Cần xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025
Xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025; 185ha dừa hữu cơ Trà Vinh bị sâu đầu đen gây hại; Quảng Ngãi xử phạt 160 trường hợp vi phạm IUU.
Quỳnh Anh | 11:29 11/11/2024
Xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Nâng diện tích khu bảo tồn da dạng sinh học toàn quốc lên 6,6 triệu ha
- Xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025
- 185ha dừa hữu cơ Trà Vinh bị sâu đầu đen gây hại
- Quảng Ngãi xử phạt hơn 160 trường hợp vi phạm IUU
- Chấn chỉnh khai thác thủy sản trái phép tại hồ thủy điện Sơn La
- Nguồn cung hạn chế, giá sầu riêng tăng cao
- Kêu gọi hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng 7 khu nông nghiệp công nghệ cao
- Nguồn cung thịt đủ cho những tháng cuối năm
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Nâng diện tích khu bảo tồn da dạng sinh học toàn quốc lên 6,6 triệu ha
Thưa quý vị và bà con, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Quy hoạch nhằm mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, thành lập mới 61 khu bảo tồn, chuyển tiếp 178 khu bảo tồn hiện có, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha. Ngoài ra, hệ thống sẽ hình thành thêm 7 hành lang đa dạng sinh học mới và 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia. Đồng thời, hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng gồm 22 khu vực, 10 cảnh quan sinh thái. Đây là các khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các loài và nguồn gen quý hiếm, cũng như bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
-
Xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025
Trong tuần qua, tại Bắc Ninh, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt năm 2024. Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, thời gian qua, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình tại khắp các vùng miền trên cả nước. Qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm cho thấy, vai trò của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc hộ đê, xử lý sự cố để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất quan trọng. Do vậy, công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng chuyên trách để chủ động ứng phó với lũ bão là rất cần thiết. Cụ thể hơn về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị trong phần sau của chương trình.
- 185ha rừng hữu cơ Trà Vinh bị sâu đầu đen gây hại
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 220 ha dừa bị sâu đầu đen tấn công, trong đó, gần 50 ha bị thiệt hại mức độ trên 40%. Đáng lo ngại, trong số diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công có trên 185 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngành Nông nghiệp Trà Vinh đang đang tích cực hỗ trợ nhà vườn khống chế, phòng trị sâu đầu đen hại dừa để giảm thiểu thiệt hại. Các vườn dừa sản xuất thông thường bị thiệt hại nặng sẽ được ngành chuyên môn hỗ trợ vật tư, nhân công phun xịt thuốc trừ sâu đầu đen. Đối với các vườn dừa sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, ngành chuyên môn hướng dẫn nhà vườn cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá bị hại nặng nhằm giảm mật số sâu hại, đặc biệt là nhộng. Đồng thời, khuyến cáo nhà vườn sử dụng biện pháp sinh học, không sử dụng các biện pháp hóa học để phòng trị.
- Quảng Ngãi xử phạt hơn 160 trường hợp vi phạm IUU
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh xử phạt 163 trường hợp với 162 phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, có 100 trường hợp với 100 phương tiện vi phạm liên quan đến mất kết nối giám sát hành trình tàu cá trên biển, tổng số tiền phạt 2,5 tỷ đồng. Riêng trường hợp tàu cá vượt ranh giới, xử phạt 2 trường hợp, với số tiền 250 triệu đồng về hành vi sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận.
- Chấn chỉnh khai thác thủy sản trái phép tại hồ thủy điện Sơn La
Từ đầu năm đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép. Hiện nay, Quỳnh Nhai có có vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trải dọc địa bàn 9 xã, là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác thủy sản. Toàn huyện hiện có gần 30 hợp tác xã thủy sản với hơn hơn 1.000 hội viên cùng hơn 600 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản với hơn 700 phương tiện và hơn 100.000 ngư cụ. Những năm qua, mặc dù đã được các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền khai thác thủy sản theo quy định, song một số tàu thuyền vãng lai, chưa được quản lý khai thác mang tính tận diệt vẫn cố tình vi phạm, làm nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ bị suy giảm.
- Nguồn cung hạn chế, giá sầu riêng tăng cao
Do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu của thị trường lớn nên giá sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đang tăng cao. Cụ thể, tại khu vực Cai Lậy, nhiều vựa nông sản thu mua sầu riêng Monthong – sầu riêng Thái loại A với giá dao động từ 190.000 - 195.000 đồng/kg, loại B có giá 170.000 - 175.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri 6 loại A có giá 130.000 - 140.000 đồng/kg, loại B có giá khoảng 115.000 đồng/kg. Theo ghi nhận, những ngày qua, giá sầu riêng Thái tăng mạnh nhất. Sầu riêng đang rất hút hàng do năm nay nhà vườn bị thất mùa. Nhiều vườn sầu riêng bị rụng bông, trái do ảnh hưởng của thời tiết.
- Kêu gọi hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng 7 khu nông nghiệp công nghệ cao
Sở NN-PTNT TP Cần Thơ vừa công bố Quy hoạch ngành nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung quan trọng trong phương hướng phát triển nông nghiệp TP Cần Thơ thời kỳ này là hình thành 7 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, quy mô khoảng 1.665ha. Đây sẽ là những dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố thời kỳ 2022 – 2030, với tổng mức kêu gọi trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Cần Thơ sẽ quy hoạch lại Khu nông nghiệp công nghệ cao Cần Thơ hiện hữu, quy mô gần 250ha ở huyện Cờ Đỏ. Đồng thời, quy hoạch mới 6 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.400ha.
- Nguồn cung thịt đủ cho những tháng cuối năm
Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có tổng đàn gia cầm trên 26 triệu con; đàn lợn trên 1,4 triệu con và đàn trâu, bò trên 440 nghìn con. Hàng năm toàn tỉnh có sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 300 nghìn tấn, trên 310 triệu quả trứng. Với sản lượng này, ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm trong tỉnh, còn phải xuất bán khoảng 25% sản lượng ra ngoài tỉnh, kể cả thời điểm cuối năm. Cùng với các biện pháp tái đàn, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong chăn nuôi để hạn chế thấp nhất rủi ro. Đảm bảo nguồn cung an toàn cho dịp Tết Nguyên đán.
Nhạc cắt
Đối thoại
Thưa quý vị và bà con, thời gian qua, thiên taiở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình diễn ra khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, các hình thái thiên tai đã làm hơn 500 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.600 tỷ đồng. Riêng với hệ thống đê điều, thiên tai khốc liệt, đặc biệt là tác động từ cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9 đã gây ra hơn 800 sự cố, uy hiếp sự an toàn đê điều ở nhiều nơi. Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm sau, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT cho rằng, hơn 800 sự cố đê điều này cần được xử lý, nhanh chóng hoàn thành, cùng với đó là nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều.
Băng
Quang Dũng
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Cần xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025
Xử lý hơn 800 sự cố đê điều trước mùa mưa lũ 2025; 185ha dừa hữu cơ Trà Vinh bị sâu đầu đen gây hại; Quảng Ngãi xử phạt 160 trường hợp vi phạm IUU.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Việt Nam thích ứng chủ động với suy thoái đất và khô hạn; Trồng rừng gỗ lớn còn nhiều rào cản; Quảng Ngãi chỉ đạo sớm xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp.
Miền Trung vẫn đang chìm trong mưa. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mưa vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi mưa to.