Cần liều thuốc hữu cơ tăng sức khỏe cho đất

Hiện nay, việc cải thiện chất lượng tài nguyên đất đang được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là bổ sung chất hữu cơ cho đất.

Quỳnh Anh - Trung Quân  | 11:35 29/10/2024

Cần liều thuốc hữu cơ tăng sức khỏe cho đất

Tự động

Cần liều thuốc hữu cơ tăng sức khỏe cho đất

Dự án Trồng trọt

(Quỳnh Anh – Trung Quân)

MC 1: Đào Thanh

MC 2: Quỳnh Anh

MC 1

Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã quay trở lại với Nông nghiệp Radio.

Thưa quý vị và bà con, cùng với biến đổi khí hậu đang làm ảnh hưởng tới mọi mặt của sự sống trên trái đất, những năm gần đây, “suy thoái đất”, “sa mạc hóa đất” “suy giảm chất lượng tài nguyên đất”… cũng là những cụm từ chúng ta thường được nghe tới khi tình trạng này đang trở nên đáng báo động ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sức khỏe đất suy giảm đã ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trồng trọt, từ đó đe dọa đến an ninh lương thực. Do đó, bên cạnh thích ứng với biến đổi khí hậu thì hiện nay, việc cải thiện chất lượng tài nguyên đất cũng đang được các cơ quan quản lý, các nhà khoa học quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là việc bổ sung chất hữu cơ cho đất.

MC 2:

Thưa quý vị và bà con, kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc về thoái hóa đất năm 2021 cho thấy cả nước có trên 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam có tới 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và nghèo chất dinh dưỡng. Ngoài ra, do người dân chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo cả chiều ngang và chiều sâu. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng. Đặc biệt, đối với sản xuất trồng trọt, sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, phân bón hóa học cũng đã phần nào tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng…

Tại nước ta, tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Miền Trung cũng là khu vực có nhiều đất đai có hiện tượng thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang địa cằn cỗi. Ngoài việc làm biến mất các thảm thực vật, ngập lũ, xâm ngập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa, sa mạc hóa còn khiến cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.

Ngoài thực trạng vừa nêu, ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN-PTNT cho rằng, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu về chất lượng, sức khỏe đất nói chung, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu là điều quan trọng để có kế hoạch phù hợp.

Băng ông Nguyễn Quang Tin

MC 2

Trước thực trạng về hiện tượng suy thoái đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng và cả hệ thống lương thực thực phẩm, nhiều đề án, chính sách đã được đưa ra với giải pháp cụ thể như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các giải pháp canh tác thân thiện với môi trường...

Và trong suy thoái đất, chất hữu cơ được đặc biệt quan tâm, vì nó là chìa khóa cho sức khỏe đất. Chất hữu cơ đất có quan hệ đến hầu hết chỉ số chi phối độ phì nhiêu, việc mất chất hữu cơ sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất bị giảm dần theo quá trình canh tác. Ngay cả đất không bị xói mòn, nếu canh tác liên tục, chất hữu cơ cũng sẽ bị kiệt quệ nhanh chóng.

Do đó, PGS.TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhận định, việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là việc cần thiết, lâu dài.

Băng PGS.TS Vũ Năng Dũng

MC 2:

Nhìn chung, trong nhiều năm qua, chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã có những thay đổi rất rõ và theo các chiều hướng khác nhau, song cho đến nay chưa có chương trình, dự án nào về chất lượng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được tiến hành định kỳ một cách hệ thống ngoại trừ việc đánh giá đất ở một số tỉnh mang tính đơn lẻ, không liên tục.

Dù vậy ở các địa phương, nhận thức về việc bảo vệ, phục hồi sức khỏe tài nguyên đất trong trồng trọt cũng đã len lỏi tới nhiều cánh đồng hay các vườn cây ăn trái và đang ngày càng lan rộng mang lại hiệu quả cao, nhận được sự ủng hộ.

Với 6ha trồng bưởi, cam, gia đình ông Tạ Hữu Quang ở thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang sau nhiều tháng thả kiến vàng kiểm soát sâu hại đã lột xác hoàn toàn. Nhờ kiên trì với con đường nông nghiệp hữu cơ, hiện nỗi lo rệp sáp, sâu cuốn lá… phá hoại cây trồng làm gia đình mất ăn, mất ngủ bấy lâu nay đã được giải tỏa. Không những vậy, gia đình ông cũng tìm nguồn phân hữu cơ cho vườn cây. Nhờ đó, chi phí đầu tư, công chăm sóc đều giảm đáng kể, môi trường đất được bảo vệ, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt hơn.

Băng địa phương:  hữu cơ – thiên địch

MC 1

Thưa quý vị và bà con, thực trạng thoái hóa đất, suy giảm chất lượng đất đang ở mức báo động trong nhiều năm nay. Và để khắc phục tình trạng này, việc cung cấp chất hữu cơ cho đất là giải pháp cần được triển khai, từ các hoạt động như sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng, chú trọng thời gian cho đất nghỉ sau quá trình canh tác, tận dụng các chế phẩm sinh học... Bởi hàm lượng chất hữu cơ trong đất là chìa khóa cho một loại đất khỏe mạnh và chất lượng cao. Trong quá trình canh tác, sự bổ sung chất hữu cơ cho đất giúp cải thiện độ thoát nước, giữ ẩm, tăng sức chứa nước của đất, giảm thiểu tác động của đất bị ăn mòn, tăng cường khả năng trữ chất dinh dưỡng và tăng cường sự sinh trưởng của cây trồng.

MC 2: Bây giờ mời quý vị và bà con cùng điểm qua một số tin vắn liên quan tới lĩnh vực trồng trọt.

MC 1:

Thưa quý vị và bà con,

Thực hiện Chỉ thị của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để việc quản lý sức khỏe đất trồng trọt được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững. Trong đó, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tập trung triển khai có hiệu quả chỉ đạo này. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất và cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực trồng trọt.

MC 2:

Ngành Nông nghiệp Bắc Giang xác định, vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa chính trong năm, có nhiều điều kiện để mở rộng sản xuất nên chú trọng trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn người dân tập trung sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Năm nay Bắc Giang đề ra mục tiêu gieo trồng 22 nghìn ha cây vụ đông, tăng 300 ha so với vụ đông năm trước. Trong đó, diện tích tăng chủ yếu là cây ưa lạnh như: Rau các loại, khoai tây, còn lại là ngô, lạc, khoai lang, cây khác. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Bắc Giang cũng khuyến cáo người dân đẩy mạnh cơ giới hóa tăng hiệu quả sản xuất. Áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vậthóa học. Theo dõi diễn biến các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng. Phát động chiến dịch diệt chuột trước khi trồng cây vụ đông.

MC 1:

Ia Grai là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn nhất tỉnh Gia Lai với gần 50.000 ha. Nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, bà con nông dân đã từng bước hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ.Phòng NN- PTNT huyện Ia Grai đánh giá: Sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học không những giúp cây phát triển bền vững mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học giúp giảm sự phụ thuộc vào các hóa chất độc hại, giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc, nhất là bảo vệ sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng.

Nội dung vừa rồi cũng đã kết thúc chương trình của Nông nghiệp Radio hôm nay, cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con, xin chào và hẹn gặp lại.

Tự động

Cần liều thuốc hữu cơ tăng sức khỏe cho đất

Hiện nay, việc cải thiện chất lượng tài nguyên đất đang được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là bổ sung chất hữu cơ cho đất.

Quỳnh Anh - Trung Quân

Tin liên quan

Các chương trình

Nhộn nhịp mùa năn bộp
Phóng sự

Khi giá trị cây năn bộp cũng như nhu cầu sử dụng loại cây rau ăn ngon, bổ dưỡng này được nhiều người biết đến thì phong trào trồng năn bộp đã được nhân rộng.

Nhộn nhịp mùa năn bộp
Bắc Giang: Huyện Tân Yên dồn lực cho vụ đông
Phóng sự

Hiện tại, diện tích gieo trồng vụ đông tại huyện Tân Yên đã cơ bản đạt mục tiêu, gồm các loại cây như lạc, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại dưa bí và ớt.

Bắc Giang: Huyện Tân Yên dồn lực cho vụ đông