| Hotline: 0983.970.780

Bình Định xả bản tàu cá cũ kỹ, tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU

Thứ Hai 06/05/2024 , 16:38 (GMT+7)

Bình Định sẽ xả bản khoảng hơn 340 tàu cá vỏ gỗ đã rệu rã, tàu hành nghề tận diệt nguồn lợi thủy sản và những tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU…

Bình Định còn nhiều tàu cá có công suất nhỏ chuyên đánh bắt thủy sản vùng ven bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định còn nhiều tàu cá có công suất nhỏ chuyên đánh bắt thủy sản vùng ven bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Quyết tâm cao

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong thời gian tới đây, Bình Định sẽ tiến hành di chuyển gần 600 tàu cá của ngư dân trước nay neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn) ra neo đậu tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát). Cùng với đó, tỉnh sẽ xả bản khoảng hơn 340 tàu cá đã quá cũ, hoạt động không hiệu quả, tàu làm những nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản và những tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU.

“Chúng tôi dự kiến kinh phí di chuyển 600 tàu cá từ Cảng cá Quy Nhơn ra neo đậu tại Cảng cá Đề Gi và xả bản khoảng hơn 340 tàu cá là khoảng 300 tỷ đồng. Đối với những tàu cá xả bản, tỉnh sẽ mua lại thân tàu và máy tàu theo hiện trạng, đồng thời hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân khi thực hiện chuyển đổi nghề”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, những tàu cá nằm trong diện xả bản là những con tàu vỏ gỗ đã “già nua”, rệu rã, hoạt động không hiệu quả, tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU và những tàu đang làm những nghề đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Mục tiêu là để làm sạch môi trường vùng biển Quy Nhơn, ngăn chặn nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là để thực thi công tác chống khai thác IUU trên địa bàn.

Quyết tâm của Bình Định thể hiện trong kế hoạch chuyển đổi 1 số nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái giai đoạn 2024-2030 vừa được ban hành vào ngày 10/4/2024 vừa qua. Kế hoạch nói trên được UBND tỉnh Bình Định giao do Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương ven biển thực hiện.

Mục tiêu của Bình Định là chuyển đổi 1 số nghề khai thác thủy sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác ít có ảnh hưởng xấu, hoặc chuyển sang làm các nghề khác ngoài hoạt động khai thác thủy sản. Đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, ổn định cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).

Theo đó, UBND Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang khai thác thủy sản với những nghề xâm hại nguồn lợi thủy sản, ví như nghề lưới kéo (giã cào), nghề lưới lồng, nghề ngư cụ kết hợp ánh sáng.

Bình Định sẽ xả bản khoảng hơn 340 tàu cá vỏ gỗ đã rệu rã, đánh bắt không còn hiệu quả, có nguy cơ cao vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định sẽ xả bản khoảng hơn 340 tàu cá vỏ gỗ đã rệu rã, đánh bắt không còn hiệu quả, có nguy cơ cao vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong đó, Bình Định sẽ chuyển 218 tàu cá hoạt động vùng lộng và vùng ven bờ đang làm các nghề nói trên sang các nghề khai thác ít có ảnh hưởng và chuyển 124 chiếc sang làm các nghề khác ngoài khai thác thủy sản. Tiếp đến, giai đoạn 2026-2030, Bình Định tiếp tục chuyển đổi nghề cho 198 tàu hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mành. Trong thời gian này, Bình Định sẽ tập huấn, đào tạo nghề cho 2.000 ngư dân có tàu chuyển đổi nghề phù hợp và chuyển sang làm nghề mới”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết cụ thể.

Điểm danh tàu cá làm nghề hủy hoại nguồn lợi

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện đội tàu khai thác của tỉnh này có 5.310 chiếc; trong đó, thành phố Quy Nhơn có 863 chiếc, huyện Tuy Phước có 429 chiếc, huyện Phù Cát có 688 chiếc, huyện Phù Mỹ có 991 chiếc và thị xã Hoài Nhơn có 2.339 chiếc.

Trong đó, chiếm nhiều nhất là tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương với 1.427 chiếc, tiếp đến là nghề lưới vây 1.302 chiếc, nghề lưới rê 288 chiếc, nghề mành chụp 289 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 226 chiếc, các nghề khác 751 chiếc.

Hiện Bình Định có đội tàu 1.427 chiếc hành nghề câu cá ngừ đại dương. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Bình Định có đội tàu 1.427 chiếc hành nghề câu cá ngừ đại dương. Ảnh: V.Đ.T.

Đáng quan ngại nhất là 401 chiếc tàu cá đang hành nghề lưới kéo chủ yếu đánh bắt thủy sản ở vùng biển ven bờ; trong đó, có 222 chiếc chuyên làm các nghề khai thác mang tính hủy hoại nguồn lợi thủy sản cao. Ngoài ra, còn có 404 tàu khác đang hoạt động vùng lộng cũng làm những nghề khai thác mang tính hủy diệt như nghề câu mực kiêm nghề lưới mành.

Đội tàu chuyên hoạt động ở vùng bờ và vùng lộng của ngư dân Bình Định là khá lớn, các tàu này sử dụng mắt lưới nhỏ nên khai thác cả cá con. Đây là đối tượng tàu cần cắt giảm số lượng để giảm cường độ khai thác, từ đó góp phần tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản ven bờ để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững.

“Riêng nghề lưới kéo được xem là nghề gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Theo quy định, nghề lưới kéo phải hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi, không được hoạt động ở vùng ven bờ. Thế nhưng, phần lớn tàu lưới kéo của Bình Định hoạt động ở vùng ven bờ làm ảnh hưởng đến đáy biển, gây tổn hại đến hệ sinh thái nền đáy biển, cỏ biển và những rạn san hô. Ngoài ra, hiệu quả của nghề lưới kéo không ổn định, tỷ lệ tàu làm ăn thua lỗ ngày càng tăng”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.

Bình Định sẽ chuyển đổi những tàu cá làm những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang những nghề ít ảnh hưởng hơn. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định sẽ chuyển đổi những tàu cá làm những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang những nghề ít ảnh hưởng hơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện nay đề án chuyển đổi nghề thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính phủ đã có chủ trương chuyển những nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản như nghề lưới kéo và những nghề không thân thiện với môi trường sang những nghề thân thiện với môi trường, hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản và làm các nghề khác ngoài nghề khai thác thủy sản.

“Thủ tướng Chính phủ đã ký đề án này, kinh phí thực hiện đang nằm trong Nghị định 67 sửa đổi. Khi Chính phủ đã phê duyệt, sẽ có ngân sách của Trung ương, cộng với ngân sách của địa phương thì Bình Định có thể thực hiện việc mua lại những tàu cá của ngư dân chuyển đổi nghề và đào tạo nghề cho ngư dân chuyển đổi”, ông Nguyễn Quang Hùng nói.

Trong thời gian tới đây, ngành chức năng Bình Định sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo các mô hình nghề cá giải trí; mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo, lưới lồng, xiếc máy… sang các nghề khác phù hợp hơn để ngư dân biết, thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động về việc chuyển đổi nghề.

Bình Định quyết tâm cắt giảm số lượng tàu cá trung bình hằng năm đạt tối thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% số tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định quyết tâm cắt giảm số lượng tàu cá trung bình hằng năm đạt tối thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% số tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Từ nay, Bình Định sẽ quyết tâm cắt giảm số lượng tàu cá trung bình mỗi năm đạt tối thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% số tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ. Lộ trình cắt giảm số lượng tàu cá sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2024.

Đặc biệt, trong thời gian tới đây, Bình Định không bổ sung các nghề khai thác thủy sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, phù hợp với định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản của Bộ NN-PTNT và của tỉnh. Đồng thời, tạm dừng cấp lại giấy phép thuê, mua tàu từ địa phương khác về địa phương đối với tàu làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu, ngừ và tàu cá có tuổi thọ từ 10 năm trở lên.

“UBND tỉnh giao các Sở, ngành liên quan xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất. Xây dựng và chuyển giao mô hình chuyển đổi nghề, ưu tiên các mô hình chuyển đổi tạo được nhiều việc làm cho lao động. Lựa chọn các nghề yêu cầu kỹ thuật dễ học, dễ thực hành phù hợp với trình độ của ngư dân để đào tạo”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.