Bản tin Thủy sản ngày 8/12/2023: Nhiều dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông

Dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông có thể tăng gấp 3 lần; Kiên Giang xây dựng ngành nuôi biển theo hướng hiện đại; Lợi ích từ mô hình nuôi biển hai tầng lồng.

Quỳnh Anh  | 11:03 08/12/2023

Bản tin Thủy sản ngày 8/12/2023: Nhiều dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 8/12/2023: Nhiều dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại cùng Nông nghiệp Radio với những tin tức trong lĩnh vực Thủy sản.

  • Dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông có thể tăng gấp 3 lần

Mở đầu là thông tin về thị trường xuất khẩu, thưa quý vị, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, trong giai đoạn từ 2019 - 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khu vực thị trường Trung Đông dao động từ 41,5 - 49,8 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang khối thị trường này có xu hướng tăng trưởng liên tục từ 2020 đến 2022. Năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Đông cũng không tránh khỏi sụt giảm nhưng mức giảm nhẹ hơn so với các thị trường khác. Tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Đông đạt hơn 39 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Trung Đông hiện mới chiếm 1,3% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nhìn chung, đây là thị trường tiềm năng của thủy sản nước ta, sức mua ngang với khu vực ASEAN và dư địa có thể tăng gấp 3 lần nếu được tập trung phát triển.

  • Kiên Giang xây dựng ngành nuôi biển theo hướng hiện đại

Với hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nước, thưa quý vị, sở hữu trên 140 đảo lớn nhỏ, diện tích ngư trường hơn 63.200km2, Kiên Giang có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, có tiềm năng phát triển ngành kinh tế thủy sản. Do đó, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Thời gian qua, để khai thác tiềm năng, thế mạnh về nuôi biển, UBND tỉnh này đã tập trung chỉ đạo lập quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo, vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến tháng 10 năm nay, tổng diện tích nuôi biển của tỉnh tăng lên gần 23.200ha, sản lượng thu hoạch trên 87.200 tấn.

  • Lợi ích kép từ mô hình nuôi biển hai tầng lồng

Cũng liên quan tới hoạt động nuôi biển nhưng tại Khánh Hòa, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh này đã phối hợp với đơn vị liên quan chọn 6 hộ triển khai mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE theo phương thức “lồng chồng lồng” tại vùng quy hoạch nuôi biển thuộc xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, trong đó có 1 hộ nuôi tôm hùm và 5 hộ nuôi cá biển. Theo đánh giá, mô hình nuôi biển 2 tầng lồng vừa tiết kiệm được diện tích mặt nước, vừa phù hợp với tập quán của người dân mà năng suất, sản lượng không thay đổi. Đặc biệt, nuôi tôm hùm 2 tầng phải được nuôi trong môi trường nước có độ sâu từ 8m nước trở lên. Khi tôm nuôi được sống trong môi trường có độ sâu lớn sẽ tránh được sự ô nhiễm của vùng ven bờ, nên tôm sẽ ít bị dịch bệnh, phát triển tốt hơn.

  • Nghệ An bám sát quy hoạch để phát triển kinh tế thủy sản

Còn tại Nghệ An, nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng của địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo ngành nông nghiệp Nghệ An, để hạn chế rủi ro và tiến tới phát triển bền vững cần bám sát quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó Chương trình phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 của Nghệ An định hướng từng bước mở rộng diện tích nuôi trồng tại những vùng nuôi đủ điều kiện, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Mặt khác, sẽ tập trung sản xuất, ương dưỡng giống tôm, nhuyễn thể, giống đặc sản và ứng dụng công nghệ để tạo ra con giống tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, có sức đề kháng cao.

  • Sản lượng đánh bắt thủy sản huyện Bố Trạch đạt gần 25.000 tấn

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện có trên 1.000 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản. Năm nay, địa phương này tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành khai thác thủy sản theo hướng giảm số lượng tàu gần bờ, ổn định tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân tham gia đánh bắt trên biển dài ngày ở các vùng biển xa để tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt năm 2023 của huyện Bố Trạch ước đạt gần 25.000 tấn, đạt 113% so với kế hoạch, tăng gần 3% so cùng kỳ.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc phần tin tức trong lĩnh vực Thủy sản của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Bản tin Thủy sản ngày 8/12/2023: Nhiều dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông

Dư địa xuất khẩu tôm sang Trung Đông có thể tăng gấp 3 lần; Kiên Giang xây dựng ngành nuôi biển theo hướng hiện đại; Lợi ích từ mô hình nuôi biển hai tầng lồng.

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Các chương trình

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời sự

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; Sâu, bệnh gây hại gần 230ha cây ăn quả có múi; Bắc Giang có thêm 6 sản phẩm OCOP 4 sao.

Bảo vệ sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên
Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ
Thời sự

Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định trong có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Thời tiết nông vụ ngày 22/11/2024: Mưa lớn tại Trung Trung bộ