| Hotline: 0983.970.780

Dựa vào dân để giám sát tàu cá vi phạm

Thứ Hai 06/05/2024 , 16:35 (GMT+7)

Nhân dân là tai mắt trong việc phát hiện tàu cá vi phạm. Do vậy, cần dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

100% tàu cá Thanh Hóa lắp thiết bị giám sát hành trình

Tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hơn 6.000 tàu, thuyền, tỷ lệ lắp đặt giám sát hành trình đạt 100%. Tỉnh có 8 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão, 28 cơ sở đóng, sửa tàu cá; có 80 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản.

Năm 2023, sản xuất thủy sản của tỉnh đạt hơn 215 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 142 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 74 nghìn tấn. 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt gần 69 nghìn tấn, tăng hơn 100% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp chống tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (chống khai thác IUU).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế. Ảnh: Quốc Toản.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế. Ảnh: Quốc Toản.

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đạt được kết quả tốt, được Bộ NN-PTNT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, nhân dân, ngư dân về chống khai thác IUU đã được nâng lên rõ rệt", ông Cường nhấn mạnh.

Cụ thể, những năm qua tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã thực hiện đánh dấu tàu cá, có đăng ký, được nhập vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VnFishbase).

Không chỉ vậy, 100% tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản; 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 97,8% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản; 95,8% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Đơn cử như việc chấp hành quy định duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi khai thác trên biển của một bộ phận ngư dân chưa nghiêm túc. Nhiều tàu cá nhỏ, hoạt động ven bờ chưa thực hiện đầy đủ việc ghi, nộp báo cáo khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, việc ghi nhật ký khai thác thủy sản đôi khi còn chưa chính xác do trình độ học vấn của ngư dân còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, tàu hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá ra khơi đầy đủ thủ tục và duy trì thiết bị giám sát tàu cá theo quy định.

Huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá. Đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tổ chức lại sản xuất. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác chống khai thác IUU, bảo đảm phát triển thủy sản bền vững…

Dựa vào dân để chống khai thác IUU

Tại buổi tọa đàm “Dốc sức gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” diễn ra tại Thanh Hóa hôm 26/4 do Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, TS. Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, việc gỡ "thẻ vàng" EC trong bối cảnh hiện nay là rất cấp bách.

Bàn về giải pháp để gỡ "thẻ vàng", ông Thắng cho rằng: “Mấu chốt là kiểm soát, xử lý tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Muốn thực hiện tốt việc này phải lấy dân làm gốc, dựa vào tai mắt của nhân dân để phát hiện tàu cá vi phạm khai thác. Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị trong thực hiện nỗ lực chung gỡ "thẻ vàng" EC”.

Song song việc gỡ "thẻ vàng", theo ông Thắng, để phát triển bền vững ngành thủy sản cần điều tra trữ lượng nguồn lợi thủy sản, có phương án khai thác hợp lý, bố trí sinh kế của cộng đồng ngư dân sang phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch… Gắn việc khai thác thủy sản với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Tàu cá neo đậu tại bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Tàu cá neo đậu tại bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QT.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết: "Do "thẻ vàng" EC, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU liên tục bị sụt giảm. Nếu vẫn còn tình trạng vi phạm khai thác, Việt Nam sẽ bị "thẻ đỏ", bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu, đồng nghĩa với việc ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất khoảng 500 triệu USD mỗi năm".

Tuy nhiên, theo ông Ca, việc thực hiện các khuyến cáo của EC không những giúp Việt Nam tránh được những thiệt hại về xuất khẩu hải sản, nâng cao vị thế quốc gia, mà còn giúp chúng ta khôi phục lại nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.

Góp ý về việc gỡ "thẻ vàng" EC nói riêng, chính sách xây dựng và phát triển ngành thủy sản bền vững nói chung, ông Ca cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc đánh bắt thủy sản, trong đó phải gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS) lên 100% tàu cá đánh bắt xa bờ và phạt nặng, thậm chí cấm đi biển đối với các tàu cá tắt thiết bị VMS không có lý do. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo tất cả các tàu có ghi đầy đủ nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc hải sản.

“Nghiêm cấm, phạt nặng, thậm chí truy tố chủ tàu và thuyền trưởng đối với những tàu cá cố tình đánh bắt trái phép trong vùng biển nước ngoài. Nghiêm cấm các hình thức đánh bắt hủy diệt như giã cào, thuốc nổ… Cần đẩy mạnh nuôi trồng các loại hải sản có giá trị cao theo phương thức công nghiệp, tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi sạch. Áp dụng hình thức nuôi thủy sản, giống thủy sản thâm canh công nghệ cao có xử lý và tuần hoàn nước. Đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu hải sản, gắn với phát triển các doanh nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương…", ông Ca nói.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.