pháp truyền thống rủi ro cao, gần đây đã có hộ tiên phong áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, nuôi tôm thẻ tuần hoàn khép kín, đem lại hiệu quả cao. Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển ngành nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven bờ công nghệ cao mà tỉnh đã đề ra. Theo người dân địa phương, để đầu tư 1 ao nuôi theo công nghệ hiện đại, chi phí khoảng 500 triệu đồng. Dù chi phí cao nhưng khi đã áp dụng thì tỷ lệ nuôi thành công sẽ khả quan hơn và giúp người nuôi nhanh thu hồi vốn.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 7/5/2024: Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc; Cá chết hàng loạt trên sông Mã không phải do dịch bệnh; Nuôi nghêu cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bản tin Thủy sản ngày 17/5/2024: Tiêu hủy 444.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch
Thời sự

Tiêu hủy 444.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch; Năng nóng giảm, người nuôi tôm đồng loạt thả giống; Chủ động nguồn giống, phát triển thương hiệu cá Bỗng Hà Giang.

Bản tin Thủy sản ngày 17/5/2024: Tiêu hủy 444.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch
4 vấn đề then chốt ngành nông nghiệp cần trợ lực của khoa học, công nghệ
Thời sự

4 vấn đề then chốt ngành nông nghiệp cần trợ lực của khoa học, công nghệ; Nhiều loại sâu bệnh có thể phát sinh gây hại lúa xuân.

4 vấn đề then chốt ngành nông nghiệp cần trợ lực của khoa học, công nghệ