Thông tin về kết quả hoạt động của ngành nông nghiệp 4 tháng đầu năm và trong tháng 4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Trong 4 tháng đầu năm và riêng tháng 4, ngành nông nghiệp triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo chính xác nên kết quả đạt được rất khả quan.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước); xuất siêu hơn 4,7 tỷ USD (tăng hơn 71%).
Tính riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD (tăng 19,7%). Trong đó, nông sản chính gần 3 tỷ USD (tăng hơn 29%), lâm sản gần 1,4 tỷ USD (tăng hơn 18%), chăn nuôi hơn 40 triệu USD (tăng gần 6%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%). Riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%). Về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Hoa Kỳ hơn 20%; Trung Quốc gần 19%; Nhật Bản gần 7%).
Thứ trưởng cũng đánh giá, trong thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng chi phí vận chuyển, nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục xuất khẩu nông sản ở quy mô lớn hơn, vào nhiều khu vực có dư địa với giá trị cao hơn.
Do đó, Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước; chỉ đạo đơn vị thuộc Bộ, địa phương tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại với cơ cấu thị trường cụ thể hơn, tranh thủ những thuận lợi mà các thị trường mang lại, trong đó tập trung cho các đối tượng chủ lực.
Đối với nội địa, đây vẫn là thị trường quan trọng cần được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam được đánh giá là cầu nối trong khu vực ASEAN. Nhiều quốc gia khi tiến hành xúc tiến thương mại đều mong muốn nhập khẩu nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải thời cơ đến mà chúng ta buông lỏng quản lý chất lượng, thay vào đó, cần tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư chế biến và chế biến sâu nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Một ví dụ điển hình là thời gian qua chúng ta đã xuất khẩu thành công lô hàng thuốc thú y đầu tiên vào thị trường Halal. Dự kiến trong cuối tháng 5, tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này lô hàng thịt gà đầu tiên. Nếu hoạt động xuất khẩu vào thị trường Halal diễn ra thuận lợi, trung bình mỗi tháng, chúng ta sẽ có 100.000 tấn thịt gia cầm được tiêu thụ, điều này góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Việc xuất khẩu thành công các lô hàng vào thị trường khó tính như Halal không phải là may mắn mà cần cả quá trình xây dựng, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được đó, Bộ NN-PTNT cùng với các đơn vị chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Để giải quyết vấn đề “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khi nhiều loại sản phẩm hoa quả tươi chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch rộ trong tháng 5, 6, 7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: Trên cơ sở những thống kê, đánh giá, từ rất sớm Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị phụ trách triển khai nhiều hội nghị chuyên đề, hoạt động để đánh giá tình hình, dự tính, dự báo, đưa ra các chỉ đạo, giải pháp đảm bảo sản xuất, tiêu thụ thuận lợi.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ, rải vụ để giảm áp lực thu hoạch, tiêu thụ vào cùng một thời điểm. Đồng thời, chuyển từ tư duy ngành hàng sang tư duy giá trị, cân đối các thị trường để khuyến cáo sản xuất, xúc tiến thương mại, tăng cường chế biến chế biến sâu.
Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chuỗi liên kết giá trị với các HTX, hộ sản xuất từ chuẩn bị giống, canh tác, sản xuất, thu hoạch, sơ chế chế biến. Việc quản lý chặt chẽ toàn bộ quy trình đã giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ được thực hiện bài bàn, đồng bộ, nhất là với các loại hoa quả tươi có thời gian thu hoạch ngắn, nên áp lực tiêu thụ được giảm đáng kể.